Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công nhân tăng ca: Vất vả vẫn mong có việc

Cập nhật: 07:00 ngày 23/03/2019
(BGĐT) - Lương thấp, áp lực cơm áo gạo tiền buộc nhiều công nhân phải tăng ca liên tục. Tuy thu nhập có cải thiện nhưng đằng sau đó là nỗi trăn trở với những câu chuyện buồn vui.

Nỗi niềm tăng ca

Có mặt tại thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên-Bắc Giang) - nơi tập trung đông công nhân thuê trọ vào sáng sớm, chúng tôi thấy nhiều lao động vừa tan ca ba. Trên gương mặt họ thể hiện rõ vẻ mệt mỏi. Chúng tôi cùng Hà Thị Nhàn (SN 1993), quê huyện Con Cuông (Nghệ An) về phòng trọ. 

{keywords}

Tăng ca nhiều, công nhân không còn thời gian cho những hoạt động vui chơi, giải trí, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ.

Trước khi trò chuyện với chúng tôi, Nhàn kịp cho gói xôi mua vội ở đầu ngõ ra bát, cởi bỏ các vật dụng cá nhân đã dùng trong ca đêm để vào thau. Ít phút nữa, nữ công nhân sẽ ăn bữa sáng qua loa và vào giấc ngủ dài đến quá trưa, thậm chí sang chiều để lấy sức cho những ca làm việc tiếp theo.

Theo Nhàn, nếu không tăng ca, sau khi đã cộng tất cả các khoản như: Lương cơ bản, thưởng năng suất, chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, ai cao mới được khoảng 4 triệu đồng. Vì thế, dù công việc ở xưởng 8 giờ/ngày đã khá vất vả nhưng hầu hết công nhân vẫn hy vọng được tăng ca bởi tăng ca nhiều sẽ càng có thêm thu nhập.

“Tháng trước, công ty ít việc, chỉ làm trong giờ hành chính nên tiền lương vừa đủ chi tiêu. Tháng này, tăng ca đều thì có thể em bỏ ra được hai triệu. Biết là ăn uống, sinh hoạt như vậy sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhưng chúng em quen rồi. Với lại, còn trẻ mà không chịu khó kiếm thêm thì lấy gì tích lũy”, Nhàn chia sẻ.

Khác với Nhàn, gần một tháng nay, công ty không có đơn hàng cần giao gấp nên chị Lưỡng Thị Phúc (SN 1987), công nhân Công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam (KCN Đình Trám, huyện Việt Yên), quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không phải tăng ca. Vì thế, sau khi hết giờ ở công ty, chị lại tìm việc làm thêm vào cuối ngày. Chị nói: “Ở quanh đây có nhiều hàng ăn uống phục vụ công nhân nên tôi tranh thủ xin làm phụ bếp, bưng bê để kiếm thêm thu nhập, mỗi buổi được thêm khoảng 100 nghìn đồng".

Được biết, tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 220 doanh nghiệp (DN) hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 90 nghìn lao động, trong đó khoảng 30% là người ngoại tỉnh. Theo ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bắ Giang, thu nhập của công nhân dù đã cải thiện nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu đời sống, nhất là những người quê xa.

Không ít người đã phải nghỉ việc về quê sinh sống sau khi lập gia đình, sinh con do không đủ chi phí thuê nhà trọ, thuê người trông con; hay phải tiết kiệm tối đa bằng những bữa ăn nhanh vỉa hè không bảo đảm dinh dưỡng. “Vì thế, dù vất vả nhưng để có thêm nguồn thu, hầu hết công nhân vẫn mong tăng ca”, ông Thắng nói.

Chắt chiu cho tương lai

Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2018, tiền lương cơ bản hằng tháng của người lao động là hơn 4,6 triệu đồng, tăng hơn 4,2% so với kết quả khảo sát năm 2017. 

Ngoài ra, nếu tính cả tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp khác từ DN, tổng thu nhập trung bình đạt gần 5,5 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1,4% so với năm 2017. Còn tại tỉnh, báo cáo của Phòng Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang), tiền lương bình quân năm 2018 của công nhân trong các DN là 6,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,2% so với năm trước.

Dù vậy, để dành dụm cho tương lai, hầu hết công nhân đều tranh thủ thời gian làm tăng ca. Đơn cử như anh Đặng Văn Hồng (SN 1984), quê ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đến KCN Quang Châu, Việt Yên làm công nhân gần 7 năm. Cũng trong khoảng thời gian này, anh lấy vợ và có hai con. 

Vì tăng ca thường xuyên nên khi bọn trẻ được hơn một tuổi, vợ chồng anh phải gửi về cho ông bà nội ở quê chăm sóc. Trừ chi phí nhà trọ, ăn uống, điện nước, mỗi tháng vợ chồng anh dành dụm được gần 5 triệu đồng. “Biết các con chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận”, anh Hồng nói.

Thực tế hiện nay, phần lớn DN đều tăng ca. Mặc dù vất vả song công nhân đều mong có việc làm, thu nhập ổn định để bảo đảm đời sống, một phần để tiết kiệm. Theo ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, công đoàn các cấp thường xuyên giám sát, phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về lao động tại DN; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho công nhân. 

Người lao động sẽ yên tâm tăng ca khi được DN trả công xứng đáng, cải thiện môi trường làm việc, chất lượng bữa ăn ca. DN cũng cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, để công nhân yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài.

Tường Vi

Chăm lo đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân
(BGĐT) - Với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân (TNCN), thời gian qua, các cấp bộ đoàn, hội liên hiệp thanh niên (LHTN) trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực phối hợp với ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp. Từ đó hình thành những sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho đối tượng này được giải trí, vui chơi lành mạnh sau những giờ làm việc căng thẳng.
 
Tọa đàm với công nhân về bình đẳng giới
(BGĐT) - Ngày 6-3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm với công nhân lao động về bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động. 
 
Nỗi niềm công nhân xóm trọ
(BGĐT) - Tết Nguyên đán là dịp nhiều người mong đợi để được đoàn tụ với gia đình. Nhưng với những công nhân rời quê hương để đến các khu, cụm công nghiệp tìm kế mưu sinh, trong niềm vui đoàn viên ấy, họ luôn canh cánh nỗi lo.
 
Nhộn nhịp “làng công nhân”
(BGĐT) - Từng có lịch sử hình thành hàng trăm năm, thậm chí vài trăm năm nhưng giờ đây những ngôi làng xưa cũ đã thay đổi mạnh mẽ, được gọi bằng những cái tên rất mới: “Làng công nghiệp”,  “làng công nhân”.  Đường làng như những con phố sầm uất của bất cứ đô thị lớn nào. Người xe đi lại náo nhiệt đêm ngày, nhất là giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...