Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Bắc Giang: Kỹ năng cần thiết phòng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Cập nhật: 13:59 ngày 04/04/2019
(BGĐT) - Bạo lực và xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Trước những vụ việc xảy ra gần đây, bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang chia sẻ về một số kỹ năng, biện pháp để phòng, tránh.

{keywords}

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang. 

Những ai dễ bị tấn công?

Theo bà Lợi, các vụ bạo lực trẻ hoặc trẻ bị XHTD xảy ra trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có, gây phẫn nộ và lo ngại trong nhân dân. Đặc biệt là có vụ xâm hại trẻ còn rất nhỏ tuổi (ví dụ vụ xâm hại trẻ 4 tuổi xảy ra tại Lục Nam cuối năm 2018). Hay như mới đây, một quân nhân ở Lục Ngạn đang bị điều tra vì nghi xâm hại chính con gái ruột của mình trong nhiều năm. 

Nạn nhân của các vụ bạo lực và xâm hại thường là người ít hoặc không có khả năng tự bảo vệ (trẻ nhỏ); người yếu thế (sống phụ thuộc vào bố hoặc mẹ do bố mẹ ly hôn, mồ côi, sống cùng ông bà hoặc họ hàng nội, ngoại), khả năng giao tiếp hạn chế; người bị rời vào tình huống nguy hiểm (chỉ có một mình ở nhà, nơi vắng vẻ như trong rừng, thậm chí giờ đây thang máy cũng là nơi phụ nữ và trẻ em dễ bị tấn công); một số trường hợp do thiếu hiểu biết, ngây thơ bị lôi kéo, dụ dỗ, gài bẫy. 

Tác hại và hậu quả của việc bị xâm hại rất nặng nề: Đau đớn, tổn thương về thể chất (bộ phận sinh dục, hậu môn, bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, tiết niệu), có thể bị mang thai, thậm chí thiệt mạng. Trẻ bị xâm hại còn chịu các tổn thương về tinh thần như lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn, tuyệt vọng, tức giận…

Sớm giáo dục trẻ ý thức tự bảo vệ

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, người lớn tuyệt đối không để trẻ ở một mình, trẻ tự chơi, nghịch dẫn đến tình huống nguy hiểm hoặc bị kẻ xấu bắt cóc, xâm hại. Chú ý giáo dục ý thức tự bảo vệ cho trẻ từ khi bé bắt đầu có khả năng nhận biết.

Bà Lợi nhấn mạnh, với trẻ nhỏ (cả trai và gái), cha mẹ cần dạy con từ rất sớm ý thức tự bảo vệ thân thể bằng cách mặc quần, áo lót cho bé từ lúc 2-3 tuổi. Trong khi tắm rửa, mặc quần áo cho bé cần thường xuyên trò chuyện, nhắc bé rằng “thân thể con là của con, không ai được phép đụng chạm vào, trừ bố mẹ, đặc biệt là không cho ai đụng vào vùng mặc quần lót, áo lót”. 

Cha mẹ cần nắm vững một số quy tắc như: Quy tắc 5 ngón tay, quy tắc 4 vòng tròn để dạy trẻ sớm về những hành động được làm và không được làm, có ý thức tự bảo vệ, phòng tránh. Cụ thể như: Chỉ những người ruột thịt gồm bố, mẹ, ông bà, anh chị em ruột mới được ôm hôn bé. Bé có thể nắm tay bạn bè, thầy cô giáo, họ hàng; có thể bắt tay khi gặp người quen. Phải xua tay, tránh né, thậm chí hét to và bỏ chạy khi người lạ mà bé cảm thấy bất an tiến lại gần và có những hành động thân mật vừa nêu. 

{keywords}

Giờ ngoại khóa của học sinh Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) với chủ đề "Phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục". 

Cũng theo bà Lợi, Tổ chức chuyên gia bảo vệ trẻ em của Anh đưa ra quy tắc đồ lót giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục bao gồm: Dạy bé không một ai có thể được nhìn thấy hay chạm vào vùng kín (vùng mặc quần lót, áo lót) của bé, trừ bác sĩ, y tá, bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ, y tá phải mặc đồng phục và đang khám chữa bệnh, họ phải giải thích được là họ chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của bé. Cơ thể bé là của bé; không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé khiến bé khó chịu, nếu có người cố tình làm điều đó, bé phải kiên quyết nói không và tránh đi.

Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với bất kỳ động chạm mà bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình. Cha mẹ cần giải thích cho con về sự khác biệt giữa những “bí mật tốt” và “bí mật xấu”; những “bí mật xấu” là cái mà con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi; vì thế con cần nói ra. Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé hãy nói với người bé tin tưởng như bố mẹ hay chị gái, cô giáo. 

Với những em gái lớn hơn, các em cần biết cách phòng tránh nguy hiểm như: Không gây gổ, thách thức làm cho người khác tức giận; không bạo lực với người khác, không bạo lực học đường; không đi chơi một mình hoặc đi chơi với bạn khác giới ở nơi vắng vẻ, không đi về khuya. Không mời người lạ vào trong nhà hoặc ở trong nhà một mình với người lạ hoặc người bạn khác giới. Không dùng rượu bia, các chất kích thích. Không nhận tiền, quà, đồ ăn thức uống từ người lạ. Không mặc trang phục hở hang. Không sử dụng game, Internet có hình ảnh, nội dung bạo lực, khiêu dâm. 

Xử trí khi gặp tình huống nguy hiểm 

Dạy trẻ nếu không may rơi vào tình huống nguy hiểm, bị tấn công cần tìm cách nhanh chóng thoát thân (bỏ chạy thật nhanh, kêu cứu, tìm sự giúp đỡ). Nếu bị tấn công trong thang máy, cùng với các biện pháp tự vệ cần thiết, cần bấm nút chuông báo khẩn cấp, bấm nút tất cả các số tầng, khi cửa thang máy mở lập tức thoát ra ngoài.

Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm đến con, nhận thấy sự bất ổn của con như tự nhiên bỏ ăn, sợ hãi, lo lắng, tắm nhiều, khóc, buồn bã, phản ứng giận dữ...; bình tĩnh vỗ về, động viên, lắng nghe con nói, chăm sóc con, đặc biệt không nổi giận bởi nếu cha mẹ nổi giận sẽ mất sáng suốt, không giải quyết được vấn đề mà rất có thể sẽ xảy ra tình huống “nỗi đau chồng nỗi đau”, con sợ hãi, phẫn uất dẫn đến trầm cảm hoặc hành động tiêu cực. 

{keywords}

Học sinh Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên) tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản qua tiểu phẩm tự biên, tự diễn. 

Những việc cha mẹ cần làm ngay khi con bị quấy rối hoặc XHTD là giữ bình tĩnh, gọi ngay đến đường dây nóng 111 của Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để được tư vấn cách xử trí, lưu giữ chứng cứ. Cha mẹ cần tỉnh táo, không nên quá sợ hãi hoặc tức giận, báo ngay cho cơ quan chức năng ở địa phương, hội phụ nữ ở gần nhất. Giữ nguyên hiện trường, người bị xâm hại không nên tắm rửa ngay mà cần giữ các dấu vết, vật dụng sinh hoạt do kẻ tấn công đánh rơi hoặc bỏ lại như quần áo, tóc, sợi vải, mảnh giấy, điện thoại, dấu răng, dịch...; lưu lại các chứng cứ, dấu vết liên quan đến vụ xâm hại để giúp công an phá án; đưa trẻ đến cơ quan y tế khám, làm đơn tố cáo đến cơ quan công an kèm theo kết luận của cơ quan y tế.

Chính các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo cũng cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết để hướng dẫn con em, học sinh cách nhận biết, phòng tránh những tình huống nguy hiểm. Những kỹ năng này cần đưa vào chương trình giáo dục chính thức trong nhà trường từ rất sớm. Cơ quan bảo vệ pháp luật xét xử, trừng phạt nghiêm khắc tội phạm trong lĩnh vực này để răn đe, phòng ngừa chung.

Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...