Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Duy trì nhà thuốc đạt chuẩn GPP: Chú trọng khâu hậu kiểm

Cập nhật: 09:00 ngày 05/04/2019
(BGĐT) - Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh Bắc Giang có 89,9%, tương ứng với 1 nghìn nhà thuốc, quầy thuốc được công nhận GPP (thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc). Tuy nhiên, để duy trì chuẩn GPP tại các cơ sở đã đạt thì giải pháp quan trọng nhất là tăng cường hơn nữa khâu hậu kiểm.

Ghi nhận tại cơ sở

Theo quy định, hoạt động bán lẻ thuốc của nhà thuốc, quầy thuốc phải tuân thủ những tiêu chí rất chặt chẽ từ khâu mua, bán cho đến bảo quản. Đáng chú ý là việc bán thuốc theo đơn song thực tế tại nhiều cơ sở việc mua một số loại thuốc về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường (cần tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ) lại khá dễ dàng. 

{keywords}

Cán bộ Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh sắp xếp các loại thuốc bảo đảm theo quy định.

Sáng 3-4, chúng tôi ghé một quầy thuốc GPP trên đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) hỏi mua Glucophace- loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Rất nhanh, chủ cơ sở giới thiệu sang loại Glucovance có cùng tác dụng. Theo bác sĩ nội tiết, đây là viên tổng hợp được kê theo chỉ định của bác sĩ trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp II. Do đó người dân không tùy tiện mua và sử dụng thuốc.

Việc đạt chuẩn nhưng hoạt động không đúng như nguyên tắc, tiêu chuẩn đề ra hiện rất phổ biến ở các nhà thuốc, quầy thuốc GPP trên địa bàn tỉnh. Lý giải về vấn đề này, nhiều chủ cơ sở kinh doanh thuốc cho rằng, một số quy định của GPP đang làm “khó” họ. 

Chị Nguyễn Thị M, chủ cửa hàng thuốc tại TP Bắc Giang than thở: “Nếu nhất nhất tuân thủ quy định bán thuốc theo đơn thì rất khó kinh doanh bởi hiện nay, bệnh viện, phòng khám đều có nhà thuốc, quầy thuốc. Đặc biệt nhiều người dân ngại đi khám hoặc khi hết thuốc điều trị sẽ mang vỏ đến hỏi mua; nếu chúng tôi từ chối vì không có đơn thì biết bán cho ai?”

Việc duy trì nhiệt độ, độ ẩm của khu vực bán thuốc cũng rất cần thiết. Chị Cao Thị H, chủ quầy thuốc ở xã Tăng Tiến (Việt Yên) nói: “Khách hàng thường xuyên ra vào nên việc bật điều hòa giữ độ ẩm trong thời tiết nồm hay những hôm nắng nóng là rất khó”. 

Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, người bán thuốc ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn phải mặc trang phục áo blouse trắng, đeo biển ghi tên, chức danh nhưng tại nhiều cơ sở không thực hiện nghiêm quy định này. 

GPP - Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn trong hành nghề tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm bảo đảm cung ứng, bán lẻ thuốc trực tiếp đến người sử dụng thuốc và khuyến khích việc sử dụng thuốc một cách an toàn có hiệu quả cho người sử dụng thuốc.

(Thông tư 02, ngày 22-1-2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).

Bà Phùng Thị Hiên, Phó Phòng Y tế huyện Việt Yên cho biết, huyện có 141 cơ sở đạt GPP nhưng qua kiểm tra hằng năm, nhiều nhà thuốc, quầy thuốc vẫn mắc lỗi trưng bày lẫn giữa thuốc với thực phẩm chức năng và bán thuốc không kê đơn.

Tăng cường hậu kiểm để bảo đảm thực hành tốt

Trên thực tế, tình trạng “nhà thuốc tốt nhưng thực hành chưa tốt” diễn ra phổ biến. Do vậy, làm thế nào để duy trì nhà thuốc đúng chuẩn GPP đang đặt ra cho ngành chức năng nhiều thách thức. 

Ông Trần Đức Dũng, Phó trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) cho hay, công tác hậu kiểm rất quan trọng trong việc duy trì nhà thuốc, quầy thuốc đạt GPP. Hằng năm, Sở Y tế đều xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra. Năm 2018, Sở đã kiểm tra gần 20 cơ sở hành nghề dược, qua đó chấn chỉnh những vi phạm. 

Nhìn nhận qua con số thống kê thấy công tác hậu kiểm chưa được tiến hành thường xuyên. “Số lượng cán bộ có hạn, công việc chuyên môn nhiều, địa bàn rộng nên việc tổ chức thường xuyên rất khó khăn. Ngày 18-1-2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 02 quy định về phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh. Như vậy, công tác hậu kiểm sẽ được tăng cường ở cơ sở, giảm tải cho tuyến tỉnh”, ông Dũng cho biết.

Có thể thấy, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến các nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động sai quy định là thói quen kể bệnh và tự mua thuốc điều trị của người dân. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc không đúng liều lượng, chỉ định, tiến đến xóa bỏ thói quen tự làm bác sĩ; nâng cao trách nhiệm của dược sĩ, để từ đó tự giác thực hiện các điều kiện tiêu chuẩn của nhà thuốc GPP… Sở Y tế, Phòng Y tế cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã đạt chuẩn để kịp thời chấn chỉnh sai phạm và tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ các nhà thuốc, trong năm 2018, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho gần 200 người là phụ trách chuyên môn, nhân viên bán thuốc của hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh về kiến thức pháp luật hành nghề dược và các quy định về tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc- GPP. 

Thời gian tới, Sở Y tế tăng cường công tác hậu kiểm để bảo đảm duy trì hiệu quả mô hình GPP tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Với những cơ sở không tuân thủ quy định, cần thu hồi hoặc không cấp lại giấy chứng nhận GPP khi cơ sở đến thời hạn đánh giá (sau 3 năm kể từ ngày kết thúc lần đánh giá liền trước) .

Nhật Tiến

Phạt nặng với nhà thuốc không ứng dụng CNTT
Ngoài xử phạt bằng tiền, nếu các cơ sở bán thuốc không chấp hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng có thể sẽ bị tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
 
Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc
Ngày 13-11, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế tổ chức họp báo và Mít tinh tuần lễ truyền thông toàn cầu phòng chống kháng thuốc kháng sinh. 
 
Sẽ giám sát bán thuốc kháng sinh bằng camera tại các nhà thuốc
Kháng thuốc hiện không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà là của toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc kháng sinh. 
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...