Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 24 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, tăng năng lực khám, chữa bệnh

Cập nhật: 09:11 ngày 14/05/2019
(BGĐT) - Hiện nay, nhiều bệnh viện trong tỉnh Bắc Giang đã triển khai thành công kỹ thuật khó, chuyên sâu mà trước đây chỉ thực hiện được ở các bệnh viện trung ương. Bước tiến đó đã nâng chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Người bệnh hưởng lợi

Đầu tháng 5-2019, Khoa Lão học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) triển khai kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Lão học T.Ư. 

{keywords}

Bác sĩ Bệnh viện Lão khoa T.Ư chuyển giao kỹ thuật điều trị tĩnh mạch bằng laser nội mạch cho Khoa Lão học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bác sĩ Phạm Thuý Lan, Trưởng Khoa cho biết, trước đây, để điều trị bệnh suy tĩnh mạch, bệnh nhân sẽ phải gây mê hoặc gây tê tủy sống để phẫu thuật, thời gian nằm viện lâu, bị sẹo và có nguy cơ gặp biến chứng. 

Còn với kỹ thuật mới, thời gian phục hồi nhanh, sau thủ thuật 3-4 giờ là có thể xuất viện. Trước đây, kỹ thuật khó này chỉ triển khai tại bệnh viện T.Ư như: 108, Bạch Mai, Lão khoa... Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị thứ hai sau Quảng Ninh triển khai ở tuyến tỉnh.

Trở lại phòng sau khi hoàn thành việc can thiệp ít phút, bệnh nhân Nguyễn Thị Tựu (61 tuổi), xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi bị suy tĩnh mạch hơn chục năm nay, hễ đứng lâu là hai chân tê bì, đau nhức, vận động khó khăn. Được điều trị bằng phương pháp mới, không phải phẫu thuật nên tôi và người nhà rất yên tâm”. 

Chi phí một ca can thiệp khoảng 16 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tuyến trên. Trước đó, để chuẩn bị điều kiện triển khai kỹ thuật này, Khoa đã cử hai kíp mổ đi học tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư đồng thời bổ sung thêm nhiều trang thiết bị hiện đại. 

Ngoài ra, trong năm 2018, bệnh viện cũng làm chủ thêm các kỹ thuật cao như: Phẫu thuật cắt gan trong điều trị vỡ gan do chấn thương; tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng; siêu âm tim qua thực quản; tán sỏi thận bằng laser...

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hiện thực hiện được 93,6% kỹ thuật khối sản của bệnh viện hạng 1 và 40,8% kỹ thuật khối nội nhi theo phân tuyến. Đặc biệt triển khai thành công các kỹ thuật nội soi; phẫu thuật bảo tồn tử cung các trường hợp rau bong non, rau cài răng lược, chửa vết mổ và kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu nhi khoa; nuôi dưỡng sơ sinh non tháng (nhỏ hơn 1 kg và dưới 28 tuần). 

Tháng 1-2019, Bệnh viện đã kịp thời mổ cấp cứu sản phụ Vũ Thị Thúy, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) mang thai ở tuần 26. Em bé sinh non nặng 700 gram, lại suy hô hấp nặng nên đã được cấp cứu và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh. Sau hai tháng, bé đã nặng 1,9 kg, được chuyển sang ở cùng với mẹ. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là phương pháp khó, phức tạp đối với y tế tuyến tỉnh.

Được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao kỹ thuật, tháng 5-2017, Trung tâm Y tế huyện Yên Thế trở thành đơn vị tuyến huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Giờ đây, nhiều bệnh nhân ở huyện có thể điều trị gần nhà, đỡ tốn kém và vất vả do đi lại. Được biết, hiện Khoa có 32 bệnh nhân đang điều trị với 10 máy chạy thận.

Năm 2018 là năm đầu tiên Sở Y tế tiến hành đợt khảo sát sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công tại 7 cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy 73,1% người dân hài lòng về chất lượng điều trị; mức độ tín nhiệm với cơ sở y tế là 71,9%.

Trong bối cảnh các bệnh viện phải tự chủ tài chính thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh rất quan trọng. Đứng trước yêu cầu này, cùng với bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cử cán bộ đi học để làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu.

Phát triển chưa đồng đều

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được 4.778 kỹ thuật vượt tuyến; tuyến huyện thực hiện 3.163 kỹ thuật vượt tuyến. 

Một số kỹ thuật khó như: Shock điện chuyển nhịp; điều trị và đặt stent các bệnh ngoại biên (mạch thận, mạch chi dưới, mạch chủ bụng...); sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não; bảo tồn tử cung; nội soi tiêu hoá; xét nghiệm huyết đồ, tuỷ đồ... trước đây chỉ thực hiện ở bệnh viện T.Ư nay đã được các bệnh viện ứng dụng thành công.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc phát triển kỹ thuật mới không đồng đều, chủ yếu tập trung ở bệnh viện tuyến tỉnh. Ở tuyến huyện, bên cạnh một số đơn vị có nhiều nỗ lực triển khai kỹ thuật mới như: Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên... thì vẫn còn nhiều đơn vị khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến việc điều trị cho người bệnh. 

Ông Bùi Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên cho biết: “Muốn được chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu thì cần cử cả kíp đi học. Trong khi đó, đơn vị đang thiếu bác sĩ khiến cho việc chuyển giao kỹ thuật khó khăn”.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 phát triển thêm nhiều kỹ thuật khó về hồi sức, lọc máu, can thiệp mạch, phẫu thuật sọ não, cột sống, xương khớp, tạo hình, ung bướu, ông Bùi Thế Bừng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đang chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với chuyên khoa định hướng. 

Cùng đó tăng cường cử cán bộ đào tạo theo gói kỹ thuật, không dàn trải và theo kíp thực hiện. Nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật của từng tuyến, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến. 

Để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kỹ thuật y cao, UBND tỉnh cần có chính sách thu hút đối với các y, bác sĩ; quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo. Ngành y tế kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong chuyển giao kỹ thuật giữa các tuyến, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế địa phương sớm tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu.

Từ ngày 1-3, các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Từ ngày 1-3, các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là yêu cầu được quy định trong Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Thông tư quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
 
Liên thông dữ liệu giám định thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng ngày đạt thấp
(BGĐT) - Sau một năm (từ 1-7-2017), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Y tế đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã vận hành liên thông hệ thống. 
 
Đầu tư toàn diện, nâng chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ sở
(BGĐT) - Ngày 6-7, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ sở”. Dự hội nghị có 63 điểm cầu ở các tỉnh, TP trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. 
 
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế: Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
(BGĐT) - Hiện nay, việc tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp y tế đã và đang được tiến hành khẩn trương theo hướng giảm đầu mối, rõ nhiệm vụ, tăng hiệu lực, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Khôi Nguyên
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...