Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng ngừa, phát hiện sớm vi phạm của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động

Cập nhật: 19:19 ngày 02/07/2019
(BGĐT) - Ngày 2-7, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất, DN thuê nhà xưởng nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chế độ khác. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có 188 DN đăng ký kinh doanh đang thuê nhà xưởng, trong đó chỉ có 163 DN đang hoạt động với tổng số gần 33,7 nghìn lao động. 

Qua rà soát, có 2 công ty là: TNHH Duo Vina (Lạng Giang), Fourwell Vina (Việt Yên) để xảy ra tình trạng nợ lương NLĐ từ 2-3 tháng. Đây đều là DN 100% vốn Hàn Quốc và ở ngoài KCN. 

Trong số các DN thuê nhà xưởng, có 7 DN nợ BHXH, tổng số tiền nợ là hơn 19,5 tỷ đồng, chiếm 34,7%/tổng số nợ BHXH trên 3 tháng của toàn tỉnh. 

Ngoài 2 DN trên, còn có Công ty TNHH JungMin đầu tư xây dựng nhà xưởng tại thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) đang nợ BHXH, chủ sử dụng lao động nghi bỏ trốn, quyền lợi của NLĐ chưa được giải quyết. 

Như vậy, tính đến 31-5, toàn tỉnh có 203 đơn vị nợ BHXH của hơn 3,9 nghìn lao động trên 3 tháng với tổng số tiền nợ hơn 45 tỷ đồng.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích tình hình, trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi NLĐ. 

Trong đó, hầu hết kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động. Từ đó, có giải pháp kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt là khi DN nợ lương, BHXH mà chủ sử dụng lại bỏ trốn về nước. 

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng, giá trị tài sản, thiết bị của các DN thuê nhà xưởng không đáng kể, thậm chí nếu đấu giá cũng không đủ để thanh toán nợ ngân hàng. 

Nếu chủ DN bỏ trốn thì rất khó để giải quyết quyền lợi NLĐ theo cách thức phát mại tài sản. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử lý mạnh tay với những DN nợ lương, BHXH, nhất là đơn vị có khả năng thanh toán nhưng vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm. 

{keywords}

Ông Nguyễn Đại Lượng trao đổi tại hội nghị.

Đại diện Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) đề nghị cơ quan BHXH nên tăng cường thanh tra, ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng. Đây sẽ là căn cứ để chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra, khởi tố DN theo Bộ Luật hình sự.

Đồng thời, trên cơ sở phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, nếu trường hợp chủ DN không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, đã có quyết định xử phạt hành chính, đang trong quá trình chờ tòa án xét xử… thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh. 

{keywords}

Đại diện lãnh đạo Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) nêu ý kiến tại hội nghị.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hình thức phù hợp buộc DN nộp một khoản bảo đảm nhất định mới được cấp phép hoạt động; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình hoạt động sau cấp phép. 

Trong trường hợp có thể cưỡng chế qua ngân hàng thì ngành chức năng kịp thời thông tin, tiến hành các thủ tục để đề xuất Ngân hàng Nhà nước ra quyết định phong tỏa tài khoản. Nếu chủ sử dụng bỏ trốn thì kịp thời đề xuất tương trợ tư pháp với các nước để truy tìm. 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, những DN làm việc theo thời vụ, không ổn định, dẫn tới nợ lương, các chế độ liên quan, thậm chí chủ DN bỏ trốn. Điều này dẫn tới quyền lợi NLĐ không bảo đảm, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, an sinh xã hội. Vì thế, cần xây dựng cơ chế phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và có giải pháp xử lý hiệu quả. 

{keywords}

Ông Lương Vũ Hoàng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trao đổi tại hội nghị.

Đồng chí đề nghị, các huyện, TP nắm chắc thông tin cơ bản của các DN trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động, nhất là việc chấp hành pháp luật lao động. 

Thiết lập cơ chế cảnh báo sớm với những DN có dấu hiệu vi phạm; kịp thời báo cáo UBND cấp huyện, thông tin tới cơ quan chức năng của tỉnh để phối hợp theo dõi, quản lý. 

Trực tiếp làm việc, yêu cầu DN cam kết khắc phục và theo dõi, giám sát thường xuyên. Nếu tiếp tục vi phạm thì phải thanh tra đột xuất để xử lý, đưa vào hành vi trốn đóng nhằm ra quyết định xử phạt hành chính, làm căn cứ xử lý về hình sự nếu cần thiết. 

Ngay sau khi hết thời gian tự nguyện thực hiện nghĩa vụ mà không chấp hành thì cần phải cưỡng chế ngay, tránh để chủ DN bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản. Tổ chức công đoàn phối hợp với lực lượng công an địa phương tích cực tuyên truyền tới NLĐ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương nêu cao trách nhiệm; nếu để xảy ra vi phạm về pháp luật lao động thì UBND tỉnh sẽ phê bình chủ tịch UBND các huyện, TP.

Nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn ở mức cao
(BGĐT) - Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang, đến ngày 10-9, toàn tỉnh có gần 700 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền 137,3 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng 8-2018 nhưng số nợ vẫn ở mức cao.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người lao động
(BGĐT)- Năm 2018, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong nhiều doanh nghiệp, đã phát hiện và xử lý các vi phạm. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...