Hơn 3 giờ sáng ngày 4-7, đã xảy ra sạt lở mặt đường 513 tại đầu cầu Yên Hòa thuộc địa phận xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa khiến 5 người đang di chuyển trên ba xe máy bị tụt, mắc kẹt dưới hố sụt.
Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa điều động 4 phương tiện cơ giới, hai xuồng máy cùng 50 cán bộ chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân.
Lực lượng chức năng đã phát hiện, cứu được ba nạn nhân đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gồm: Đặng Bá Hậu, sinh năm 1966, ở xã Hải Hà; Nguyễn Bá Khải, sinh năm 1966 và Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1970, cùng ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.
 |
Phong tỏa đường phục vụ cứu hộ cứu nạn. |
Xác định được vị trí hai nạn nhân còn lại bị khối nhựa mặt đường, đất đá đè lên, kẹt dưới hố sụt, lực lượng cứu hộ sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng, giải thoát ông Nguyễn Như Thắng và bà Nguyễn Thị Tâm, cùng 46 tuổi, ở xã Hải Thượng khỏi khối vật liệu lấp đè; hoàn tất thủ tục liên quan, bàn giao hai thi thể cho gia đình và chính quyền địa phương lo hậu sự.
Danh tính nạn nhân được xác định cụ thể gồm:
1.Ông Đặng Bá Hậu, sinh năm 1966, địa chỉ: Hải Hà, Tĩnh Gia.
2. Ông Nguyễn Bá Khải, sinh năm 1966, địa chỉ: Nghi Sơn, Tĩnh Gia.
3. Bà Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1970, địa chỉ: Nghi Sơn, Tĩnh Gia.
4. Ông Nguyễn Như Thắng, sinh năm 1973, địa chỉ: Hải Thượng, Tĩnh Gia (đã chết)
5. Bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1973, địa chỉ: Hải Thượng, Tĩnh Gia (đã chết)
* Theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn với tổng lượng từ 100-300mm, đặc biệt là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số trạm mưa lớn như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 313mm, Nghĩa Khánh (Nghệ An) 216mm, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 215mm.
Mưa sau bão có thể còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện của Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung: Tại các tỉnh ven biển, hiện tại do ảnh hưởng của bão vẫn còn gió mạnh, sóng lớn ven biển, các địa phương cần duy trì kiểm soát, chưa cho tàu thuyền ra khơi và quản lý, hướng dẫn khách du lịch tránh hiện tượng hiếu kỳ gây mất an toàn.
Tại các tỉnh đồng bằng, kiểm tra, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đặc biệt là các công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công; chủ động phương án chống ngập úng tại các khu đô thị. Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng; kiểm tra rà soát hệ thống kênh mương, sẵn sàng vận hành thử hệ thống tiêu lớn.
Các tỉnh miền núi, chủ động tích nước, đồng thời sẵn sàng các phương án điều tiết bảo đảm an toàn hồ chứa, hạ du, đặc biệt cần sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tại các hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, bãi xả thải. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đớiTheo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng 4-7, sau khi bão số 2 đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 2 nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to.
Ứng phó bão số 2: Bổ sung gần hai nghìn m3 đá hộc, tổ chức trực ban 24/24 giờ(BGĐT)- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 2 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Theo Nhân dân