Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng Bừng hôm nay

Cập nhật: 07:00 ngày 31/08/2019
(BGĐT) - Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Bừng (gồm các thôn: Trung, Đông, Thuận, Tê) thuộc xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) luôn sục sôi ngọn lửa đấu tranh, giải phóng áp bức, bóc lột. Mấy chục năm qua đi, diện mạo nơi đây đã từng ngày đổi thay, cuộc sống nhân dân ấm no, đủ đầy hơn.

Âm vang lịch sử hào hùng

Theo lời kể của nhiều người cao tuổi trong xã, cơ sở cách mạng được hình thành ở làng Bừng từ năm 1937, tại đây cất giữ nhiều sách báo, tài liệu của cấp trên. Hai ông Hoàng Hoa Phẩm và Giáp Văn Oanh (những người đi theo cách mạng sớm nhất) cất giữ cẩn thận, sau đó phân phát đến các cơ sở khác trong vùng. 

{keywords}

Đình Bừng ngày nay đã được tu sửa.

Để bảo vệ căn cứ cách mạng, hằng ngày, những đội viên tự vệ này canh gác cẩn thận, bố trí mìn, chông xung quanh làng. Căn nhà đắp đất, mái lá của cụ Oanh còn là nơi đón tiếp, che chở nhiều chiến sĩ cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế, Lê Quang Đạo, Trung tướng Lư Giang… Được dãy tre làng bao bọc, làng Bừng còn trở thành nơi in báo Phục Quốc.

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thanh ghi rõ: Xác định nhiệm vụ cấp bách nhất lúc bấy giờ là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn việc phát hành tài liệu, Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã quyết định di chuyển cơ quan in ấn từ Tam Sơn (Bắc Ninh) về nghè Vườn Hơm. 

Năm 1941, báo Phục Quốc chính thức ấn hành số đầu tiên tại làng Bừng. Tờ báo có chức năng phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, kêu gọi quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, hô hào nhân dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ủng hộ hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, vạch mặt sự tàn bạo của thực dân Pháp và bọn phản cách mạng.

Một trong số chiến sĩ cách mạng của làng năm xưa còn sống là ông Nguyễn Khắc Nhượng, năm nay đã bước sang tuổi 92. Khi đồng chí Hà Thị Quế quyết định thành lập Đội tự vệ cứu quốc làng Bừng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, ông Nhượng được bầu là tổ trưởng tổ liên lạc. 

Chiến công đầu tiên của du kích làng Bừng là giải cứu đồng chí Hoàng Quốc Thịnh khi trên đường bị thực dân Pháp áp tải từ nhà tù Sơn La về Bốt Kế để xử bắn. Sau một vài trận thắng, khí thế chiến đấu của các chiến sĩ tự vệ ngày một lên cao và danh tiếng làng Bừng vùng lên theo cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp lan truyền khắp nơi. 

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, nhiều chiến sĩ trong đội tự vệ cứu quốc làng Bừng tiếp tục tham gia quân đội chủ lực, theo Đảng và Bác Hồ, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng.

Diện mạo đổi thay

Năm 1950, đình Bừng bị giặc Pháp đốt, phần tường và mái hư hỏng nặng. Sau nhiều lần khắc phục, sửa chữa, đến năm 2013, được tỉnh hỗ trợ kinh phí và nhân dân công đức, địa phương đã tu sửa, khôi phục lại đình Bừng vững chắc hơn. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này được bảo vệ, tấm bằng “Làng có công với nước” lại được treo trang trọng trong gian giữa của đình để ai đến đây tham quan đều biết mà không phải cất giữ tại nhà người dân như trước kia.

{keywords}

Người dân làng Bừng tích cực trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao chất lượng sống.

Giờ đây, đến căn cứ địa cách mạng xưa, chúng tôi được đi trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, ngắm nhìn những nhà văn hóa khang trang, to đẹp. Tính đến thời điểm này, 12/12 thôn trong xã đều có nhà văn hóa. 100% đường trục xã được cứng hóa, đường trục thôn và ngõ xóm đạt hơn 80% và dự kiến trong năm 2019 sẽ cứng hóa hoàn toàn.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân phát triển nông nghiệp gắn với nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm đa dạng. Một số cây trồng được người dân ưu tiên như nấm, ổi, chuối, thanh long.

Theo chủ trương chung, những năm gần đây, nhiều hộ dân tại làng Bừng mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với diện tích hàng chục ha. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Hùng Dũng ở thôn Thuận bắt đầu đào ao thả cá từ năm 2010. 

Ông chăm chỉ làm ăn, học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi, với 5 ha, mỗi năm ông thu 2 lần, đem về thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện. Không chỉ vậy, nhiều hộ dân năng động, mong muốn làm giàu chính đáng đã đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới. 

Hiện toàn xã có gần 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, trong đó có nhiều người ở làng Bừng năm xưa. Tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, thu nhập bình quân năm 2018 là hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Anh Huy, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: “Tính đến thời điểm này, xã đã tự đánh giá và hoàn thành 19/19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng về đích trong năm 2019. 

Có được kết quả đó nhờ sự vào cuộc của toàn thể ban, ngành, sự đồng thuận, góp sức của đông đảo nhân dân, trong đó có công sức của người dân làng Bừng. Ngoài ra, hằng năm, chúng tôi đều hướng dẫn các đoàn thể, lãnh đạo 4 thôn này quan tâm, chăm sóc người có công, gìn giữ, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Cách mạng Tháng Tám 1945: Mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của toàn thể nhân dân.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
(BGĐT) - Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã vùng lên giành chính quyền, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử. Sau 74 năm kể từ mùa Thu năm ấy, Hiệp Hoà hôm nay đã vươn lên đạt được những thành tựu vượt bậc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Xuyên tạc thành tựu của Cách mạng Tháng Tám là có tội với dân tộc
Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. 

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...