Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác thế mạnh địa phương, khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân

Cập nhật: 07:23 ngày 21/08/2019
(BGĐT) - Kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Có được điều này, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho vùng khó khăn thì việc khai thác thế mạnh địa phương, lựa chọn các cây, con giống phù hợp, khơi dậy ý chí, giúp người dân phát triển mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo là giải pháp quan trọng.

Là một trong 5 huyện thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135 (giai đoạn 2017 - 2020), Lục Nam còn 80 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở vùng khó khăn, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nghèo xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Hồng chăm sóc đàn dê.

“Muốn kết quả giảm nghèo được bền vững thì trước hết phải khơi dậy được ý chí thoát nghèo của người dân. Mà điều này chỉ thành công nếu họ được hỗ trợ phù hợp”, ông Toàn nói.

Từ năm 2016 đến nay, huyện triển khai 40 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho khoảng 1 nghìn hộ nghèo. Các mô hình: Trồng cam ở xã Lục Sơn; trồng dứa, nhãn muộn, bưởi ở 3 xã: Bảo Sơn, Trường Giang, Lục Sơn; nuôi lợn ở xã Đông Phú; nuôi dê ở xã Vô Tranh đều phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo. 

Ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1965), thôn Quảng Hái Hồ, xã Vô Tranh chia sẻ: “Sau khi xã có chủ trương phát triển đàn dê ở địa phương, tôi cũng tìm hiểu và nhận thấy điều kiện tự nhiên ở đây khá phù hợp. Vì thế, năm 2014, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia dự án nuôi dê. Từ hai cặp giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, gia đình tôi nuôi gối lứa với tổng đàn khoảng 200 con. Trừ chi phí, mỗi năm lãi khoảng 80 triệu đồng từ bán dê thương phẩm. Nhờ vậy, năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo”. 

Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai công tác giảm nghèo mà đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 10,1%, giảm 10,9% so với năm 2015.

Bên cạnh việc lựa chọn cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương, ở vùng núi, khó khăn, để các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả rất cần sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc. Phú Nhuận - một trong 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn hiện có 346/359 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Theo ông Dương Văn Dèo, Chủ tịch UBND xã, với những hộ nghèo này, sau khi lựa chọn và bàn giao cây, con giống, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể thôn, bản thường xuyên phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh tới người dân. 

Đặc biệt, điều kiện đất đai phù hợp với việc trồng cam, bưởi, táo, ngoài hỗ trợ sản xuất theo hướng an toàn, xã cũng quan tâm tìm hiểu thị trường, giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho bà con, tránh tình trạng được mùa - mất giá.

Giai đoạn 2016-2019, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ hơn 558 tỷ đồng; hơn 50% trong số này được dành hỗ trợ hộ nghèo về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc khi tham gia các mô hình, dự án giảm nghèo. Các địa phương, đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ hộ nghèo vươn lên.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai 83 dự án, mô hình giảm nghèo với hơn 21 nghìn lượt hộ nghèo tham gia. Trong đó, có 58 mô hình thuộc hai chương trình: 30a, 135. Một số dự án hiện vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã: Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (Yên Thế); nuôi dê, thỏ, ong kết hợp trồng trọt tại xã An Bá, Phúc Thắng, Cẩm Đàn, Chiên Sơn, Quế Sơn (Sơn Động); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (Lục Nam).

Điển hình như mô hình giúp gia đình hội viên nông dân nghèo theo địa chỉ cụ thể của Hội Nông dân tỉnh. Hằng năm, căn cứ kết quả khảo sát từ hội cơ sở, Tỉnh hội giao chỉ tiêu mỗi xã, thị trấn đăng ký giúp đỡ ít nhất hai gia đình thoát nghèo.

Mỗi quý, cán bộ hội phụ trách tổng kết đánh giá tiến độ và hiệu quả sản xuất của gia đình được giúp đỡ để rút kinh nghiệm. Kết quả từ năm 2017 đến nay, cách làm này đã giúp cho gần 500 hội viên nông dân thoát nghèo. 

Huyện Sơn Động lồng ghép hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135, 30a… hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; có hình thức khen thưởng các gia đình tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Huyện Lục Ngạn giao cho các hội, đoàn thể nâng cao hiệu quả của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, cung ứng phân bón trả chậm cho hộ nghèo 11 xã đặc biệt khó khăn.

Theo kết quả rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2018, toàn tỉnh còn hơn 33,1 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,29%, giảm 2,24% so với năm trước. Đây là năm có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong giai đoạn 2016-2018. Sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã mang lại những kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo. 

Đặc biệt, đã khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của hộ nghèo. Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những kết quả đó là do thay đổi phương thức hỗ trợ, chuyển từ "cho không" sang trợ giúp một phần, giúp đỡ có điều kiện. Hộ nghèo nhận vốn, giống sẽ có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ đúng nhu cầu để giảm nghèo bền vững
(BGĐT) - Sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các đoàn thể và cộng đồng cùng với ý chí quyết tâm của bản thân, nhiều hộ nghèo ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống.
Lục Ngạn giảm nghèo nhanh từ nguồn vốn chính sách
(BGĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 40) ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, những năm gần đây, hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. 
Bắc Giang: Chuyển biến trong công tác giảm nghèo
(BGĐT) - Từ nguồn lực của Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang được nâng lên về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Quan trọng hơn cả, đa số người nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo trở thành động lực để thực hiện các phong trào sản xuất, kinh doanh.
Giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn: Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất
(BGĐT) - Yên Thế (Bắc Giang) là một trong 4 huyện của tỉnh có nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp, tạo “đòn bẩy” giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...