Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cải cách hành chính ở Yên Thế: Việc “chạy” nhờ ứng dụng công nghệ

Cập nhật: 10:11 ngày 10/06/2020
(BGĐT) - Là một trong những địa phương được chọn triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử, sau 7 năm, công tác cải cách hành chính ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện tốt các   mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chuyên nghiệp, hiệu quả hơn

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, công tác CCHC trên địa bàn huyện Yên Thế những năm gần đây có nhiều chuyển biến; sự tín nhiệm, hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên.

{keywords}

Công dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Yên Thế.

Bắt đầu giờ làm việc buổi sáng, tại bộ phận một cửa xã Đông Sơn đã có nhiều người đến làm thủ tục. Các cán bộ liên tục tiếp nhận, hướng dẫn ghi hồ sơ, nhập thông tin lên phần mềm và viết giấy hẹn kết quả. Chị Nguyễn Thị Hằng trú tại phố Cả Dinh, thị trấn Phồn Xương cho biết: “Dù quy định là chiều mới được nhận kết quả nhưng cán bộ nhiệt tình giúp đỡ, chỉ trong buổi sáng tôi có được giấy khai sinh (cấp lại) về làm thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân”. Cũng theo chị Hằng, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở bộ phận một cửa hiện nay rất thuận lợi, nhanh chóng, khác hẳn những năm trước.

Từ nhóm cuối về chỉ số CCHC, từ năm 2018 đến nay, Yên Thế liên tiếp vươn lên xếp vị trí thứ 5/10 huyện, TP.

Không chỉ Đông Sơn mà tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Thế việc giải quyết TTHC đều nhanh chóng, thuận tiện hơn với người dân. Còn nhớ thời điểm năm 2013, Yên Thế chỉ có xã Phồn Xương (cũ), Đồng Tâm và thị trấn Cầu Gồ (cũ) được tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm phần mềm một cửa điện tử dùng chung thì đến năm 2016 phần mềm đã nhân rộng trên toàn huyện.

Là một trong số cán bộ sử dụng phần mềm một cửa điện tử ngay từ đầu, chị Hà Thị Thùy, công chức Văn phòng - Thống kê xã Đồng Tâm cho hay, ban đầu tôi cũng lo lắng, ngại thay đổi nhưng sau một thời gian sử dụng thấy rất thuận tiện. Nếu như trước đây, cán bộ phải mất thời gian rà soát sổ sách để xác định rõ hồ sơ của từng trường hợp thì nay với phần mềm tin học lưu trữ giúp tra cứu nhanh, chính xác, thuận tiện giải quyết thủ tục. Đặc biệt, tình trạng nhầm lẫn, thất lạc hồ sơ không còn.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Từ khi triển khai đến nay, UBND xã đã dành kinh phí nâng cấp mạng Internet, máy vi tính, lựa chọn những cán bộ trẻ, có trình độ công nghệ thông tin trực tiếp giải quyết công việc tại bộ phận một cửa. Nói về ưu điểm nổi bật khi áp dụng phần mềm, ông Thành cho biết, đội ngũ cán bộ làm việc khoa học, trách nhiệm hơn, lãnh đạo dễ dàng kiểm soát công việc để kịp thời đôn đốc, hạn chế hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, sai sót trong xử lý hồ sơ. Cùng đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân đến giao dịch; giảm thời gian giải quyết TTHC.

Tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa

Thực hiện chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2010-2020, Yên Thế tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hướng tới xây dựng chính quyền điện tử. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xây dựng hệ thống truyền hình giao ban trực tuyến giữa huyện với các xã, thị trấn. Để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu đặt ra, công tác chỉ đạo, triển khai CCHC hằng năm được tăng cường từ Huyện ủy, UBND đến các xã, thị trấn; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn. Cùng đó, huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu về CCHC.

{keywords}

Cán bộ bộ phận một cửa xã Đồng Tâm hướng dẫn người dân quy trình nộp hồ sơ trực tuyến.

Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành để rà roát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ. Từ năm 2010 đến nay đã đề xuất cắt giảm gần 30% thời gian giải quyết đối với 125 thủ tục (trong đó có 9 thủ tục liên thông). Số TTHC đưa ra giải quyết tại bộ phận một cửa huyện đạt 96%, vượt kế hoạch đề ra. Theo ông Thân Văn Nam, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện, từ tháng 8/2017, UBND huyện đưa vào sử dụng bộ phận một cửa hiện đại, diện tích gần 100 m2. Tại đây ngoài 6 phòng chuyên môn của huyện còn có 5 cơ quan ngành dọc là: Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Điện lực, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cử cán bộ trực và giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân.

Cạnh đó huyện Yên Thế còn chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC gắn với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại các cơ quan, đơn vị và 19 xã, thị trấn. Đến nay có 12 xã được tỉnh công nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, dù chất lượng CCHC đã được nâng lên song việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định về văn hóa công sở, quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại một số các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn còn hạn chế. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ít; công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC ở một số nơi chưa bảo đảm quy trình, thời gian…

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong CCHC và các hoạt động của huyện, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, thời gian tới, huyện tập trung khắc phục dứt điểm các tồn tại, trong đó chú trọng kiểm tra đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa từ huyện đến xã và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử dùng chung. Tiếp tục đầu tư, bố trí kinh phí cho công tác CCHC, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện, điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu. Khuyến khích huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch CCHC của huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 và 4.

Bắc Giang tăng điểm ở cả hai chỉ số cải cách hành chính và hài lòng của người dân
(BGĐT) - Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS) do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 19/5, tỉnh Bắc Giang tăng điểm ở cả hai chỉ số. 

Cải cách hành chính: Kinh nghiệm của huyện Việt Yên
(BGĐT) - Năm 2019, huyện Việt Yên (Bắc Giang) dẫn đầu hai bảng chỉ số cấp tỉnh về cải cách hành chính (CCHC) và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả trên cho thấy địa phương đã chọn hướng đi đúng trong bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Bắc Giang: Sáng kiến tăng hiệu quả cải cách hành chính
(BGĐT) - Theo Hội đồng thẩm định về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh, nhiều cơ quan, đơn vị, huyện, TP Bắc Giang trong năm 2019 được đánh giá cao về sáng kiến, giải pháp trong quá trình thực thi công vụ, góp phần nâng chất lượng phục vụ.  

Khôi Nguyên


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...