Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Cập nhật: 08:00 ngày 27/06/2020
(BGĐT)- Do thiếu biện pháp quản lý, giáo dục, định hướng sát sao từ phía gia đình, không ít trẻ em đã bị xâm hại từ mạng xã hội. Tình trạng này không những tác động xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự phát triển lâu dài của trẻ.
Rủi ro khó lường

Cách đây 3 tháng, Công an huyện Yên Thế tiếp nhận đối tượng Dương Văn Luật (SN 1987) ở huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ra đầu thú về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Nạn nhân là cháu U (SN 2007) ở xã Đồng Hưu (Yên Thế). Trước đó, do quen nhau trên mạng xã hội Facebook, ngày 8/3/2020, Luật hẹn gặp, sau đó đưa cháu U đến một nhà nghỉ ở thị trấn Bố Hạ quan hệ tình dục. Ngày 19/3/2020, Luật tiếp tục đưa cháu U đến nhà nghỉ thì bị gia đình nạn nhân phát hiện, trình báo cơ quan công an. Cũng quen nhau qua mạng xã hội, ngày 28/5/2019, Đặng Văn Tân (SN 2000) ở xã Xương Lâm (Lạng Giang) đưa cháu T (SN 2007), xã Song Vân (Tân Yên) vào nhà nghỉ để quan hệ tình dục. Tân đã bị Công an huyện Tân Yên bắt về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

{keywords}

Cha mẹ cần quản lý, giám sát khi cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ kết nối mạng.

Trên đây chỉ là hai trong số những vụ việc trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua có liên quan đến môi trường mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ tháng 1/2015 đến 6/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 97 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục 61 trẻ (chủ yếu là nữ). Tuy nhiên, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, trên thực tế con số này có thể cao hơn do các vụ việc chưa được phát hiện, cha mẹ giấu giếm hay bản thân nạn nhân lo sợ đối tượng xâm hại dọa dẫm nên không dám tiết lộ với gia đình, cơ quan chức năng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ xâm hại trẻ em là do sự quan tâm, giáo dục, quản lý từ phía gia đình còn lỏng lẻo. Nhiều phụ huynh cho con sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, Ipad… kết nối Internet từ rất sớm với mong muốn trẻ được tiếp cận với công nghệ số, kiến thức, phương thức làm việc, giải trí, tăng cường tương tác xã hội.

Được biết, hiện cả nước có khoảng 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet trong độ tuổi từ 15-24. Tỉnh Bắc Giang có khoảng 1 triệu thuê bao sử dụng mạng Internet, con số này tương đương số lượng người tham gia mạng xã hội, trong đó có nhiều trẻ em.

Không thể phủ nhận vai trò, tiện ích của công nghệ số đối với đời sống, học tập của trẻ song do các bậc cha mẹ thiếu kỹ năng hướng dẫn, quản lý con em trong sử dụng Internet khiến nguy cơ, rủi ro với trẻ tăng lên. Nhiều gia đình cho con sử dụng mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... một cách vô điều kiện; trẻ ở trong phòng khép kín, bố mẹ không hay biết con đang học hay xem gì trên mạng. Trong khi đó trên môi trường Internet, ngoài những thông tin tốt còn vô số thông tin, hình ảnh độc hại, đồi trụy, bạo lực... Khi tham gia mạng xã hội, trẻ dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kết nối, nhắn tin dụ dỗ lôi kéo. Thượng tá Phạm Anh Tú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Trong các vụ án do đơn vị thụ lý thời gian qua, thủ đoạn của các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là kết bạn làm quen qua mạng xã hội, sau đó tán tỉnh, hẹn hò, xâm hại tình dục.

Có vụ việc, trẻ em lại là người cùng chủ động hẹn hò, để đối tượng thực hiện hành vi xâm hại. Cháu T (SN 2006) ở xã Yên Lư (Yên Dũng) là một ví dụ. Từ năm 2016 đến 2019, qua mạng xã hội, T nảy sinh tình cảm, nhận lời yêu hai thanh niên. Trong thời gian đó, T và các đối tượng thường xuyên hẹn hò, quan hệ tình dục. Sự việc chỉ được phanh phui khi cha mẹ T phát hiện, trình báo cơ quan công an.

Cần những giải pháp hiệu quả hơn

Trẻ bị xâm hại không những tác động đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, thậm chí trong một số trường hợp còn gây sang chấn tâm lý lâu dài. Bởi lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn biến động về sự phát triển sinh lý, tâm lý. Mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em. 

Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Vai trò, hiệu quả trong việc xử lý, can thiệp của cơ quan quản lý về truyền thông, bảo vệ trẻ em, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, gia đình, nhà trường chưa cao...

Để phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có vai trò rất lớn của gia đình. Cha mẹ cần quan tâm quản lý, giám sát, định hướng khi cho con trẻ tiếp cận thông tin trên mạng sao cho lành mạnh, an toàn. Tuyệt đối không cho trẻ tiếp cận với các thông tin độc hại và tiếp xúc sớm với mạng xã hội để đề phòng những nguy cơ có thể xảy ra.

Để phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có vai trò rất lớn của gia đình. Cha mẹ cần quan tâm quản lý, giám sát, định hướng khi cho con trẻ tiếp cận thông tin trên môi trường mạng; dạy trẻ sử dụng Internet sao cho lành mạnh, an toàn.

Được biết, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các biện pháp bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nhấn mạnh vai trò của các ngành liên quan và gia đình. 

Còn theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), gia đình cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, cung cấp kiến thức kỹ năng cần thiết cho trẻ khi tiếp cận công nghệ số. Mặt khác, cha mẹ thường xuyên gần gũi, trò chuyện với con, nếu thấy có biểu hiện khác thường cần tìm hiểu, lắng nghe để có biện pháp xử lý; kịp thời tố giác hành vi xâm hại trẻ tới cơ quan chức năng. 

Trường hợp không may trẻ bị xâm hại, cha mẹ cần bình tĩnh, động viên trẻ vượt qua mặc cảm, tránh làm tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý khiến trẻ có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cơ quan chức năng, các nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn chặn những trang thông tin xấu, độc để bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội.

Xây dựng chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây "ngôi nhà" an toàn
Chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều ý kiến cho rằng xây dựng, hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” an toàn để bảo vệ trẻ.
Tội phạm xâm hại trẻ em qua thực tiễn xét xử
(BGĐT) - Từ đầu năm 2019 đến nay, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh Bắc Giang đã thụ lý xét xử 28 vụ với 29 bị cáo về các tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. So với năm 2018 tăng 13 vụ/13 bị cáo. Đây là nhóm tội với tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên hình phạt ở mức cao.
Những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019.

Công Doanh




Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...