Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện tốt công tác CCHC, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh (*)

Cập nhật: 16:08 ngày 01/07/2020
(BGĐT) - Sáng 1/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020; triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030. Báo Bắc Giang trích đăng bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tại hội nghị. 
{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

… Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh  ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 đều đã cơ bản hoàn thành, với nhiều kết quả nổi bật như:  

Thứ nhất, Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; hệ thống văn bản chỉ đạo đồng bộ; đồng thời đã huy động được sự tham gia của các cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và người dân, doanh nghiệp cùng tham gia; các Nghị quyết, Kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo về công tác CCHC đã được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; nguồn lực cho thực hiện công tác CCHC được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, Công tác cải cách thể chế thường xuyên được quan tâm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách được thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đảm bảo thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh. 

Thứ ba, Công tác cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản giúp thay đổi phương pháp, cách thức làm việc của đội ngũ công chức, viên chức. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh giúp công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đặc biệt, Bắc Giang là một trong 7 tỉnh, TP đầu tiên trên cả nước có Trung tâm Phục vụ hành chính công đưa vào hoạt động từ năm 2016; cùng với đó bộ phận một cửa tại cấp huyện, cấp xã đã được triển khai áp dụng đồng bộ, hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. 

Đến nay, 91,11% TTHC của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các thủ tục có thời hạn giải quyết từ 15 ngày trở lên được cắt giảm từ 25-30%; nhiều TTHC đã được giải quyết sớm, trước hạn và giải quyết trực tiếp trong ngày. Nhiều đơn vị, địa phương có sáng kiến, cách làm mới, hiệu quả, thiết thực, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. 

Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 đạt 89,18%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 đứng thứ 4/63 tỉnh, TP (theo Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 từ 90% TTHC được giải quyết tại bộ phận một cửa; chỉ số SIPAS đạt trên 80%).  

Thứ tư, Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được chú trọng. Việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã sắp xếp giảm 13 phòng chuyên môn, chi cục và tương đương cấp sở, 142 đơn vị sự nghiệp công lập, 23 Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đặc biệt đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 40 xã, thị trấn, 679 thôn, tổ dân phố, qua đó đã giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 362 thôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh đã giảm được 3.362 biên chế so với thời điểm năm 2015, trong đó khối hành chính, sự nghiệp giảm được trên 3.000 người, đạt xấp xỉ 8%.

Thứ năm, Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) được quan tâm thực hiện thường xuyên. Chất lượng đội ngũ CB, CC, VC không ngừng được nâng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức, tác phong, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được duyệt. Việc rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ khuyến nông, thú y, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn được thực hiện kịp thời, bài bản.  

Thứ sáu, Công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử thường xuyên được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan.

{keywords}

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 được khen thưởng.

Kết quả công tác CCHC thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm hàng trăm tỷ đồng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo lập môi trường pháp lý, hành chính thông thoáng, thuận lợi, đóng góp tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh. 

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng, năm sau cao hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2015 là 10,5%; giai đoạn 2016-2019 là 15,1%. Đặc biệt năm 2019 tăng trưởng 16,2%, Bắc Giang đứng thứ 3 cả nước. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, giảm nhanh khoảng cách với bình quân chung cả nước.

Những năm gần đây, Bắc Giang đang là điểm sáng về đầu tư, đặc biệt với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 6 tháng đầu năm 2020 dù còn nhiều khó khăn và cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ song kết quả thu hút đầu tư của Bắc Giang vẫn đạt cao, đứng thứ 8 cả nước. Trong kết quả này có đóng góp không nhỏ của công tác CCHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư. 

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tôi xin ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị, sở, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC 10 năm qua và chúc mừng các tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ khen thưởng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong báo cáo đánh giá đó là:

Về cải cách thể chế: Một số văn bản chưa được ban hành, rà soát sửa đổi, bổ sung kịp thời; chưa sát với thực tiễn, thiếu tính ổn định nên phải sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Một số văn bản hành chính chất lượng không cao, dẫn đến vừa ban hành đã phải sửa đổi.

Về cải cách TTHC: TTHC ở một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; chưa rà soát, bảo đảm tinh thần chỉ đạo, đặc biệt với các TTHC có thời hạn giải quyết trên 15 ngày. Còn để xảy ra tình trạng hồ sơ quá hạn, người dân phải đi lại nhiều lần; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số TTHC chưa đưa ra một cửa hoặc đưa ra nhưng hình thức. 

Vẫn còn hiện tượng cán bộ chuyên môn tự liên hệ với doanh nghiệp về yêu cầu sửa chữa, bổ sung hồ sơ mà không thông qua bộ phận một cửa, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, vi phạm quy định. Giải quyết TTHC theo mô hình “4 tại chỗ” còn hạn chế; còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ 2 nơi. Để xảy ra tình trạng trên trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu khi thiếu kiểm tra giám sát; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa cao.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, số đầu mối bên trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều; việc sắp xếp, tổ chức lại khó khăn, tiến độ còn chậm; việc phân công, phân cấp trách nhiệm tại một số nơi còn chồng chéo.

Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, thời giờ làm việc của một số CB, CC, VC còn chưa nghiêm. Đặc biệt còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, phiền hà, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm còn chưa nghiêm.  

Về cải cách tài chính công: Thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là tại các đơn vị có nguồn thu thấp gặp khó khăn. Thực hiện chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường còn hạn chế 

Về hiện đại hóa hành chính: Hạ tầng CNTT còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt thấp; nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

Đặc biệt, các chỉ số đánh giá cấp tỉnh liên quan đến công tác CCHC thứ hạng không ổn định, một số chỉ số mặc dù vẫn tăng điểm nhưng đang có xu hướng tụt hạng, làm mất ưu thế cạnh tranh so với các tỉnh, TP khác (Chỉ số CCHC Par Index năm 2012 xếp thứ 8/63, năm 2013 thứ 12/63, năm 2014 thứ 11/63, năm 2015 thứ 10/63, năm 2016, 2017 xếp thứ 13/63, năm 2018, 2019 xếp thứ 25/63; Chỉ số PCI năm 2016 xếp thứ 33/63, năm 2017 thứ 30/63, năm 2018 thứ 36/63, năm 2019 thứ 40/63). Đây là những vấn đề cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Cùng với cả nước, Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức. Trong điều kiện nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng, tính cạnh tranh ngày càng tăng cao, nếu tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo được bước phát triển đột phá, ngược lại sẽ bị bỏ lại phía sau. Với những tiềm năng, lợi thế và những thành tựu trong phát triển KT-XH đạt được trong những năm qua, trong giai đoạn tới tỉnh đạt mục tiêu phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, ổn định và bền vững. 

Mục tiêu huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đặc biệt giải pháp hữu hiệu là nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, bởi cán bộ là gốc công việc.

Về quan điểm: Tỉnh xác định, trong khi các nguồn lực đều chỉ là hữu hạn thì việc đẩy mạnh CCHC phải là giải pháp cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt để tối ưu hóa các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Công tác CCHC phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo và là mục tiêu để thực hiện.

Về mục tiêu: Hướng đến xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước “phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và đem đến những tiện ích, sự phục vụ tốt nhất và sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân.

Trước mắt phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế cải thiện mạnh mẽ thứ hạng các chỉ số đánh giá cấp tỉnh, đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số CCHC (Par Index). Phải bảo đảm các chỉ số đánh giá cấp tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước (tốp 15) để đảm bảo lợi thế cạnh tranh và nền tảng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển KTXH.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: 

Đối với các cơ quan hành chính nhà nước:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác CCHC trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH; xác định rõ CCHC phải là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện thường xuyên, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Công tác CCHC cần được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, thực chất, có căn cơ và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt cần phát huy tốt vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. 

Các cấp, các ngành thường xuyên bám sát và thực hiện tốt theo sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, bảo đảm phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của ngành, địa phương mình hiện nay. 

Trên cơ sở 10 nhiệm vụ cụ thể đã nêu đề ra trong báo cáo. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó cần xác định muốn CCHC hiệu quả trước tiên và quan trọng nhất là phải nâng cao được nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong thực thi công vụ.

Cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ CCHC, các cấp, các ngành cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức, trách nhiệm trong công tác. Đồng thời, phải tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý kiên quyết đối với những trường hợp CBCCVC vi phạm đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân. Quan tâm về chế độ đãi ngộ, cũng như ưu tiên khi quy hoạch các chức danh đối với những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mỗi ngành, mỗi địa phương lựa chọn một sáng kiến về cải cách TTHC, đăng ký gửi về Sở Nội vụ trước ngày 30/7 để tổ chức thực hiện. Đặc biệt coi đây là tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua với đơn vị và người đứng đầu hằng năm.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới tư duy, nhận thức và hành động trong thực thi công vụ; chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị,  trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chấp hành và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở “4 xin, 4 luôn, 5 không” theo đúng tinh thần Hội nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tổ chức ngày 13/6/2020 vừa qua.

Đề nghị các Ban của Đảng, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông báo chí phối hợp tích cực với các quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC; tăng cường giám sát, kịp thời phản ánh, thông tin (cả mặt tích cực và hạn chế tồn tại) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

{keywords}

Cán bộ một cửa xã Đồng Tâm (Yên Thế) hướng dẫn người dân giải quyết TTHC. 

Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân trong tỉnh cùng chung tay cùng với cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt công tác CCHC, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh để đưa Bắc Giang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo đảm cho sự phát ổn định, bền vững của tỉnh.


Cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
(BGĐT) - Ngày 1/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020; triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030. Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; đại diện lãnh đạo các sở, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, UBND cấp huyện và các tập thể, cá nhân được khen thưởng. 
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái: “Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu cải cách hành chính”
(BGĐT) -  Nhân dịp tổng kết 10 năm Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về những kết quả và định hướng của tỉnh thời gian tới.
Những điển hình về cải cách hành chính
(BGĐT) - Sẵn sàng đảm nhận việc khó, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin là cách làm của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng nền hành chính vì dân, chuyên nghiệp, hiện đại. 

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...