Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quỹ quốc gia về việc làm: Nâng hạn mức cho vay, tăng cơ hội tiếp cận

Cập nhật: 14:20 ngày 24/11/2020
(BGĐT) - Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (gọi tắt là Quỹ) là một trong những chính sách hỗ trợ thiết thực với nhiều cơ sở sản xuất, người lao động. Việc những quy định được điều chỉnh phù hợp, tăng dần hạn mức cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó có thêm điều kiện xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập.

Vốn vay khởi nghiệp

Quỹ được thành lập năm 1992 nhằm cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, hoạt động cho vay từ Quỹ được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

{keywords}

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, Hợp tác xã May công nghiệp Mai Đức, thị trấn Nếnh (Việt Yên) duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Đến nay, nguồn vốn của chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, giai đoạn 2017-2019, doanh số cho vay từ Quỹ là hơn 121,2 tỷ đồng với khoảng 4,5 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Qua đây, giúp nhiều người dân có vốn khởi nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm thu nhập để thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu tại địa phương.

Qua ủy thác của hội phụ nữ xã, năm 2017, chị Nguyễn Thị Dung (SN 1975) ở thôn Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ. Khi mới lập gia đình, điều kiện kinh tế của hai vợ chồng chị Dung rất khó khăn. Do thiếu kinh nghiệm, lại không có vốn nên dù khỏe mạnh, có đất canh tác nhưng chị Dung chỉ cấy lúa, trồng rau, những lúc nông nhàn tranh thủ chạy chợ, làm phụ hồ để có thêm thu nhập. 

Qua tư vấn của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị bàn với chồng mạnh dạn làm thủ tục vay 50 triệu đồng từ Quỹ để đầu tư cải tạo ao nuôi cá tổng hợp và xây dựng chuồng trại nuôi gia cầm. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình chị duy trì ổn định với hơn 1 nghìn con vịt, ngan, gà đẻ và hơn 4 tấn cá mỗi năm, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. 

“Ban đầu khi quyết định vay vốn, vợ chồng tôi cũng băn khoăn, lo lắng vì chẳng biết làm ăn có gặp không để trả nợ. Nhưng rồi nghĩ đến việc sau này cần tiền lo cho các con ăn học nên vẫn quyết tâm tìm hiểu, học hỏi để chăn nuôi. May nhờ vốn vay ưu đãi, đến nay, gia đình tôi đã bớt khó khăn, đủ sức lo cho các con ăn học”, chị Dung phấn khởi nói.

Năm nay, Ngân hàng CSXH T.Ư bổ sung 73 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động cho Quỹ, ước doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 135,2 tỷ đồng, hỗ trợ gần 2,7 nghìn lao động có việc làm mới, tập trung chủ yếu ở các địa phương: TP Bắc Giang (354 người); Việt Yên (278 người); Yên Dũng (247 người); Tân Yên (244 người).

Hợp tác xã May công nghiệp Mai Đức ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) được thành lập từ năm 2010. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Mai chia sẻ, nhiều lần, lãnh đạo Hợp tác xã muốn mở rộng sản xuất nhưng chưa tìm được nguồn vốn phù hợp. 

Đến năm 2016, qua tìm hiểu, ban giám đốc biết đến nguồn vốn vay từ Quỹ và quyết định vay 1 tỷ đồng mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn, chính sách tín dụng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng cho hơn 30 lao động địa phương.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn trường hợp đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt kết quả tích cực.

Bổ sung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu

Tuy nhiên, trước những bất cập trong quy định về mức vay và thời hạn cho vay ở Nghị định 61, ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74 nhằm nâng mức vay ưu đãi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động. Cụ thể, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng). 

Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%/năm) thay vì trước đây là bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo (6,6%/năm). Sự điều chỉnh này góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước với các trường hợp được vay, tăng hiệu quả nguồn vốn vay.

{keywords}

Nhờ được vay vốn, chị Nguyễn Thị Dung đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH) cho biết: "Khi Nghị định 74 có hiệu lực (từ tháng 11/2019), việc bổ sung thêm vốn, tăng hạn mức, thời hạn cho vay đã tăng cơ hội tiếp cận và giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Đối tượng vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên số người có việc làm mới không nhiều, chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, thiếu bền vững. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã vay vốn còn ít".

Còn theo ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, dù mức vay, thời hạn và lãi suất vay đã được cải thiện nhưng hằng năm, nguồn vốn T.Ư, ngân sách các địa phương đối ứng để bổ sung vào Quỹ khá khiêm tốn, số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng. Vì thế, dư nợ của chương trình này rất thấp, chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh. Do đó, Quỹ mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

“Thời gian tới, để chương trình đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH đề nghị Chính phủ tăng nguồn bổ sung, các địa phương cân đối ngân sách để đối ứng, đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay. Đơn vị sẽ tăng cường hướng dẫn, phối hợp với ngành chức năng, đơn vị ủy thác lựa chọn đối tượng phù hợp, đôn đốc thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng”, ông Quát nhấn mạnh.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lồng ghép, bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để ủy thác sang Ngân hàng CSXH cho vay; ưu tiên nguồn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm cho lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động bị thu hồi đất… góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.

Tường Vi
Bắc Giang: Hơn 2 tỷ đồng cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm
(BGĐT)- Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, thực hiện việc sử dụng nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, đến nay trên địa bàn tỉnh có 34 dự án của HTX và thành viên HTX vay vốn với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng.
Thêm cơ hội tiếp cận quỹ quốc gia về việc làm
(BGĐT) - Ra đời từ năm 1992, Quỹ quốc gia về việc làm (QQGVVL) đã góp phần quan trọng hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động thông qua việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...