Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác tiềm năng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Cập nhật: 07:09 ngày 29/01/2021
(BGĐT) - Thực hiện nhiệm vụ ”bám khu dân cư” để tuyên truyền, vận động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang chủ động khai thác tiềm năng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. 

Chính sách đi vào cuộc sống

Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn được BHXH Việt Nam đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện. Ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai “Tháng cao điểm (tháng 7) vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện”. 

{keywords}

Cán bộ Bưu điện tỉnh trao sổ BHXH cho người dân huyện Tân Yên tham gia BHXH tự nguyện.

Năm 2020, toàn tỉnh có gần 21,3 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 1 nghìn người so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao và tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Các huyện có số người tham gia tăng cao như: Tân Yên, Lục Ngạn, Việt Yên.

Lục Ngạn là huyện có kinh tế vườn đồi phát triển, người dân có thu nhập khá ổn định thế nhưng những năm trước chưa có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện. Những người tham gia chủ yếu là trường hợp đã đóng BHXH bắt buộc nhưng vừa chấm dứt hợp đồng lao động nay đóng nối thời gian còn lại theo quy định của Luật BHXH để hưởng lương hưu.

Ông Bùi Văn Nhị, Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết: Nắm rõ thực trạng này, BHXH huyện đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm phát triển đối tượng. Xác định mục tiêu hướng tới là nông dân và lao động tự do, BHXH huyện đã phối hợp Bưu điện huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giúp các hộ dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thương hiểu rõ khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu, trợ cấp tuất, thẻ BHYT phục vụ chăm sóc sức khỏe tuổi già.

Nhân viên đại lý thu BHXH ở 29 xã, thị trấn rà soát các đối tượng chưa tham gia, phân loại thành từng nhóm để lựa chọn thời điểm thích hợp, nhất là khi kết thúc mùa thu hoạch vải, cam, bưởi, táo để vận động, tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Năm 2020, huyện đã tổ chức đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia. Có thu nhập, hiểu chính sách nên số lượng người tham gia tăng nhanh. Tháng 12/2019, toàn huyện chỉ có hơn 700 người tham gia. Đến tháng 1/2021, con số lên đến gần 2,3 nghìn người.

Nhiều năm liên tục, Tân Yên là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số người tham gia BHXH tự nguyện. Hiện toàn huyện có gần 2,9 nghìn người tham gia, chủ yếu là nông dân. Có được kết quả này là do UBND huyện chỉ đạo cơ quan BHXH phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát đối tượng, chú trọng tuyên truyền vận động nhóm tiểu thương, nông nghiệp, lao động tự do. 

Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc BHXH huyện cho biết: Đơn vị đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, từng đại lý thu; tăng cường mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu trên địa bàn huyện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải quyết kịp thời, đúng, đủ quyền lợi của người tham gia. Với nội dung phổ biến dễ hiểu, dễ nhớ để người dân nào cũng có thể nắm rõ chính sách ưu việt này. 

Chị Nguyễn Thị Xuyến (SN 1970), thôn Đồng Kim, xã Song Vân có cửa hàng buôn bán nhỏ. Năm 2020, chị đã tự nguyện tham gia BHXH với phương thức đóng 5 năm, mức 138 nghìn đồng/tháng. Với cách thức này, chị Xuyến cho rằng rất phù hợp với thu nhập của gia đình và coi đây là khoản tiết kiệm hằng tháng cho cuộc sống sau này.

Phấn đấu hơn 30 nghìn người tham gia

Được biết, BHXH tự nguyện là phương thức chia sẻ khó khăn với lao động tự do khi về già, không còn sức lao động như: Người bốc vác, chạy xe ôm, tiểu thương, nông dân. Đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự chủ động của người lao động tự tìm giải pháp an sinh lâu dài cho bản thân. Đặc biệt, đối tượng tham gia được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với tiềm lực tài chính của bản thân.

{keywords}

Nhân viên BHXH huyện Tân Yên hướng dẫn người dân xã Song Vân tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện.

Theo đánh giá của BHXH tỉnh, năm 2020, mặc dù là một trong những tỉnh được đánh giá phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có. Đối tượng tham gia phần lớn làm nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định nên thường lựa chọn mức đóng thấp theo phương thức đóng từng tháng. Qua thống kê sơ bộ, Bắc Giang hiện còn gần 600 nghìn người chưa tham gia BHXH.

Đây là chính sách mới nên nhiều người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa nắm bắt đầy đủ. Trong khi thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, đòi hỏi người tham gia phải kiên trì. Đặc biệt, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh đến đời sống, việc làm, thu nhập của nhiều lao động tự do dẫn đến nhiều lao động phải dừng đóng BHXH tự nguyện hoặc không có điều kiện tham gia.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Mức đóng mỗi tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Trong đó, mức thấp nhất là 138 nghìn đồng/tháng. Người tham gia có thể đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/ một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/ một lần.

Năm 2021, toàn tỉnh đặt mục tiêu có gần 30,2 nghìn người dân tham gia BHXH tự nguyện. Để hoàn thành, trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia ở từng địa bàn, cụm dân cư. Trong đó, quan tâm tới người dân có thu nhập ổn định, các gia đình có nguồn thu khá từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Mặt khác, thường xuyên trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cộng tác viên tại cơ sở của các đoàn thể và các đại lý thu BHXH trên địa bàn huyện.

Theo ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh, các địa phương lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp; không chỉ tuyên truyền vận động tham gia mới mà còn phải giữ chân được người đã tham gia tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu chuyển tiền đóng vào quỹ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia. 

Minh Thu

Thực hiện quy định về BHXH, BHYT, BHTN: Không để doanh nghiệp mượn cớ dịch bệnh chậm đóng bảo hiểm
(BGĐT) - Năm 2020, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn tái diễn. BHXH tỉnh Bắc Giang đã chủ động kiểm soát, không để các doanh nghiệp (DN) mượn cớ dịch bệnh chây ỳ nợ bảo hiểm. 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT
(BGĐT) - Ngày 24/12, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, có đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh và một số sở, ngành.
Ứng dụng BHXH số-VssID vào quản lý điều hành: Tiện lợi, hữu ích
(BGĐT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) số - VssID là ứng dụng trên nền tảng thiết bị thông minh của BHXH Việt Nam nhằm thiết lập kênh thông tin và thực hiện dịch vụ công cho người dân một cách tiện lợi, dễ dàng.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...