Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghệ nhân phỗng đất Phùng Đình Giáp- Giữ hồn quê Kinh Bắc

Cập nhật: 16:40 ngày 14/05/2021
Bắt đầu nặn phỗng đất từ những năm học tiểu học, tính đến nay, nghệ nhân Phùng Đình Giáp, làng Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình. Nặn phỗng đất không còn là nghề mà đã trở thành một phần tâm hồn, máu thịt trong ông. 
{keywords}

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cùng vợ là bà Nguyễn Thị Điểu đang cho đất sét đã phơi khô vào cối đập, giã thành bột mịn.

“Nếu để nói làm kinh tế, nghề làm phỗng đất không đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngày nay, nhiều cháu nhỏ được bố mẹ mua cho những món đồ chơi hiện đại nên đồ chơi dân gian này càng khó bán. Tuy nhiên, nhận thức được giá trị giáo dục cũng như nét đẹp văn hóa của dân tộc trong bộ phỗng đất nên tôi quyết tâm giữ nghề, giữ lại những điều đẹp đẽ cho con cháu sau này” - Ông Giáp chia sẻ.

{keywords}

Ông Giáp khắc họa tiết lên tượng phỗng hình con rùa vừa mới nặn.

Trong ký ức của ông Giáp, phỗng đất từng là món đồ chơi yêu thích của trẻ nhỏ thôn quê. Bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình với năm ý nghĩa khác nhau về cuộc sống. Con chim bay trên trời thể hiện cho khát vọng hòa bình, con rùa gắn liền với biển cả bao la tượng trưng cho sự mạnh mẽ của sinh vật bé nhỏ trong không gian rộng lớn, em bé ôm bông hoa đại diện cho thế hệ con cháu, ông phỗng đứng là đại diện của thế hệ người già, ông phỗng hình Phật đặt ở vị trí trung tâm với mong muốn nhắn nhủ con cháu sống thiện lành, đúng mực.

{keywords}

Tượng phỗng được ông Giáp vẽ màu.

Mặc dù mang hình dáng đơn giản, nguyên liệu mộc mạc song để tạo được thành tượng ông phỗng đòi hỏi nhiều công đoạn kỳ công. Phỗng đất được làm bằng đất thó vốn là sự pha trộn giữa đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m rồi lấy về phơi cho khô, giã nhỏ, sàng lấy bột mịn trộn cùng giấy bản đã được ngâm nước tầm 7 ngày mủn hoàn toàn để tạo thành hỗn hợp sệt quánh.

Ông Giáp vừa trộn, vừa nhào cho đến khi hỗn hợp này quyện với nhau đạt đúng tiêu chuẩn dẻo, mịn, không dính tay rồi mới mang ra nặn. Chỉ trong phúc chốc, ông Giáp đã biến hóa những khối đất vô chi vô giác thành những tượng phỗng đất có hồn bởi đôi bàn tay khéo léo của mình. Khi đã thành hình, phỗng được đem phơi khô.

Tùy theo thời tiết và kích cỡ mà sau khi nặn xong, tượng phỗng sẽ được đem phơi nắng từ 3 - 5 ngày để khô hoàn toàn rồi phết lên hỗn hợp hồ điệp trắng và hồ nước pha theo tỷ lệ chuẩn rồi vẽ lên những màu sắc truyền thống gần gũi với con người. Mặc dù không làm khô tượng phỗng bằng phương pháp nung hay sấy ở nhiệt độ cao song phỗng đất vẫn có độ cứng và bền nhất định. Đây cũng là điểm đặc trưng của món đồ chơi này.

{keywords}

Thành phẩm tượng phỗng sau những giờ miệt mài tô vẽ của ông Giáp.

Bên cạnh việc duy trì nghề nặn phỗng đất truyền thống, nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn sáng tác thêm các sản phẩm mới, phong phú, đa dạng như con giáp ngày Tết, búp bê… hoặc các đơn đặt hàng riêng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Gia đình ông Giáp những năm gần đây trở thành điểm đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, học sinh các địa phương về để tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm phỗng đất truyền thống. Ông Giáp tự hào khi được đem những sản phẩm phỗng đất đến các triển lãm, bảo tàng, hội chợ truyền thống để giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nặn phỗng trước công chúng.

Ông trân trọng lưu giữ từng bức ảnh, thước phim được ghi lại sau mỗi lần khách đến tham quan, tìm hiểu phỗng, đặc biệt vui mừng hơn nữa khi các em nhỏ say mê, chăm chú lắng nghe khi ông nói về ý nghĩa của từng tượng phỗng.

{keywords}

Ông Giáp bên cạnh sản phẩm tượng phỗng đã hoàn chỉnh.

Với người đàn ông đã ngoài 70 như ông Giáp, niềm hạnh phúc chính là những người con, người cháu trong gia đình trân quý và mong muốn được giữ nghề làm phỗng đất như ông. Ông kể rằng người cháu nội đang học đại học năm thứ nhất nhưng đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn phỗng đất dân gian nên đã tích cực truyền thông, quảng bá để mọi người biết đến nhiều hơn cũng như trau dồi kỹ năng để có thể tạo ra sản phẩm tượng phỗng chuẩn chỉnh như chính ông của mình đã dạy.

Dẫu biết rằng đồ chơi dân gian đứng trước rất nhiều thách thức cạnh tranh, nguy cơ bị mai một bởi những món đồ chơi hiện đại song với những nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống của ông Giáp và gia đình, tin rằng phỗng đất sẽ còn sống mãi với tuổi thơ của thế hệ trẻ.

Người phụ nữ cắm bình hoa 10 năm không tàn, dân yêu hoa thích mê
Ngôi nhà nhỏ ở thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) là nơi bà Việt sinh sống cũng là cơ sở ướp “hoa tươi bất tử”.

Bài, ảnh: Ngọc Trâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...