Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời Bác dạy năm xưa

Cập nhật: 11:06 ngày 19/05/2021
(BGĐT) - Được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Tuy Bác kính yêu đã đi xa nhưng những hình ảnh, lời nói của Người năm nào vẫn khắc sâu trong tim, trở thành lẽ sống đối với mỗi người dân Bắc Giang từng được gặp Bác.

Đảng viên gương mẫu

Ông Hà Văn Quách (88 tuổi), tổ dân phố Long Trì, thị trấn Tân An (Yên Dũng) là người cao tuổi duy nhất của xã còn minh mẫn nhớ lại giây phút được gặp Bác Hồ về thăm quê hương vào sáng 6/4/1961. Khi ấy, ông Quách là Ủy viên Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) cấp cao của xã Tân An. 

{keywords}

Ông Hà Văn Quách.

Nghe tin Bác về, đêm hôm trước, ông Quách háo hức, sung sướng vô cùng. Sáng 6/4/1961, sau khi thăm gia đình cụ Hà Đình Cộng có 3 con tham gia kháng chiến chống Pháp, thăm giếng nước, hồ Long Trì, Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân xã Tân An tại sân vận động xã.

Theo lời ông Quách, hôm đó, Bác mặc bộ quần áo màu nâu, bên ngoài khoác chiếc áo màu xanh, chân đi dép cao su; nụ cười hiền từ, nhân hậu. Ông Quách còn nhớ như in lời Bác căn dặn nhân dân xã Tân An: HTX đông người, cán bộ và xã viên đoàn kết chặt chẽ thì khó khăn nào cũng vượt qua. Phải dân chủ, công bằng, chí công vô tư, cán bộ phải luôn quan tâm đến đời sống, tinh thần của xã viên. Đảng viên và đoàn viên phải gương mẫu trong lao động sản xuất, học tập. 

“Khoảng một giờ được nghe Bác nói chuyện, bản thân tôi và hàng nghìn người dân Tân An rất phấn khởi, tự hào. Phong cách giản dị, gần gũi cùng những lời dặn dò ân cần, dễ hiểu của Người khiến tôi không thể nào quên”, ông Quách nói.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, bản thân ông Quách cùng tập thể Ban Quản trị HTX cấp cao của xã Tân An luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, nhiều lần được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Phong trào làm thủy lợi, phá bờ vùng, bờ thửa đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được đông đảo bà con hưởng ứng. Thời điểm đó, Tân An là điểm sáng trong phong trào thi đua của miền Bắc. 

Gần 40 năm công tác với 62 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều chức vụ, từ Chủ nhiệm HTX cấp cao, Bí thư Đảng ủy xã Tân An đến Phó Giám đốc Lâm trường Lục Ngạn... ở cương vị nào ông Quách cũng giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, nỗ lực phấn đấu hết mình, đóng góp vào phong trào chung của địa phương. 

Hăng hái thi đua

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Song (SN 1943), thôn Trung Hòa, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) cũng vinh dự 3 lần được gặp Bác. Lần đầu vào ngày 6/4/1961 khi Bác về nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Bắc Giang tại sân vận động thị xã Bắc Giang. Lần thứ hai vào ngày 31/1/1967 tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội. Lần thứ ba khi Người về thăm và chúc Tết cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, ngày 9/2/1967. 

{keywords}

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Song.

Nhớ lại lần thứ hai được gặp Bác, khi ấy bà Song là Bí thư Chi bộ thôn, Phó Chủ nhiệm, đồng thời là cán bộ tiên tiến, điển hình của HTX Trung Hòa. 

Trước khi thực hiện cải tạo đất bạc màu, đồng đất Trung Hòa một năm chỉ cấy được 2 vụ lúa. Sau khi cải tạo, hiệu quả, năng suất tăng nhiều lần so với trước, nguồn rau màu, lương thực dồi dào, đời sống người dân được cải thiện. Thành quả ấy có sự đóng góp rất lớn của bà Song - người đội trưởng kỹ thuật khi ấy mới 22 tuổi đã tích cực vận động bà con cải tạo đất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cách làm của HTX Trung Hòa được nhân rộng khắp huyện, tỉnh và cả miền Bắc. 

Tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967, bà Song được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động". Sau khi kết thúc Đại hội, Bác mời đoàn đại biểu vào Phủ Chủ tịch trò chuyện. Hình ảnh Bác thật thân thương, giản dị, gần gũi. “Bác căn dặn chúng tôi phải cố gắng giữ gìn phẩm chất đạo đức, hăng hái thi đua lao động, sản xuất”, bà Song nói.

Bà Song có 12 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Trung Hòa, đại biểu Quốc hội khóa 4, khóa 5, 2 khóa đại biểu HĐND tỉnh, 3 khóa đại biểu HĐND xã Mai Trung. Nghỉ hưu năm 1984, bà còn tham gia Chi hội Người cao tuổi nhiều năm ở thôn, có nhiều đóng góp cho phong trào ở địa phương. Đến nay, bà đã 60 năm tuổi Đảng. Chồng bà từng 7 năm phục vụ chiến trường, là thương binh kháng chiến chống Pháp.  

Nói về kinh nghiệm để có được thành tích trong phong trào cải tạo đất bạc màu thời kỳ đó, bà Song cho biết, trước hết người cán bộ phải luôn chịu khó học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới, tiến tiến, có sự sáng tạo, đặc biệt phải tạo được sự đoàn kết trong xã viên mới thúc đẩy được các phong trào thi đua. 

Góp sức xây quê hương 

Bà Ngô Thị Minh Hải (SN 1946), tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú, (TP Bắc Giang) vinh dự 2 lần được gặp Bác tại sân vận động thị xã Bắc Giang.

Ngày 6/4/1961, bà là một trong những cháu ngoan Bác Hồ của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thị xã Bắc Giang được đi đón Bác. Bác Hồ đứng trên khán đài nói chuyện với toàn thể nhân dân. Trong tâm trí của bà khi ấy, hình ảnh Bác Hồ như một ông tiên với gương mặt hiền từ; chòm râu dài, giọng nói trầm ấm. 

{keywords}

Bà Ngô Thị Minh Hải. 

Bác căn dặn học sinh phải thực hiện tốt "5 Điều Bác Hồ dạy", học hành chăm chỉ, sau này lớn lên xây dựng quê hương, đất nước. Bác đang nói chuyện thì trời mưa to, tất cả thiếu nhi được Bác mời lên khán đài. Bác chia kẹo và bắt nhịp hát bài "Kết đoàn". Sau đó, Bác chào mọi người và đi thăm xã Tân An (Yên Dũng). 

Lần thứ hai, bà được gặp Bác vào ngày 17/10/1963 cũng tại sân vận động thị xã Bắc Giang nhân dịp Bác về thăm đồng bào, cán bộ tỉnh Hà Bắc và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất, nói chuyện với đại biểu các cấp, ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Lúc này bà Hải là đại diện cho thanh niên tiêu biểu của tiểu khu phường Trần Phú đi dự. Trong buổi nói chuyện, Bác căn dặn thanh niên tích cực tham gia phong trào "3 sẵn sàng".

Suốt mấy chục năm qua, bà Hải luôn thể hiện vai trò tiền phong, gương mẫu của một cán bộ tận tụy với công việc. Bà Hải có 36 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó 12 năm làm Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Bắc Giang. Khi nghỉ hưu bà làm Bí thư Chi bộ 3 khóa ở tổ dân phố; 7 năm tham gia Hội thẩm Toà án Nhân dân tỉnh. 

Có thể thấy, trong trái tim mỗi người dân Bắc Giang, được gặp Bác là niềm vinh dự, tự hào. Những lời chỉ bảo, căn dặn của Bác là nguồn cổ vũ, động viên mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, vượt qua khó khăn, giành nhiều thành quả trong lao động, sản xuất, học tập, công tác. Đó cũng là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi người, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày một giàu đẹp, văn minh. 

Bài, ảnh: Công Doanh
Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang báo công tại đền thờ Bác Hồ ở TP Hà Nội
(BGĐT) - Ngày 16/4, Đảng ủy Các cơ quan (CCQ) tỉnh Bắc Giang tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và báo công dâng Bác tại đền thờ Bác Hồ tại núi Ba Vì (TP Hà Nội).
Đoàn đại biểu Bộ Công an dâng hương tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân
(BGĐT) - Ngày 10/3, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Bác Hồ có Sáu điều dạy CAND 11/3 (1948-2021), Đoàn đại biểu của Bộ Công an về thăm, dâng hương, hoa và trồng cây tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Phát động trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ
(BGĐT) -  Ngày 23/2, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Động tổ chức phát động trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Bác Hồ đi chợ Tết
(BGĐT) - Nhớ chuyện Bác Hồ đi chợ Tết Đinh Dậu - năm 1957, lòng ta càng bồi hồi nhớ Bác. Yêu kính Bác, đi theo con đường Bác chọn, cùng cả nước, mỗi người dân Bắc Giang không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm giàu trên quê hương - vùng đất lịch sử từng lập bao chiến tích huy hoàng.
Kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2021): Những áng thơ tái hiện lịch sử
(BGĐT) - Người đi tìm hình của nước là tên một bài thơ của Chế Lan Viên in trong tập Ánh sáng và phù sa, xuất bản năm 1960. Bài thơ không ghi năm sáng tác nhưng toàn tập có ghi: 1955-1960. Nghĩa là bài thơ này được viết trong chặng thời gian đó. Đây là chặng thời gian chín trở lại của các nhà thơ lãng mạn xuất hiện trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). 

                                                                               

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...