Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Số hóa dữ liệu chuyên dùng: Thuận lợi trong khai thác, xử lý thông tin

Cập nhật: 15:18 ngày 14/07/2021
(BGĐT) - Để xây dựng chính quyền điện tử, Bắc Giang đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu chuyên dùng của các cơ quan chuyên môn. Trên cơ sở đó tích hợp nền tảng dùng chung, tạo thuận lợi trong khai thác dữ liệu, xử lý thông tin, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Đẩy nhanh số hóa

Tháng 3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tỉnh. Trên cơ sở đó triển khai thí điểm số hóa hồ sơ, sổ sách điện tử tại 3 trường THPT, 9 trường THCS với 175 lớp từ khối 6 đến khối 11 (trừ khối 9), khoảng 6,9 nghìn học sinh. Các thông tin này được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang, thuận tiện khai thác, tra cứu khi cần.

{keywords}

Các sở, UBND các cấp tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Ảnh: Giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Năm học 2020- 2021, Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) thực hiện sổ điểm điện tử với hơn 1 nghìn học sinh khối lớp 10, 11. Theo thầy giáo Lê Văn Lực, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước khi triển khai, trường tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên quy trình sử dụng, quản lý. Ưu điểm của việc số hóa này là giúp giáo viên cập nhật trực tiếp điểm của học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu và có thể chia sẻ để phụ huynh nắm bắt được kết quả học tập của con.

Tháng 4/2021, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) được đưa vào sử dụng và đã kết nối đến Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia 9 trục lĩnh vực là: Bảo hiểm xã hội; đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hộ tịch; lý lịch tư pháp; cấp mã số quan hệ ngân sách; văn bản quy phạm pháp luật; bưu chính công ích; danh mục dùng chung.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường học đã chủ động rà soát, chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống phần mềm quản lý trường học cũ để hoàn thiện việc thí điểm hồ sơ, sổ sách điện tử năm học 2020 - 2021. Với ứng dụng mới này, giáo viên dễ dàng cập nhật điểm số, thông tin chuyên cần, lịch học của học sinh bằng máy vi tính, điện thoại thông minh và thay vì phải ghi chép ở nhiều loại sổ khác nhau như trước. Từ kết quả thí điểm, Sở sẽ điều chỉnh những hạn chế để triển khai nhân rộng trong toàn ngành ở năm học 2021-2022.

Năm 2016, phần mềm Vilis phiên bản 2.0 (phần mềm chuẩn hóa bản đồ, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai) được triển khai tại Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) và chi nhánh huyện Hiệp Hòa, TP Bắc Giang. Trao đổi với ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh được biết: “Việc giải quyết TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức ngày càng tăng, trong khi không gian lưu trữ chật chội nên việc sắp xếp, phân loại, tra cứu hồ sơ rất khó khăn. Do vậy với những đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai như TP Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa thì việc tra cứu thuận lợi hơn”. 

{keywords}

Chỉ cần truy cập phần mềm, lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) dễ dàng tra cứu thông tin về các thửa đất.

Theo đó, cán bộ chuyên môn chỉ cần truy cập phần mềm là dễ dàng khai thác các thông tin về thửa đất; đối tượng sử dụng; vị trí, kích thước, hình thể, mã, diện tích, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, nguồn gốc sử dụng, thời hạn sử dụng của thửa đất; những biến động về sử dụng đất của thửa đất... để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm, Văn phòng đã tiếp nhận hơn 59,2 nghìn hồ sơ, trong đó trả đúng hạn 58.204 hồ sơ, còn lại đang giải quyết.

Trước những tiện ích của số hóa dữ liệu chuyên dùng, hiện 6 huyện: Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Lạng Giang đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai trên một phần mềm khác (VBDLIS).

Lưu trữ điện tử, xây dựng nền tảng số

Vấn đề số hóa các dữ liệu chuyên dùng để kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu sẽ giúp các cơ quan nhà nước trao đổi và sử dụng thông tin đồng bộ. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành. Tại Bắc Giang, ngoài tập trung số hóa các dữ liệu hiện tại, tỉnh cũng quan tâm số hóa các tài liệu lưu trữ lịch sử để thuận tiện trong bảo quản, khai thác. 

{keywords}

Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ) chuẩn bị thực hiện số hóa tài liệu.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ) cho biết: Hiện tại kho lưu trữ tỉnh đang lưu trữ 39 phông lịch sử giai đoạn 1948-2014, tương ứng hơn 52,4 nghìn hồ sơ. Số tài liệu lớn nên việc số hóa sẽ góp phần bảo quản và khai thác tài liệu hiệu quả, tối ưu hơn. Tháng 5/2020, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, các cơ quan xây dựng và lưu trữ điện tử tại cơ quan và tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. “Hiện chúng tôi đang xây dựng Đề án số hóa tài liệu. Mục tiêu năm 2023 số hóa được khoảng 75% tài liệu hiện lưu trữ tại Trung tâm. Khi hoàn thành, các tài liệu sẽ được liên kết với trục liên thông văn bản quốc gia”.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Để bảo đảm tỷ lệ đến năm 2025, 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng, hiện UBND các cấp và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Bắc Giang: Tập trung số hóa dữ liệu dân cư và đất đai
(BGĐT)-Ngày 9/7, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quý II, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III.
Số hóa dữ liệu phục vụ phát triển du lịch
(BGĐT) - Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) bước đầu quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quảng bá, phát triển du lịch.
Khẩn trương thiết lập lại kỷ cương trong công tác đo đạc bản đồ, số hóa dữ liệu đất đai
(BGĐT) - Sáng 13/7, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và một số nội dung trọng tâm. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...