Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kịp thời ngăn chặn xâm hại trẻ em

Cập nhật: 13:00 ngày 11/01/2022
(BGĐT) - Những năm gần đây, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em được các cấp, ngành chức năng, chính quyền các địa phương quan tâm. Mặc dù vậy trong thực tế nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra.

Nhiều trẻ bị bạo lực, xâm hại

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, tại Bắc Giang hằng năm vẫn có trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại mức độ rất nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp bé gái 14 tuổi ở huyện Hiệp Hoà bị bố say rượu hành hung bị thương xảy ra vào tháng 12/2021 vừa qua. Ngay khi nhận được thông tin, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vào cuộc cùng chính quyền địa phương giải quyết vụ việc.

Trong một số vụ việc, vì cha mẹ chủ quan, thiếu quan tâm, trẻ bị xâm hại kéo dài mà không hay biết. Trường hợp cháu D (13 tuổi) ở huyện Tân Yên là một ví dụ xót xa. Cháu bị chính bác họ xâm hại nhiều lần khiến tâm lý, thể chất ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng mãi về sau bố mẹ mới biết.

{keywords}

Hướng dẫn trẻ kỹ năng bảo vệ bản thân tại Trường Mầm non Cao Thượng (Tân Yên).

Hay như cháu H (14 tuổi) ở huyện Yên Thế. Vì tin tưởng bạn nên bố mẹ cháu đã cho Hoàng Văn Thành ở bản Cây Vối, xã Đồng Tiến (Yên Thế) ngủ nhờ sau khi đi ăn cỗ, uống rượu. Khi bố mẹ H ra ngoài, Thành đã kéo cháu vào nhà tắm, chốt cửa lại rồi xâm hại. 

Khi phát hiện hành vi đồi bại của đối tượng với con mình, bố mẹ cháu H vừa căm giận vừa tự trách bản thân đã chủ quan dẫn đến hậu quả nặng nề cho con. Vào tháng 9/2021, tại huyện Yên Dũng xảy ra vụ mua dâm làm một bé gái 15 tuổi bị tổn thương nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo phân tích của cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn tới những vụ việc trên là do nhận thức về việc bảo vệ con em trong các gia đình chưa đầy đủ. Nhiều cha mẹ chưa quan tâm, hướng dẫn trẻ những kiến thức cơ bản, kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại hoặc e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên khi xảy ra sự việc không tố giác kẻ phạm tội đến chính quyền, cơ quan chức năng. 

Vì vậy có tình trạng một số trẻ bị xâm hại, bạo hành trong thời gian dài mà không dám lên tiếng. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình như cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… khiến nhiều trẻ phải bỏ học, sống đơn độc nên bị bạo lực, xâm hại.

Năm 2021, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tiếp nhận 30 tin báo về việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, bỏ rơi hoặc gặp phải một số tổn hại khác. So với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 10%.

Mở rộng kênh tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn

Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị xã hội, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng kênh nắm bắt thông tin và thành lập nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) pháp luật, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 đầu mối tiếp nhận thông tin, tư vấn hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tại các xã, thị trấn và tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh được duy trì. Đơn cử như CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh do Tỉnh đoàn thành lập, quản lý. 

Mỗi năm, CLB tư vấn cho hàng chục trường hợp trẻ gặp vướng mắc trong cuộc sống, bị quấy rối tình dục, bạo hành. Cháu T ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho biết: Nhờ tìm hiểu trên mạng cháu biết đến CLB Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh Bắc Giang. Khi kẻ xấu có hành vi khiếm nhã, cháu đã gọi điện đến số điện thoại tư vấn viên để nhờ hỗ trợ. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn, cháu có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý khi gặp phải kẻ xấu.

Kết quả rà soát của ngành lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 50 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phần lớn số trẻ em này sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có vấn đề xã hội (như cha mẹ ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy, trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa...). 

Các gia đình này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nên ít quan tâm, thậm chí không quan tâm đến con em mình vì vậy nhóm trẻ này dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, lao động sớm. Mặc dù các ngành chức năng, địa phương đã triển khai một số giải pháp bảo vệ trẻ em song việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Hiện nay, cấp xã chưa bố trí được kinh phí hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được thường xuyên, liên tục, nội dung và hình thức tuyên truyền còn hạn chế. Cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả tiếp nhận thông tin của các kênh tiếp nhận cấp xã chưa cao. 

Theo số liệu thống kê, rà soát của ngành lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 50 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phần lớn số trẻ em này sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có vấn đề xã hội; nhóm trẻ này dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, lao động sớm.

Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; duy trì, thực hiện hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở tất cả các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em tỉnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, tư vấn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, trẻ em dễ dàng tiếp cận với các đầu mối cơ quan bảo vệ trẻ em.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến trẻ em từ tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài hỗ trợ dịch vụ công tác xã hội của tỉnh 18009293. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương quan tâm nắm bắt tình hình để sớm phát hiện các vụ việc, kịp thời can thiệp, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em .

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Phòng ngừa bạo lực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em
(BGĐT) - Nhằm hạn chế các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai, vận dụng nhiều cách làm sáng tạo, góp phần tạo môi trường sống an toàn, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Diễn đàn “Tìm hiểu Luật trẻ em và phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, đại dịch Covid-19”
(BGĐT) – Ngày 29/10, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hộ Đáp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên và UBND cụm 4 xã: Hộ Đáp, Phong Vân, Tân Sơn, Cấm Sơn tổ chức diễn đàn trẻ em với chủ đề: “Tìm hiểu Luật trẻ em năm 2016 và phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, đại dịch Covid-19”.
Hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho trẻ em
(BGĐT) - Sáng 25/10, Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phối hợp với Huyện đoàn Lạng Giang, Trường Tiểu học thị trấn Vôi tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh nhà trường.
Đề xuất nhiều giải pháp ngăn ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em
(BGĐT) - Ngày 17/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học về công tác phát hiện, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân trong các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2015-2020. Tham dự có gần 50 đại biểu đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...