
MỜI QUẢNG CÁO TRỰC TRUYẾN
GIỚI THIỆU SẢN PHẨM
VÀ THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP
Trên Báo Bắc Giang điện tử
Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Hiệu quả
Cập nhật: 11:00
(BGĐT)-Tháng 5/2021, “bão” Covid-19 tràn về Bắc Giang. Bệnh viện Phổi Bắc Giang trở thành Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU), chuyên điều trị bệnh nhân Covid nặng. Phía trong phòng cách ly đặc biệt, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, giữa lặng im chỉ có bóng áo trắng và tiếng thở máy, biết bao câu chuyện ân tình ân nghĩa đã được viết nên. Và hôm nay, khi năm cũ chuẩn bị qua đi, Covid ở đây tạm lắng xuống, các y, bác sĩ mới có dịp trải lòng về những tháng ngày không quên đó.
Trận chiến này cam go quá!
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Bệnh viện đưa chúng tôi tham quan lại Trung tâm ICU tâm sự: Chúng tôi vẫn giữ gần như nguyên vẹn mô hình khu điều trị; từ 2 lớp cửa kính để tới được phòng cách ly đặc biệt tới những tấm biển đỏ cảnh báo, phòng khử trùng khi ra… Không ai muốn sử dụng lại nó một lần nữa nhưng để nhắc nhớ mọi người không được phép chủ quan, lơ là. Bởi quả thật, trận chiến này cam go quá!
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn trao giấy công bố khỏi bệnh cho bệnh nhân N.T.G. |
Từ một bệnh viện hạng ba, chỉ trong một ngày, họ nhận được lệnh phải “sơ tán” toàn bộ bệnh nhân để đón bệnh nhân Covid. Ba ngày sau, khi đang điều trị cho 206 người mắc Covid, họ lại được lệnh “giải phóng” số bệnh nhân nhẹ để bước vào cuộc chiến mới, khốc liệt hơn, đó là điều trị bệnh nhân nặng, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất miền Bắc đặt tại đây.
- Lúc đó có một cuộc họp khẩn nào diễn ra để triển khai không anh?
- Không kịp, bởi tất cả quá gấp, chỉ có 4 ngày chuẩn bị, lắp đặt máy móc, thiết bị mọi thứ… Tôi chỉ kịp nhắn dòng tin động viên anh em, rằng chúng ta phải chiến đấu. Giặc Covid tới nhà, mình không đánh nó thì nó đánh mình, đánh đồng bào mình. Thật may anh em rất vững tinh thần, tình nguyện ở lại để sẵn sàng bước vào trận chiến mà biết trước là khốc liệt và hiểm nguy.
Đa số các bệnh nhân Covid khi vào ICU Bệnh viện Phổi tỉnh táo nhưng lại trở nặng và diễn biến xấu rất nhanh vì phổi bị tổn thương. Chính vì tỉnh nên nhiều bệnh nhân chủ quan, không chịu hợp tác với bác sĩ trong điều trị. Chưa kể, ở khu biệt lập này, họ không có người thân, tâm lý vì mình mà bao người nhiễm bệnh theo nên chán nản, ám ảnh.
Bác sĩ Thân Minh Khương, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu kể: Trung tâm ICU có 58 giường cấp cứu thông nhau cả tầng. Điều hòa mấy ngày đầu chưa có, mà sau có thì vẫn phải mở cửa nên nắng nóng kinh khủng. Nhiều bệnh nhân tuyệt vọng, trở nặng hơn. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Bắc Giang bảo: Cứ nóng thế này thì bệnh nhân của mình “hỏng” hết, có khi đến anh em mình cũng không thở nổi.
Tỉnh chi viện kịp thời, cho lắp điều hòa nhưng gọi thợ, ai cũng sợ, lắc đầu, không dám vào nơi F0 đậm đặc. Cực chẳng đã, các y bác sĩ kiêm việc lắp điều hòa. Họ tính để thợ lắp bên ngoài, hướng dẫn cụ thể rồi mang cáng ra chở vào, điều khiển từ xa đặt đúng vị trí, dây dẫn. “Có điều hòa đỡ nóng hơn nhưng những lúc nóng quá, chúng tôi bảo nhau làm những túi đá nhỏ, chườm quanh người cho bệnh nhân, họ khỏe hơn nhiều”- bác sĩ Khương nói.
Ở ICU Bệnh viện Phổi Bắc Giang, có những bệnh nhân nặng, rất nặng, thậm chí bị đồn tử vong và phải thở ECMO nhưng đã qua được cửa tử như một kỳ tích. Tất cả đều được chăm sóc một cách đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Luyện, Điều dưỡng trưởng Trung tâm ICU tâm sự: Khi vào khu hồi sức, chúng tôi theo sát từng chỉ số sinh tồn, từng nhịp thở của bệnh nhân để kịp thời báo cáo bác sĩ. Có những bệnh nhân cùng lúc vừa truyền thuốc, vừa lọc máu, vừa thở ô xy, nếu chỉ sơ sểnh vài giây thôi đã nguy hiểm đến tính mạng rồi.
Gần hai tháng giành giật sự sống cùng bệnh nhân Covid nặng, xung quanh đậm đặc nồng độ vi-rút, họ biết mình có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào nên có một nguyên tắc bất di bất dịch mà những “phi hành gia” ICU bảo nhau là dù nóng đến mấy cũng không được cho tay lên mặt, ngứa không được gãi, mồ hôi chảy ướt rồi tự khô, hạn chế thấp nhất vận động để tiết kiệm sức. Bởi cuộc chiến còn dài, nếu mình kiệt sức hay nhiễm bệnh, đồng đội khác lại phải vào, ảnh hưởng cả kíp và đặc biệt là người bệnh nên tất cả cùng cố gắng, hẹn ngày chiến thắng.
Sâu nặng tình người
Khi cứu chữa bệnh nhân F0 nguy kịch, ngoài những kỹ thuật cao, khó như đặt nội khí quản, lọc máu, thậm chí chạy tim, phổi nhân tạo ECMO do các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đảm nhiệm, phần chăm sóc, dinh dưỡng, chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân cũng quyết định nhiều đến khả năng phục hồi.
![]() |
Giám đốc Bệnh viện Phổi Nguyễn Ngọc Thanh chúc mừng bệnh nhân điều trị ECMO đầu tiên xuất viện. |
Chị Luyện kể: Cứ 1 giờ là chúng tôi hút đờm cho bệnh nhân 1 lần, 2 giờ cho ăn, 1 ngày thay ga, còn vệ sinh, thay bỉm thì theo nhu cầu không kiểm soát của người bệnh. Có bệnh nhân phản ứng thuốc đi ngoài liên tục, không bỉm nào chịu nổi, chúng tôi đứng trực, lấy giấy chẹn khắp người. Có bệnh nhân thở máy nằm hàng tuần, nắng nóng như thế mà người lúc nào cũng sạch sẽ, khô ráo, đến nỗi đội chuyên gia miền Nam còn phải thốt lên: Các chị tận tụy quá, thật cảm phục!
Có một điều gần như giống nhau là sau khi cai thở máy, tâm lý bệnh nhân ít nhiều đều thay đổi. Ví dụ bệnh nhân P.H.T, 62 tuổi (TP Bắc Giang)- người chạy ECMO đầu tiên ở ICU Bệnh viện Phổi khi tỉnh dậy rất hay đạp nhân viên y tế. Do nhiều ngày dùng thuốc an thần nên bệnh nhân rối loạn ý thức, nghĩ mình bị bỏ rơi, tưởng bị chết, hoảng loạn và không chịu ăn uống. Là người trực tiếp chăm sóc, trước mỗi bữa ăn, chị Luyện lại vờ gọi điện về cho gia đình, nói đồ ăn này con gái làm, đồ ăn này vợ gửi… “Dỗ như dỗ trẻ con, nịnh từng tí một bác T mới chịu ăn, có sức để phục hồi và thoát chết kỳ diệu”- chị Luyện nhớ lại.
![]() Những ngày đầu quá tải, chưa quen nắng nóng, các em, các cháu kiệt sức liên tục. Nghỉ ngơi phục hồi xong lại đòi vào. Có bạn dị ứng với đồ bảo hộ, người đỏ au, mẩn ngứa vẫn bảo: “Cháu chịu được, cho cháu vào”. Có chị đau bụng phải đi cấp cứu, khỏe cái lại bảo: “Để em vào”. Nhắn tin trên nhóm, hỏi: “Mọi người ổn không”, toàn thấy các em, các cháu thả tim, hình cười, lạc quan đến hiên ngang trong “bão”! Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Bắc Giang. |
Bệnh nhân N.V.H, 35 tuổi (Lạng Giang) vào viện diễn biến rất nhanh, phải thở ô-xy dòng cao, đã có lúc tưởng như không qua khỏi. Khi tỉnh lại, thấy bác sĩ Khương bên cạnh, H hốt hoảng hỏi: “Bác sĩ ơi em có chết không? Bác sĩ cứu em đi!”. Biết mình được cứu sống, suốt những ngày điều trị, cứ thấy bóng y, bác sĩ đi qua, H lại cúi đầu, chắp tay như một lời tri ân, cảm tạ. Bệnh nhân N.T.G, 34 tuổi (Lục Nam) là ca bệnh nặng thở máy đầu tiên của tỉnh ngày ra viện khóc thút thít, vì đã có lúc G buông xuôi, tuyệt vọng.
Theo dõi từng hơi thở, canh từng tiếng máy xem có gì khác biệt, bất thường; sớm tối vỗ rung, tập từng bài tập phục hồi cho từng bệnh nhân, 54 ngày đêm ở ICU là 54 ngày đêm sáng đèn, không ngủ, không có khái niệm về thời gian, không gian. Thế nhưng, ẩn sau sự kiên cường, sắt đá đó là những giọt nước mắt của người mẹ nhớ con, vợ nhớ chồng, con nhớ bố mẹ mà chưa biết ngày gặp lại.
Anh Thanh bảo: Những ngày đầu quá tải, chưa quen nắng nóng, các em, các cháu kiệt sức liên tục. Nghỉ ngơi phục hồi xong lại đòi vào. Có bạn dị ứng với đồ bảo hộ, người đỏ au, mẩn ngứa vẫn bảo “Cháu chịu được, cho cháu vào”. Có chị đau bụng phải đi cấp cứu, khỏe cái lại bảo “Để em vào”. Nhắn tin trên nhóm, hỏi: “Mọi người ổn không”, toàn thấy các em, các cháu thả tim, hình cười, lạc quan đến hiên ngang trong “bão”!
54 ngày kiên cường đối mặt với con vi-rút quái quỷ, đối mặt giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, dưới sự giúp đỡ tích cực của các y, bác sĩ trên toàn quốc, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị ICU, giúp 412 bệnh nhân nhẹ và đặc biệt là 97 bệnh nhân nặng, rất nặng được trở về. Với họ, ấy là mùa xuân. Xuân của yêu thương, xuân của lòng người và sẽ không có cơn “bão” nào chúng ta không vượt qua.
Thu Hương - Minh Thu
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
GIỚI THIỆU SẢN PHẨM
VÀ THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP
Trên Báo Bắc Giang điện tử
Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Hiệu quả