Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động: Đừng làm cho có

Cập nhật: 10:58 ngày 15/03/2022
(BGĐT) -  Khám sức khỏe định kỳ (SKĐK) cho người lao động (NLĐ) là một trong những nội dung được pháp luật quy định. Để thực hiện tốt nội dung này, bảo vệ sức khỏe NLĐ, đòi hỏi trách nhiệm từ phía doanh nghiệp (DN).

Chăm lo vốn quý

Trong quá trình sản xuất, NLĐ chịu nhiều tác động từ môi trường làm việc. Bởi vậy, khám SKĐK cho công nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp DN giảm thiểu các yếu tố rủi ro dẫn đến tai nạn lao động, bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất. Thời gian qua, công tác này đã được nhiều đơn vị quan tâm triển khai.

{keywords}

Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc.

Điển hình như Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên), với số lượng lao động lớn, khoảng 2,6 nghìn người, nhưng mỗi năm, toàn bộ công nhân đều được khám SKĐK một lần; công nhân trong bộ phận nặng nhọc, độc hại được khám hai lần/năm. Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính cho biết: “Công ty luôn xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với NLĐ. Trên hết, bảo vệ sức khỏe cho họ chính là bảo vệ lợi ích của DN. Khi công nhân được quan tâm, chăm lo thì mỗi người sẽ an tâm làm việc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm”. 

Được biết, hằng năm, căn cứ tình hình thực tế và lịch sản xuất, Công ty ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện để tổ chức khám SKĐK cho NLĐ. Việc khám sức khỏe diễn ra tại trụ sở đơn vị nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ. Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả chương trình, DN kết hợp nội dung tuyên truyền sức khỏe sinh sản, kỹ năng về chăm sóc gia đình, nuôi dạy con, bình đẳng giới; đồng thời, phối hợp với các đối tác trong chương trình phúc lợi đoàn viên giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa với giá ưu đãi cho công nhân.

Xác định NLĐ là vốn quý, Công ty TNHH Vimark - chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, KCN Đình Trám (Việt Yên) thường xuyên quan tâm khám SKĐK cho gần 100 công nhân. DN bố trí địa điểm khám ngay tại đơn vị, hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bố trí các bác sĩ nghiệp vụ chuyên sâu, đưa nhiều trang thiết bị hiện đại về tổ chức khám tập trung cho NLĐ. 

Công nhân được các bác sĩ khám thể lực như: Đo chiều cao, cân nặng, huyết áp; khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa: Nội, ngoại, da liễu, phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt và khám cận lâm sàng gồm: Tim mạch, xét nghiệm máu, nước tiểu... 

Anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Công ty TNHH Vimark chia sẻ: "Ngoài khám sàng lọc, các bác sĩ tư vấn rất tỉ mỉ, hướng dẫn tôi cách ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để có sức khoẻ tốt. Mong rằng công ty duy trì hoạt động này trong những năm tới để chúng tôi thêm yên tâm làm việc". Qua khám sàng lọc, 100% NLĐ đủ điều kiện sức khoẻ làm việc.

Tăng cường tuyên truyền, giám sát

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), DN phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ ít nhất một lần/năm. Đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động là người khuyết tật, cao tuổi, chưa thành niên thì phải được khám ít nhất 6 tháng một lần. 

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua kết quả kiểm tra hằng năm của ngành và liên ngành, công tác khám SKĐK cho NLĐ đã được nhiều DN quan tâm triển khai. Từ đó, kịp thời chữa trị cũng như bố trí công việc hợp lý, thực hiện các chế độ, chính sách liên quan với NLĐ. Ở những DN có lao động làm việc ở bộ phận nặng nhọc, độc hại như: Công ty cổ phần Alpha (KCN Đình Trám); Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng); Công ty TNHH Mplus Hà Nội (Tân Yên)... công nhân còn được hưởng chế độ bồi dưỡng hợp lý

Theo báo cáo của Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), năm 2021, có 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký với Trung tâm và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 4,3 nghìn lao động. Sau khi khám chuyên sâu phát hiện 347 người mắc bệnh về tai do tiếp xúc tiếng ồn; 204 trường hợp mắc bệnh do nhiễm độc chì và các hợp chất; 62 người bị viêm phế quản mạn tính; ngoài ra còn một số bệnh khác.

Tuy vậy, trên thực tế, công tác tổ chức khám SKĐK và phát hiện bệnh nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Chủ DN không nắm rõ quy định hoặc tính toán về kinh tế (phải chi trả tiền khám) nên cố tình lách luật, tổ chức khám mang tính hình thức, hợp đồng với cơ sở y tế không có chức năng, khám không hết danh mục bệnh theo quy định… 

Theo bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Thông tư 14/2013/TT-BYT năm 2013 của Bộ Y tế quy định, hằng năm, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức khám SKĐK cho NLĐ; quản lý sổ khám SKĐK. Trường hợp người được khám có bệnh, tật thì được tư vấn phương án điều trị, phục hồi chức năng và sắp xếp công việc phù hợp. 

Và trong thời gian khám, chữa bệnh, NLĐ vẫn được trả lương như những ngày thường. DN vì muốn cắt giảm chi phí mà không mấy quan tâm đến việc khám SKĐK cho NLĐ. Ở một khía cạnh khác, công nhân chủ yếu quan tâm đến công việc đang làm, có tâm lý e ngại, sợ bị ảnh hưởng đến việc làm nếu có kiến nghị với chủ DN nên tự đánh mất quyền lợi chính đáng của mình.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trước hết, các ngành Lao động, Y tế, đặc biệt là tổ chức công đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN và NLĐ về ý nghĩa quan trọng của khám SKĐK; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các DN để vận động, nhắc nhở lãnh đạo DN thực hiện nghiêm quy định, kịp thời phát hiện và xử lý các DN vi phạm. Đặc biệt, ngay từ cơ sở, cán bộ công đoàn cần chủ động nắm bắt nguyện vọng của đoàn viên, đề xuất với chủ sử dụng các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tác hại của môi trường tới sức khoẻ NLĐ.

Bài, ảnh: Tường Vi

Bảo đảm quyền lợi người lao động khi nhiễm Covid-19
(BGĐT) - Hiện nay, người lao động nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được nghỉ việc để thực hiện cách ly y tế, điều trị tại nhà. Để người lao động yên tâm, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn luôn đồng hành hỗ trợ chăm lo đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng.
Dừng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động
Ngày 2/3, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cung cấp thông tin về việc dừng thực hiện Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Kịp thời chia sẻ rủi ro với người lao động
(BGĐT) - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, trong đó, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một thành phần, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động (NLĐ). Bên cạnh lợi ích chia sẻ rủi ro, nguồn quỹ này còn phát huy tác dụng phòng ngừa.
Những chính sách mới liên quan đến người lao động có hiệu lực từ tháng 11/2021
Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 116 đến khi nào; những loại hàng hóa, dịch vụ nào được giảm thuế; bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo ra sao... là những thông tin được quy định trong các văn bản, chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021.
12 chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn
Tại cuộc họp báo chiều 1/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói đợt bùng phát thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) diễn biến phức tạp, đã tác động mạnh mẽ đến người lao động, đặc biệt công nhân trong khu công nghiệp, chế xuất. Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 với tổng số tiền 26.000 tỷ đồng.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...