Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng giờ làm thêm phải đi đôi với phúc lợi của người lao động

Cập nhật: 08:17 ngày 10/05/2022
(BGĐT) -  Quy định về nâng số giờ làm thêm tối đa trong một năm, một tháng vừa được Quốc hội ban hành, thu hút sự quan tâm của người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN). Đây được coi là một trong những giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phải được ngành chức năng giám sát chặt, bảo đảm thu nhập, đời sống cho công nhân. 

Đáp ứng nhu cầu

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực từ 1/4) quy định: Số giờ làm thêm tối đa của NLĐ được nâng từ 200 giờ lên 300 giờ/năm, từ 40 giờ lên 60 giờ/tháng.

{keywords}

Quan tâm đến sức khỏe NLĐ, Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu) dành 15 phút nghỉ giữa ca cho công nhân.

Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 7 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để đáp ứng nhu cầu khôi phục, mở rộng quy mô sản xuất, hiện có gần 100 DN đang thiếu hụt khoảng 40 nghìn lao động. Vì vậy, quy định tăng số giờ làm thêm tối đa đã nhận được sự đồng thuận của hai bên trong quan hệ lao động.

Hoạt động từ năm 2014, Công ty TNHH Smart Shirts Bắc Giang (KCN Vân Trung), chuyên sản xuất hàng may mặc tạo việc làm ổn định cho hơn 1,1 nghìn lao động. Trong hai năm 2020, 2021, DN liên tiếp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thậm chí xảy ra ngừng việc tập thể khi DN điều chỉnh một số chế độ để tiết kiệm chi phí. 

“Để duy trì, ổn định sản xuất, bảo đảm tiến độ những đơn hàng đã ký thì giải pháp quan trọng, quyết định vẫn là tăng thời gian làm thêm của công nhân. Vì vậy, quy định mới về tăng giờ làm thêm tối đa trong một năm, một tháng đã giúp DN bớt đi nhiều áp lực. Và trên thực tế, có những dịp cao điểm, việc tổ chức tăng ca của đơn vị đã đạt hoặc cao hơn mức này”, bà Hoàng Thị Nhàn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự cho hay.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thu nhập trung bình từ tăng ca của NLĐ là hơn 1,3 triệu đồng/người/tháng, chiếm 22,4% tổng thu nhập. Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu thấp, hầu hết DN lại đang áp dụng mức bằng hoặc cao hơn không nhiều, thêm khó khăn của dịch bệnh nên nhiều lao động có nhu cầu tăng ca để có thêm thu nhập, bảo đảm đời sống. 

Chị Nguyễn Thị Lương (SN 1991), quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thời điểm dịch bùng phát, công ty phải đóng cửa, khi hoạt động trở lại thì ít việc, không làm thêm giờ, thu nhập cũng giảm hẳn. Nay DN có nhiều đơn hàng, dù biết sẽ vất vả hơn nhưng đủ sức khỏe, chúng tôi vẫn muốn tranh thủ tăng ca để có thêm chi phí trang trải cuộc sống”.

Giám sát chặt, bảo đảm sức khỏe và thu nhập hợp lý

Theo ông Nguyễn Khắc Điều, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), dù không mới nhưng làm thêm giờ luôn là vấn đề “nóng” trong quan hệ lao động. Ngay khi quy định tăng giờ làm thêm tối đa có hiệu lực, Ban đã tham mưu với LĐLĐ tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo 17 công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn công đoàn cơ sở trong DN giám sát việc thực hiện các chế độ liên quan tới NLĐ trong thời gian làm thêm của chủ sử dụng lao động. 

Mặt khác, theo quy định, việc làm thêm giờ phải được sự đồng thuận của NLĐ, DN không có quyền ép buộc công nhân tăng ca. Vì vậy, các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu đúng, đủ về vấn đề này, phát huy quyền tự quyết của mình.

Về quyền lợi khi tăng ca, Nghị quyết chỉ nêu “trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động” mà chưa đề cập cụ thể về cách tính lương làm thêm. Theo Bộ luật Lao động (năm 2019), lao động làm thêm các ngày trong tuần nhận ít nhất 150% mức lương bình thường; 200% vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% vào các ngày lễ, Tết.

{keywords}

Khi tăng giờ làm thêm, DN không phải tuyển mới lao động, giảm chi phí đóng BHXH và các khoản phụ cấp cho công nhân. Do đó, Sở kiến nghị các bộ, ngành T.Ư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ quy định rõ từng mức lũy tiến trong cách tính tiền lương làm thêm giờ để bảo đảm DN trả lương tương xứng với thời gian làm việc và công sức NLĐ".

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc

Sở LĐTBXH

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, khi tăng giờ làm thêm, DN không phải tuyển mới lao động, giảm chi phí đóng BHXH và các khoản phụ cấp cho công nhân. 

Do đó, Sở đã kiến nghị các bộ, ngành T.Ư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ quy định rõ từng mức lũy tiến trong cách tính tiền lương làm thêm giờ để bảo đảm DN trả lương tương xứng với công sức của NLĐ.

Bên cạnh việc giám sát việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quy định về làm thêm giờ, các ngành chức năng, tổ chức công đoàn cần quan tâm đến các chính sách phúc lợi cho công nhân. 

Dù là giải pháp phù hợp cho hai bên trong quan hệ lao động nhưng việc tăng giờ làm thêm cũng chỉ nên coi là giải pháp tình thế. Về lâu dài, DN cần có những chính sách thu hút, tuyển đủ nhân lực, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Khi đó, họ sẽ yên tâm gắn bó, đồng hành và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển bền vững của DN.

Bài, ảnh: Tường Vi

Sớm có chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, giảm thiểu rút BHXH một lần
Trước tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra, chủ yếu tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Linh hoạt bảo vệ sức khỏe người lao động
(BGĐT)- Trước tình hình ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã áp dụng những giải pháp phòng, chống dịch (PCD) linh hoạt, hiệu quả. Điển hình là Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang).
Tăng giờ làm thêm đối với người lao động lên tối đa 300 giờ một năm
Chiều 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng giờ làm thêm
(BGĐT) - Thông tin được nhiều người quan tâm là Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT - XH.
Hướng dẫn thực hiện quy định về tăng giờ làm thêm trong năm 2022
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành Văn bản số 1312/LĐTBXH-ATLĐ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về tăng giờ làm thêm trong bối cảnh phục hồi kinh tế.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...