Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tạo sân chơi an toàn cho trẻ dịp hè

Cập nhật: 16:47 ngày 22/05/2022
(BGĐT) - Năm học 2021- 2022 chuẩn bị kết thúc. Để trẻ có sân chơi an toàn, phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng nhóm tuổi đòi hỏi sự quan tâm của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu

Trẻ em đi đâu, chơi gì vào ngày hè là câu hỏi đặt ra với nhiều gia đình. Mới đầu tháng Năm nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đã đi tìm địa chỉ cho con trai 13 tuổi tham gia khóa giáo dục kỹ năng sống. Sau khi tham khảo, anh quyết định đăng ký cho con tham gia chương trình học kỳ quân đội tại Trường Trung cấp Biên phòng số 1, xã Việt Lập (Tân Yên). 

“Trẻ em hiện nay ít trải nghiệm thực tế nên không lường hết được khó khăn. Con trẻ được nghỉ hè nhưng bố mẹ vẫn đi làm nên tôi muốn hè này con được rèn luyện trong môi trường mới, dù ngắn ngày song ít nhiều giúp con có thêm kiến thức, kỹ năng để vượt qua những vướng mắc trong cuộc sống”, anh Trung chia sẻ.

Bên cạnh mô hình “Học kỳ trong quân đội”, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã quan tâm xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em. Theo thống kê sơ bộ của Tỉnh đoàn, các địa phương trong tỉnh có gần 2 nghìn cơ sở vui chơi, giải trí có sự tham gia của trẻ em như: Sân bóng, nhà văn hoá, thư viện, điểm vui chơi. 100% trường tiểu học, THCS có thư viện và tủ sách thiếu nhi. Ngoài những bể bơi quy mô lớn tại TP Bắc Giang như: Rùa Vàng, Bốn Mùa, Quang Minh, tại các trường học có 129 bể bảo đảm quy chuẩn, có huấn luyện viên, giáo viên phụ trách huấn luyện. 

Từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh xây dựng 361 sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng, chủ yếu là các trò chơi phát triển vận động như: Cầu trượt, xích đu, cầu bập bênh, sân bóng đá, xà đơn, xà kép, vận động liên hoàn. Tỉnh đoàn thành lập hơn 3,7 nghìn câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao, tìm hiểu tri thức khám phá cuộc sống. 

Anh Tô Văn Đức, Trưởng Ban Công tác đội và phong trào thiếu nhi (Tỉnh đoàn) cho biết: Trung bình mỗi bộ đồ chơi ngoài trời chi phí từ 7- 15 triệu đồng, đoàn viên thanh niên mất khoảng một tuần để hoàn thiện. Dù dày công sáng tạo, thiết kế sân chơi cho các em nhưng nhiều công trình sau một thời gian sử dụng lại vắng bóng trẻ tham gia. Nguyên nhân là do trẻ thích khám phá những điều mới lạ nhưng nhanh chán trong khi trên mạng xã hội tràn lan trò chơi điện tử trực tuyến với hình ảnh, âm thanh sinh động, hấp dẫn, có lợi trước mắt song về lâu dài trò chơi trên mạng gây hại sức khỏe.

{keywords}

Trẻ em huyện Lục Nam học bơi để phòng ngừa tai nạn đuối nước. 

Theo báo cáo đánh giá của Tỉnh đoàn, với hơn 478 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó hơn 4 nghìn trẻ hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, mồ côi, thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, đi làm xa) thì số công trình, điểm vui chơi mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của trẻ. Chưa kể do khó khăn về kinh phí bảo trì nên có thiết bị tại điểm vui chơi ngoài trời sau thời gian sử dụng bị xuống cấp.

Nỗi lo tai nạn, đuối nước

Dù chưa vào hè nhưng gần đây thời tiết oi bức khiến trẻ em tìm đến các điểm có nước như sông, suối, hồ để tắm mát. Tại một số tỉnh, TP trong cả nước liên tục xảy ra đuối nước làm nhiều trẻ thiệt mạng.

Bắc Giang là tỉnh có địa bàn rộng, nhiều đồi núi, sông, suối, ao hồ đan xen trong khu dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Ngày 27/4 vừa qua, 6 em học sinh ở thị trấn Kép (Lạng Giang) đến chơi ở kênh Giữa, chảy qua địa bàn thị trấn. Trong lúc ngồi chơi trên bờ kênh, em V.N.Ph (SN 2008) ở tổ dân phố Thanh Bình sảy chân ngã rồi bị đuối nước. Theo người dân địa phương, khu vực này nước sâu, dù có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng do mải chơi nên nhiều em không để ý. Được biết, trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 28 trẻ bị tai nạn thương tích, chủ yếu là đuối nước.

Dự báo mùa hè năm nay sẽ sôi động hơn bởi dịch Covid-19 không còn căng thẳng. Đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ, thời gian này, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh (Tỉnh đoàn), Nhà văn hóa Lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh) thông báo kế hoạch tổ chức dạy bơi, kỹ năng cứu đuối, võ cổ truyền, múa, tập làm MC dành cho trẻ em. Tỉnh đoàn và các huyện, TP xây dựng kế hoạch phối hợp với đơn vị quân đội trên địa bàn mở khóa huấn luyện học kỳ trong quân đội.

Để giảm thiểu trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo ngay khi kết thúc năm học các nhà trường bàn giao học sinh về địa phương và gia đình. Trong dịp hè, các trường tận dụng cơ sở vật chất hiện có tiếp tục mở cửa trường học, phối hợp với tổ chức Đoàn, Đội ở cơ sở mở lớp học bơi, học kỹ năng phòng, chống đuối nước, rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em.

Tuổi nhỏ thích khám phá những điều mới lạ, chưa nhận thức hết các mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh cuộc sống, thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân nên các em còn là đối tượng có nguy cơ cao bị tai nạn thương tích như: Bỏng, điện giật, ngã, đuối nước. Trong đó tỷ lệ tử vong do đuối nước chiếm cao nhất trong các vụ tai nạn. 

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư về công tác trẻ em, trọng tâm là: Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 -2030; tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng, chống tai nạn, thương tích, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. 

Khắc phục một số bất cập khi xây dựng sân chơi cho cho trẻ em, năm nay, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tiếp tục tổ chức cuộc thi xây dựng điểm vui chơi cho em trên địa bàn dân cư nhằm huy động ý tưởng sáng tạo, giải pháp triển khai mô hình đồ chơi bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đang là vấn đề mà người lớn cần đặc biệt quan tâm. Trên môi trường mạng, không ít em bị rủ rê, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, vào các trang có nội dung khó kiểm soát, không có lợi cho nhận thức và sự phát triển lành mạnh lâu dài của trẻ. Một số trường hợp bị lôi kéo, đe dọa, kích động dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, hành động tiêu cực, không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi... 

 Trước thực trạng này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh rất quan tâm, phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức nhiều cuộc truyền thông cho học sinh các lứa tuổi, khuyến cáo các em về những nguy cơ khi tham gia mạng xã hội để các em biết, phòng tránh. Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh, thậm chí ngay cả người lớn chưa nhận thức được những nguy cơ đe dọa đời sống vô tư, non nớt của trẻ, coi chiếc điện thoại thông minh như dụng cụ dỗ trẻ (cho con ăn, cho con ngồi chơi điện thoại một chỗ để người lớn làm việc khác hoặc chính người lớn cũng dùng điện thoại một cách thiếu tiết chế, thiếu kiểm soát trước mặt con trẻ; dùng điện thoại thông minh treo thưởng cho con). 

Nhà trường, các hội, đoàn thể tăng cường truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn các em sử dụng thiết bị công nghệ thông minh phù hợp, phục vụ học tập, vui chơi giải trí lành mạnh; tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích giúp các em rèn luyện kỹ năng, thể chất. Cha mẹ cần làm gương cho con trong sinh hoạt hằng ngày. Các cơ quan chức năng nên có các giải pháp công nghệ và chế tài để ngăn chặn những yếu tố độc hại từ môi trường mạng đối với trẻ em.

Ông Trương Bắc Lâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Yên: Rà soát, khoanh vùng triệt để nhằm loại bỏ các yếu tố nguy hiểm

Trong hai năm 2020, 2021, trên địa bàn huyện Tân Yên xảy ra 14 vụ tai nạn thương tích, làm 14 trẻ tử vong. Trong đó có một vụ tai nạn giao thông, 13 vụ đuối nước. Một số xã như: Việt Lập, Ngọc Lý, Ngọc Vân, Cao Xá hai năm liên tiếp có trẻ em bị đuối nước. Địa điểm gặp nạn chủ yếu ở ao hồ, hố ga, thùng vũng, mương nước thủy lợi.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì phần lớn các trường hợp trẻ đuối nước tử vong là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc. Bên cạnh đó, qua rà soát cho thấy, độ tuổi thường gặp tai nạn đuối nước chủ yếu từ 5 -11. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, tò mò, thích khám phá trong khi chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, hầu hết chưa biết bơi. 

Vì vậy, với vai trò của mình, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tăng cường công tác tham mưu với UBND huyện các văn bản chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, trường học, gia đình về công tác chăm sóc trẻ em, nhất là phòng, chống đuối nước. 

Đặc biệt, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức rà soát, khoanh vùng các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn như ao hồ, mương nước, giếng sâu, sông, suối, công trình xây dựng đang thi công... Từ đó, chỉ đạo các lực lượng cắm biển cảnh báo, lập rào chắn tại các địa điểm này để chủ động ngăn ngừa, bảo vệ trẻ em trước những rủi ro.

Em Lê Quỳnh Mai, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang): Mong có nhiều lớp dạy bơi, kỹ năng sống trong nhà trường

Do dịch bệnh, hai năm vừa qua, phần thưởng của bố mẹ vào dịp hè là một chuyến du lịch đều không thành hiện thực. Hằng ngày, ngoài sắp xếp thời gian ôn tập phù hợp, em giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp cửa hàng bán gạo, cùng các em nấu cơm, vệ sinh nhà cửa. Do nhà có khoảnh sân vườn khá rộng nên bố em trồng rất nhiều cây cảnh. Và thay vì cho chúng em làm bạn với ti vi, ipad hay điện thoại thông minh, bố thường khuyến khích để các em chăm sóc cây, hoa trong vườn.

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin và nhắc nhở của bố mẹ, thầy cô, em biết đến nhiều vụ tai nạn đuối nước, bạo hành, thậm chí có bạn vì áp lực học tập mà tự tử. Chính vì vậy, bản thân em luôn mong muốn có các lớp dạy bơi, kỹ năng sống được duy trì thường xuyên tại chính trường học vào dịp hè. Từ đó, giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng và là luôn suy nghĩ tích cực để vượt qua khó khăn, áp lực.

Bài, ảnh: Mai Toan

Đội thi Trường THCS xã Nghĩa Phương giành giải Nhất sân chơi “Tài - Trí đội viên” năm 2021
(BGĐT) - Ngày 11/12, Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Bắc Giang và Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Lục Nam phối hợp tổ chức sân chơi “Tài - Trí đội viên” năm 2021. 
Sân chơi cuối tuần dành cho thiếu nhi
(BGĐT) - Chương trình “Sân chơi cuối tuần online" do Hội đồng Đội huyện Lạng Giang tổ chức nhằm tạo môi trường vui chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, đồng thời trang bị kỹ năng sống, kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội cho thiếu nhi từ 6 đến 15 tuổi.
Tổ chức “Sân chơi cuối tuần online” cho thiếu nhi
(BGĐT)- Nhằm tạo sân chơi bổ ích phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Hội đồng Đội huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tổ chức sân chơi cuối tuần online dành cho thiếu nhi từ 6 đến 15 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn huyện.
Bàn giao "Sân chơi năng động Việt Nam" tại xã Lãng Sơn
(BGĐT) - Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3 (1931-2021), Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức khánh thành, bàn giao công trình thanh niên “Sân chơi năng động Việt Nam” tại thôn Phú Thịnh, xã Lãng Sơn (Yên Dũng). 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...