Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quỹ quốc gia về việc làm: Giúp thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật: 10:21 ngày 12/07/2022
(BGĐT) -  Các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp, dịch vụ do thanh niên làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tiếp sức cho thanh niên có nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm (gọi tắt là Quỹ). 

Hiệu quả rõ nét

Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 2009, anh Lê Văn Phao (SN 1989), ở thôn Hố Dầu, xã Cẩm Lý (Lục Nam - Bắc Giang) lập gia đình, ra ở riêng với hơn 7 sào vườn đồi trồng bạch đàn, vải thiều. Đất cằn cỗi mà không có vốn để cải tạo, cây trồng lâu năm không mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình không có thu nhập. 

{keywords}

Được vay vốn từ Quỹ, anh Lê Văn Phao phát triển mô hình nuôi gà lai chọi cho thu nhập cao.

Quyết tâm vượt lên cái nghèo, năm 2012, chàng trai dân tộc Nùng mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thêm sự giúp đỡ của người thân để khởi nghiệp với mô hình nuôi gà lai chọi. 

Ban đầu anh nuôi gần 300 con để thăm dò thị trường và tích lũy kinh nghiệm chăm sóc. May mắn là những lứa đầu xuất bán thuận lợi, được giá (từ 100 - 130 nghìn đồng/kg) nên đã có lãi. Xác định được hướng đi, anh Phao ấp ủ dự định mở rộng quy mô sản xuất.

“Thời điểm năm 2018, tôi muốn cải tạo chuồng trại, mua thức ăn, thuốc ngừa bệnh để tăng đàn nhưng thiếu vốn. Giữa lúc đó, tôi được Đoàn Thanh niên xã tư vấn, hỗ trợ thủ tục để vay vốn ưu đãi từ Quỹ. Với số tiền vay 50 triệu đồng lãi suất thấp, tôi đã thực hiện được dự định của mình”, anh Phao chia sẻ. Đến nay, với quy mô đàn gà lai chọi từ 5-6 nghìn con thương phẩm và 2 nghìn gà giống, mỗi năm thu hai lứa, gia đình anh có lãi gần 300 triệu đồng. 

Hiện anh Phao là một trong 15 thành viên của Câu lạc bộ Làm kinh tế giỏi xã Cẩm Lý. Từ thành công của bản thân, anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tư vấn về con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà cho thanh niên trong xã, giúp các bạn trẻ có cơ hội vươn lên.

Khác với anh Phao chọn mô hình sản xuất nông nghiệp, từ vay vốn của Quỹ, anh Đào Ngọc Quảng (SN 1990), thôn Song Khê 2, xã Song Khê (TP Bắc Giang) lại làm giàu từ dự án kinh doanh vận tải. Năm 2018, sau thời gian làm lái xe tự do, được sự gợi ý, ủng hộ của gia đình, anh Quảng thành lập Công ty TNHH Vận tải Ngọc Quảng. 

{keywords}

Anh Đào Ngọc Quảng (đứng giữa) phát triển kinh doanh vận tải từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Ban đầu với hai chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng, đến nay, doanh nghiệp của anh đã có 16 xe chuyên vận chuyển thành phẩm hàng may mặc, linh kiện điện tử, nhựa gia công cho các nhà máy trong khu công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Điều đáng ghi nhận là công ty của anh đã tạo việc làm cho 20 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương với thu nhập ổn định từ 10-14 triệu đồng/người/tháng. 

Để có được kết quả này, năm 2019, anh Quảng vay 300 triệu đồng từ Quỹ để mua thêm hai chiếc xe tải. Mới đây, để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh tiếp tục được tổ chức đoàn thanh niên hỗ trợ thủ tục vay 1 tỷ đồng từ Quỹ và nguồn giải ngân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ (Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH). 

Anh chia sẻ: “Có vốn vay, tôi mua thêm một chiếc xe nâng, dùng một phần làm vốn lưu động và trang trải chi phí thuê kho bãi trung chuyển”.

Bố trí nguồn đối ứng, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 73,5 nghìn đoàn viên, trong đó có khoảng 30,9 nghìn đoàn viên ở nông thôn. Anh Vũ Tuấn Anh, Trưởng Ban Phong trào thanh niên (Tỉnh đoàn) cho biết, phong trào khởi nghiệp đang thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. 

Đáp ứng nhu cầu vay vốn của đoàn viên, các cấp bộ đoàn luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ được tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi. Qua thống kê, đánh giá về nhu cầu, mức độ thiếu vốn, đơn vị chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch cho vay hằng năm, tổ chức thẩm định, bảo đảm giải ngân nhanh chóng, thuận lợi và đúng đối tượng. 

Đồng thời phân công cán bộ đoàn cơ sở thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay của đoàn viên, nắm bắt tình hình thực hiện dự án và đôn đốc trả lãi đúng hạn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, toàn tỉnh hiện có gần 600 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ dù dám nghĩ nhưng khó xoay xở về vốn. 

Từ năm 2018 đến nay, tổng nguồn vốn cho vay từ Quỹ qua kênh T.Ư Đoàn là hơn 2,4 tỷ đồng, giải ngân cho vay 29 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Cùng đó, UBND TP Bắc Giang và các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang cũng bố trí nguồn kinh phí cho vay giải quyết việc làm cho thanh niên với tổng dư nợ hơn 3,2 tỷ đồng.

Theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ hướng dẫn hoạt động cho vay từ Quỹ, muốn vay mức tối đa 100 triệu đồng, cá nhân phải chứng minh được tính khả thi từ mô hình kinh tế của mình, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại hoặc phải có tài sản bảo đảm thế chấp. 

Trong khi đa số ĐVTN sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp mới tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế hạn hẹp nên hầu hết không có tài sản để thế chấp. 

Còn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh do thanh niên làm chủ cần chứng minh được hiệu quả kinh tế thì mới được tiếp vốn. Thêm nữa, nguồn vốn T.Ư Đoàn, ngân sách các địa phương đối ứng để bổ sung vào Quỹ khá khiêm tốn, số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng.

Để khắc phục những trở ngại trên, anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, rà soát, lựa chọn các mô hình kinh tế điển hình, đủ điều kiện để giải ngân; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng và đôn đốc trả lãi đúng hạn. 

Đặc biệt, lựa chọn và phát động các phong trào thanh niên khởi nghiệp; quan tâm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các dự án được vay vốn. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Quỹ, Tỉnh đoàn kiến nghị các địa phương cân đối ngân sách để đối ứng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của thanh niên.

Bài, ảnh: Tường Vi - Ngọc Anh

Khởi nghiệp với "Nông trại Cao Lan"
(BGĐT) - Với mong muốn phát triển kinh tế tại quê nhà, anh Hoàng Xuân Mau (SN 1994), dân tộc Cao Lan, bản Nghè, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) xây dựng mô hình “Nông trại Cao Lan”. Mô hình góp phần quảng bá, nâng giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tọa đàm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
(BGĐT) - Ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn tổ chức tọa đàm về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) năm 2022. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam.
Khởi nghiệp nuôi ốc nhồi, chàng trai vùng biên thu lãi 40 triệu đồng/tháng
Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ con ốc nhồi mang lại, anh Huỳnh Ngọc Hội đã mạnh dạn đầu tư ao hồ và mua con giống về thả. Mô hình này đã giúp anh thu tiền lãi 30-40 triệu đồng/tháng.
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(BGĐT) -  Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025", tỉnh Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể chuyển dần từ sản xuất truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và ĐMST. Nhờ đó nhiều DN đã mở rộng đầu tư, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Bắc Giang giành giải Ba cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”
(BGĐT) - Trong Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Vĩnh Phúc), ngày 27/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết trao giải cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...