Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đào tạo nghề chất lượng cao: Tăng kỹ năng, sát nhu cầu thị trường

Cập nhật: 09:03 ngày 22/07/2022
(BGĐT) -  Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khi mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ, vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại gặp khó khăn do thiếu lao động chất lượng cao. Qua đánh giá, trong số 175 nghìn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 21% đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. 

Đào tạo theo nhu cầu

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) yêu cầu lao động đã qua đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn, đáp ứng khắt khe về kỹ năng nghề nghiệp, vị trí việc làm. 

{keywords}

Nhiều doanh nghiệp hiện thiếu lao động có chất lượng cao. Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu). Ảnh: Đỗ Quyên.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 80 DN đang liên tục tuyển dụng nhân lực có chuyên môn ở các lĩnh vực như: Cơ khí chế tạo chính xác, tự động hóa, vi mạch điện tử, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất- hóa dược và mỹ phẩm. Số này chiếm khoảng 70-80% trong số 4 nghìn lao động cần tuyển hằng tháng vào các KCN trên địa bàn tỉnh.

Trước thực tế này, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của DN. Bà Nguyễn Nhật Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn) cho biết: Ngoài đào tạo theo chương trình học chính khóa, các khoa còn trang bị thêm những kỹ năng theo yêu cầu của từng DN để khi trúng tuyển các em có thể làm việc được ngay, nhất là vị trí đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao.

Nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, các trường nghề tập trung đào tạo một số nghề trọng điểm như: Công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, thiết kế đồ họa, may công nghiệp. Trong đó, các cơ sở đào tạo theo hướng tăng tính tự chủ, sát nhu cầu thị trường, chú trọng đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ giảng dạy thực hành. 

Mới đây, Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang được đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN. Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống phòng thực hành thông minh kết nối máy tính với các thiết bị điện, điện tử phục vụ giảng dạy các môn may công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn. Các khoa đều có chương trình đào tạo chất lượng cao với thời lượng đào tạo tại DN hơn 30%, thời gian thực hành khoảng 50% chương trình học.

Liên kết, phối hợp đào tạo

Thị trường lao động hiện đang coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của người lao động. Uy tín của cơ sở dạy nghề được đánh giá thông qua tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang nhận được nhiều đề nghị phối hợp tuyển dụng sinh viên từ các DN. Qua các đợt thực tập, các DN đánh giá được tay nghề của sinh viên đã giữ mối liên hệ để mời về làm việc sau khi tốt nghiệp. 

{keywords}

Giờ thực hành môn kỹ thuật điện công nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn.

Để nâng cao chất lượng thực hành, không chỉ sinh viên, cả giáo viên cũng đến DN để tiếp cận với các quy trình vận hành máy móc hiện đại. Thời điểm này, nhà trường ưu tiên hàng đầu cho các bài giảng thực hành liên quan đến lắp ráp linh kiện điện tử, sửa chữa ô tô. 

Sinh viên Nguyễn Hữu Đông, lớp K54CĐ-ĐCN1, Khoa Điện - Tự động hóa nói: “Trong thời gian thực tập tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, em được tiếp cận trang thiết bị hiện đại giúp nâng cao tay nghề. DN thường xuyên có đợt tuyển dụng nên đây là cơ hội để em tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường”.

Toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm tuyển sinh, đào tạo khoảng 33 nghìn người. Các cơ sở dạy nghề đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành, lao động được tuyển dụng đáp ứng được các yêu cầu công việc của DN. Tuy nhiên lao động có tay nghề cao thông thạo ngoại ngữ rất ít trong khi làm việc ở các DN 100% vốn đầu tư nước ngoài nên việc trao đổi, lĩnh hội công việc chuyên môn gặp nhiều khó khăn. 

Riêng tháng 7/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 5 nghìn lao động ở các vị trí quản lý, kỹ sư công nghệ, lao động kỹ thuật. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Siflex Việt Nam, Công ty cổ phần PT Daehan Global Yên Dũng, Công ty Luxshare ICT Quang Châu, Công ty Luxshare ICT Vân Trung, Samsung Display, Khoa học kỹ thuật Hồng Hải.

Đặc biệt, kỹ năng, tay nghề và tác phong lao động công nghiệp của nhiều lao động chưa cao, chưa biết cách làm việc theo nhóm. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, các trường mới đào tạo được số ít lao động. Ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH HANA Micron Vina cho biết: Một trong những khó khăn DN đang gặp phải trong quá trình mở rộng sản xuất là việc tuyển dụng kỹ thuật viên thao tác những thiết bị chính xác cao, máy móc tự động hóa. 

Do vậy, hằng năm, Công ty dành hàng tỷ đồng cho công tác đào tạo nâng cao trình độ và coi đây là yêu cầu bắt buộc. Công ty xây dựng tiêu chí cụ thể về trình độ ở từng vị trí việc làm. Riêng trưởng ca, quản đốc phân xưởng, nhân viên kinh doanh bắt buộc phải thông thạo tiếng Anh, vi tính.

Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục chủ động xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, giáo dục sâu về quan hệ lao động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho học sinh, sinh viên. 

Trong đó thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, bảo đảm giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo. Ngoài đào tạo, nâng cao trình độ giáo viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng cơ chế chính sách thu hút chuyên gia kỹ thuật tại các DN tham gia giảng dạy.

Dự báo trong những tháng cuối năm 2022, nhu cầu lao động tiếp tục tăng, đặc biệt là những nhóm ngành nghề như: Điện tử công nghiệp, công nghệ kỹ thuật, thiết kế thời trang, công nghệ ô tô. Để đón nhận cơ hội, người lao động cần trau dồi tay nghề, trang bị tốt kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. DN tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có tay nghề với các trường nghề .

Bài, ảnh: Minh Thu

Huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(BGĐT) - Ngày 7/7, đoàn công tác của T.Ư do đồng chí Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW (gọi tắt là Chỉ thị 19), ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)”. 
Tìm giải pháp căn cơ nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho thanh niên
Ngày 30/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
Làm tốt công tác dự báo, liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường
(BGĐT) - Sáng 17/3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2020 - 2022 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). 
Đào tạo nghề theo cơ chế đặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
(BGĐT) - Chiều 16/2, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...