Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghĩa tình, trách nhiệm với người có công

Cập nhật: 15:07 ngày 27/07/2022
(BGĐT) -  Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương thời bom đạn vẫn còn hiện hữu.  Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”,  các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang lựa chọn, tổ chức nhiều hoạt động tri ân thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. 

Thiết thực tri ân

Mẹ liệt sĩ Đồng Thị Phượng (SN 1925), thôn Bằng, xã Nghĩa Hoà (Lạng Giang) có ba người con trai đều xung phong lên đường nhập ngũ khi tuổi vừa đôi mươi. Người con cả của mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Cử (SN 1951) đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường miền Nam. Để động viên mẹ, từ nhiều năm nay, tuổi trẻ xã Nghĩa Hòa nhận chăm lo nhà cửa, khoảnh sân, góc vườn cho mẹ Phượng.

{keywords}

Đại diện chính quyền xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) và đoàn viên thanh niên thăm hỏi bà Đồng Thị Phượng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Cử.

Trực tiếp cùng đoàn viên thanh niên tu sửa, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Đồng Văn Thuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Hòa cho biết: “Ngoài thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi người có công (NCC), xã còn tích cực vận động, kêu gọi các nguồn xã hội hóa, dành kinh phí hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn. 

Hằng năm, Đảng ủy phân công nhiệm vụ cho các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt hoàn cảnh các gia đình chính sách, đề xuất phần việc tri ân phù hợp. Năm nay, xã vận động được các đơn vị tài trợ trao tặng hơn 200 suất quà cho 100% gia đình chính sách trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng".

Từ năm 2020 đến nay, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty cổ phần Vĩnh Phát BG (TP Bắc Giang) dành hơn 2 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo NCC. Năm nay, ngoài hỗ trợ tu sửa nghĩa trang, xây nhà tình nghĩa, doanh nghiệp tặng 1 nghìn suất quà (tổng trị giá 500 triệu đồng) cho thương binh, bệnh binh, nạn nhân da cam, thân nhân liệt sĩ ở 10 huyện, TP. 

Trực tiếp nhận món quà của nhà tài trợ trao đúng dịp 27/7, thương binh nặng Hà Văn Dùng, xã Biển Động (Lục Ngạn) chia sẻ: “Tôi và gia đình rất cảm động vì không chỉ dịp này mà vào ngày lễ, tết, khi gia đình có việc hay lúc tôi đau ốm, đại diện lãnh đạo địa phương, đoàn thể đều quan tâm, đến thăm hỏi, giúp đỡ”.

Những ngày tháng 7 nghĩa tình, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động tri ân thiết thực. Mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đều chọn một phần việc chăm lo NCC cụ thể, phù hợp. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh chăm sóc phần mộ, làm đẹp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ; thăm hỏi, động viên gia đình chính sách. Các cơ quan, sở, ngành chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Một số nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở.

Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Trong các cuộc kháng chiến, Bắc Giang là một trong những địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh có hơn 21 nghìn liệt sĩ, hơn 15 nghìn thương binh, hơn 7,5 nghìn người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học. 

{keywords}

Các đơn vị y tế tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NCC trên địa bàn TP Bắc Giang.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm, nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi với thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. 

Các chế độ, chính sách ưu đãi với NCC thực hiện đầy đủ, kịp thời như: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho gần 25,8 nghìn thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng… Mỗi năm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp quyên góp được 2 tỷ đồng, ưu tiên kinh phí tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa… cho gia đình chính sách khó khăn.

Trong các cuộc kháng chiến, Bắc Giang là một trong những địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Toàn tỉnh có hơn 21 nghìn liệt sĩ, hơn 15 nghìn thương binh, hơn 7,5 nghìn người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo cho 44 hộ nghèo, 136 hộ cận nghèo là NCC, giao cho các huyện liên quan tập trung triển khai, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong công tác giảm nghèo năm 2022. 

Để hoàn thành mục tiêu này, hiện ngành lao động đang chủ động phối hợp với các huyện, TP tổ chức rà soát, điều tra tình hình đời sống để có biện pháp phù hợp giúp đỡ các hộ NCC.

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cùng với chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, NCC và thân nhân của họ, các cấp, các ngành không ngừng cố gắng, tìm cách tháo gỡ khó khăn để giải quyết đối với các hồ sơ còn tồn đọng. Toàn tỉnh vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Đặc biệt, có 153 trường hợp chưa được công nhận là liệt sĩ do vướng mắc về giấy tờ theo quy định. 

Đây là trăn trở của các cán bộ làm công tác NCC đồng thời là nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương. Để sớm giải quyết các hồ sơ NCC còn tồn đọng, ngành tập trung tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. 

Trong quá trình giải quyết, Sở chủ động, tích cực phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu từng hồ sơ, tài liệu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xác minh, kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn tháo gỡ. 

Mới đây, toàn tỉnh đã có 26 trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, công nhận là liệt sĩ sau nhiều năm vướng mắc về thủ tục. Đây là phần thưởng cao quý, phần nào bù đắp những mất mát, hy sinh của NCC và thân nhân của họ.

Bắc Giang được biết đến là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi khởi nguồn của nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Đến nay các phong trào vẫn được duy trì sâu rộng và triển khai với nhiều hình thức, phù hợp tình hình thực tế. 

Để duy trì kết quả này, thời gian tới, ngành lao động, thương binh và xã hội tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, đặc biệt là những quy định mới về công tác NCC; huy động xã hội hóa từ nhiều nguồn và kêu gọi xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác chăm lo NCC, mãi mãi tri ân những người đi trước.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Tuổi trẻ tri ân người có công
(BGĐT) -  Cùng với toàn dân, tháng Bảy là dịp tuổi trẻ trong tỉnh Bắc Giang phát huy tinh thần xung kích, đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn bằng những phần việc ý nghĩa.
Phụ nữ Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động tri ân người có công
(BGĐT) - Cùng với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, địa phương, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), hội phụ nữ các cấp trong tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động tri ân gia đình chính sách, người có công.
Kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng 26/7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong Công an nhân dân giai đoạn 2017-2022. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng
Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân đã thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...