Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thanh toán trực tuyến, hướng tới công dân số

Cập nhật: 07:51 ngày 05/08/2022
(BGĐT) - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hiện đã phổ biến trong đời sống xã hội. Tại Bắc Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để nâng tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng hình thức thanh toán này; thúc đẩy hình thành công dân số, xã hội số.

Đa dạng sản phẩm, dịch vụ thanh toán

Sau khi chọn mua một số hàng hóa ở Siêu thị GO! (TP Bắc Giang), chị Lê Thị Thu Trang rút thẻ ATM đưa cho nhân viên thu ngân để thanh toán. Việc này đã trở thành thói quen của chị trong mấy năm gần đây vì sự an toàn, thuận tiện. “Sử dụng dịch vụ này tôi không cần rút nhiều tiền mặt. Ngoài ra, các ngân hàng, ví điện tử có nhiều ưu đãi như hoàn tiền, giảm giá, tặng phiếu bốc thăm trúng trưởng để thu hút người dùng”, chị Trang cho hay. 

{keywords}

Khách hàng TTKDTM tại Siêu thị GO! (TP Bắc Giang).

Bà Dương Vân Nga, Giám đốc Siêu thị GO! Bắc Giang cho biết, đơn vị đã bố trí 22 POS quẹt thẻ (hỗ trợ thanh toán tiền hóa đơn/dịch vụ hàng hóa bằng thẻ ATM) tại các quầy thu ngân. Khách hàng cũng có thể thanh toán bằng ví điện tử như momo, zalopay, internet banking hoặc các hình thức trực tuyến khác. Tỷ lệ giao dịch, TTKDTM tại siêu thị tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Không chỉ các hệ thống siêu thị mà tại nhiều cửa hàng thời trang, tạp hóa thậm chí là các chợ truyền thống cũng có nhiều chủ cửa hàng chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng, máy POS… Nhờ vậy việc mua bán nhanh chóng, tiện lợi hơn; việc quản lý doanh thu hằng ngày cũng dễ dàng, chính xác. 

Anh Nguyễn Đình Đức, chủ cửa hàng quần áo Teen 1998 tại thị trấn Vôi (Lạng Giang) chia sẻ: “Sau khi khách mua hàng, tôi xuất hóa đơn. Khách chỉ cần quét mã QR trên đó thì các thông tin về tài khoản của tôi, số tiền khách phải thanh toán đều hiện sẵn nên các thao tác rất nhanh lại tránh nhầm lẫn”. Cũng theo anh Đức, khách sử dụng giao dịch chủ yếu là cán bộ, công chức, công nhân và sinh viên.

Hiện nay việc TTKDTM cũng được người dân sử dụng khi thực hiện các dịch vụ công như: Nộp thuế; đóng tiền điện, nước, học phí, viện phí, giải quyết thủ tục hành chính... 6 tháng đầu năm 2022, tổng số tiền thanh toán trực tuyến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt gần 23,8 tỷ đồng; tổng số tiền bệnh nhân thanh toán qua mã QR, qua máy POS, chuyển khoản tại các cơ sở y tế trong tỉnh là khoảng 5 tỷ đồng.

Ngày 16/2/2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, ngân hàng đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể với nhiều nội dung. 

Trọng tâm là phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, bảo đảm thuận tiện, an toàn, bảo mật cho người sử dụng. Tăng cường ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích thanh toán trên thiết bị di động như: Qua QR code, mã hóa thông tin thẻ, di động, ví điện tử. Đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn tỷ đồng TTKDTM, tăng so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh truyền thông, mở rộng đối tượng

Hiện nay, nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ thanh toán đã mở rộng dịch vụ ngân hàng số đến công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Cùng đó phát triển các giải pháp khuyến khích TTKDTM ở khu vực nông thôn. Mới đây, Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Việt Yên triển khai mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại chợ Nếnh (thị trấn Nếnh). 

Ông Trần Anh Hoàng, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Thực hiện chương trình chuyển đổi số, ngân hàng cung cấp phương thức thanh toán hiện đại cho các tiểu thương trong chợ như: Emobile Banking, SMS banking, ATM... với các giao dịch chuyển/nhận tiền hoàn toàn miễn phí. Cùng đó cung cấp mã VietQR, chấp nhận thanh toán đối với tất cả các ngân hàng; hướng dẫn người dân cách sử dụng. 

Hiện đã có gần 40 hộ kinh doanh trong chợ Nếnh đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong tháng 8 này, đơn vị sẽ phối hợp với Huyện đoàn mở rộng mô hình đến 3 chợ lớn trên địa bàn huyện là: Chợ thị trấn Bích Động, chợ Lai (xã Nghĩa Trung) và chợ Chàng (xã Việt Tiến)”.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%.

Mới đây, Huyện đoàn Lạng Giang phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Lạng Giang, Bắc Giang II tổ chức ra mắt “Khu dân cư không dùng tiền mặt” tại tất cả các thôn, tổ dân phố của xã: Nghĩa Hòa, An Hà và thị trấn Kép. 

Còn tại xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), cuối tháng 7 vừa qua, Đoàn xã thí điểm mô hình “Mừng cưới không dùng tiền mặt” trong đám cưới anh Nguyễn Văn Thuận (Phó Bí thư Đoàn xã). 

Đoàn xã in và đặt mã QR tài khoản ngân hàng của chú rể tại cổng và bàn mừng cưới, đồng thời hướng dẫn khách mời chuyển tiền mừng thay vì dùng tiền mặt.

Để thúc đẩy người dân TTKDTM, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Giang triển khai chương trình khuyến mại “Thanh toán dịch vụ công - Thuận tiện dễ dàng - Trúng ngàn quà tặng”, quay số trúng thưởng cho các khách hàng là công dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và TTKDTM tại bộ phận một cửa các cấp.

Theo ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, song song với việc cung ứng các nền tảng, giải pháp của ngân hàng, đơn vị dịch vụ; các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn sử dụng với những nhóm đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở các doanh nghiệp, các tiểu thương tại trung tâm các xã, phường, thị trấn. 

Các ngân hàng thương mại tăng cường hướng dẫn TTKDTM, thanh toán điện tử, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn hợp lý; nâng cao nhận thức của khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Giao dịch không tiền mặt
(BGĐT) -  Chỉ cần dùng điện thoại thông minh, mở tài khoản và cài đặt tính năng chuyển tiền qua tài khoản của ngân hàng, chúng ta đều có thể thanh toán mọi loại phí và giao dịch không cần đến tiền mặt. Ngày càng có nhiều người sử dụng phương thức thanh toán này bởi sự an toàn, nhanh chóng và thuận tiện.
Ra mắt mô hình "Chợ dân sinh không dùng tiền mặt" tại thị trấn Nếnh (Việt Yên)
(BGĐT) - Sáng 24/7, Huyện đoàn Việt Yên (Bắc Giang), Agribank chi nhánh huyện Việt Yên phối hợp tổ chức ra mắt mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại chợ Nếnh, thị trấn Nếnh. Đây là mô hình đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện Việt Yên. 
Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang: Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
(BGĐT) - Ngày 19/7, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Danh Song, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang thông tin, đơn vị đã triển khai hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Ra mắt mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt”
(BGĐT) - Để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang phối hợp với Thành đoàn Bắc Giang vừa tổ chức ra mắt mô hình điểm “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại chợ Hà Vị, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...