Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Bắc Giang: Làm chặt từ cơ sở

Cập nhật: 09:16 ngày 09/11/2022
(BGĐT) - Ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao cho công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Yêu cầu đặt ra trong quá trình rà soát là bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng nhằm đánh giá đúng thực trạng, làm cơ sở để tỉnh ban hành các chính sách giảm nghèo bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

Đánh giá thực chất, sát đối tượng

Từ ngày 29/8, toàn tỉnh triển khai Kế hoạch 4197 của UBND tỉnh về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022. Việc rà soát được thực hiện theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 07 và 02 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sửa đổi một số nội dung Thông tư số 07 về hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.

{keywords}

Cán bộ LĐTBXH xã Liên Chung (Tân Yên) và đại diện ban rà soát thôn Hậu rà soát, chấm điểm hộ nghèo tại gia đình anh Nguyễn Văn Thủy.

Bám sát phương châm công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân, ngay khi Chính phủ, Bộ LĐTBXH chỉ đạo, Sở LĐTBXH- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (gọi tắt là BCĐ) tỉnh đã tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cấp tỉnh cho gần 600 cán bộ chủ chốt; đôn đốc 10 huyện, TP phổ biến, hướng dẫn quy trình cho hơn 12,1 nghìn thành viên BCĐ cấp xã, điều tra viên cơ sở. 

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH), Tổ trưởng tổ giúp việc BCĐ tỉnh cho biết, BCĐ tỉnh nhắc nhở các địa phương phải bám sát quy trình, không chạy theo thành tích (giảm nghèo nhanh) mà bỏ sót đối tượng hoặc để lọt trường hợp không đủ điều kiện nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ.

Tại huyện Lục Ngạn, đến nay 100% (322) thôn, khu phố hoàn thành họp dân, thống nhất kết quả rà soát, niêm yết danh sách, thông báo công khai kết quả; 67/322 (chiếm 20,8%) thôn, khu phố đã báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND huyện. Kết quả sơ bộ, toàn huyện còn hơn 2,8 nghìn hộ nghèo, chiếm 5,03% (giảm 1,64% so với năm 2021); cận nghèo gần 3,3 nghìn hộ, chiếm 5,84% (giảm 0,85%). 

Qua rà soát, vẫn còn hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên tìm cách tách hộ, giấu tài sản, không tự nguyện kê khai... để có tên trong danh sách hộ nghèo. “Dù không nhiều nhưng nếu trong quá trình rà soát để lọt một trường hợp như vậy sẽ gây tác động xấu, làm mất niềm tin trong nhân dân. 

Chính vì vậy, ở bước thu thập thông tin, BCĐ huyện quán triệt các điều tra viên không chỉ nghe gia đình cung cấp mà còn quan sát, thậm chí tìm hiểu thêm từ những hộ lân cận để việc điền thông tin vào phiếu rà soát phản ánh đúng tình hình của hộ theo tiêu chí, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng”, ông Vũ Trí Bằng, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện cho biết.

Lường trước những khó khăn sẽ phát sinh trong quá trình điều tra (địa bàn rộng, nhiều thành viên ban rà soát lần đầu thực hiện nhiệm vụ, phương pháp rà soát có thay đổi) nên khi triển khai, BCĐ huyện Yên Thế thành lập 5 tổ giám sát, giúp việc, kịp thời nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các thành viên BCĐ phụ trách địa bàn thường xuyên đi kiểm tra, thiết lập đường dây nóng ở từng cấp để trực tiếp giải đáp, tư vấn cho điều tra viên và người dân khi có thắc mắc.

Tuyên truyền, giám sát, tạo đồng thuận trong nhân dân

Gia đình anh Nguyễn Thế Thủy (SN 1978), thôn Hậu, xã Liên Chung (Tân Yên) là hộ nghèo phát sinh mới trên địa bàn sau rà soát sơ bộ. Hoàn cảnh gia đình anh thực sự khó khăn khi cả hai vợ chồng đều bị bệnh thường xuyên phải đi viện, chi phí điều trị tốn kém. Mẹ anh đã hơn 80 tuổi, con trai lớn đi bộ đội, con nhỏ đang học phổ thông. 

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho hay, rà soát sơ bộ toàn xã có 7 trường hợp như gia đình anh Thủy. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới phát sinh nghèo do gia đình có thành viên gặp tai nạn đột xuất, đau ốm dài ngày, không còn khả năng lao động, tài sản đã bán hết để chữa bệnh. 

Hộ nghèo được xác định là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở khu vực nông thôn, từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị và thiếu hụt từ 3 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo được xác định có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng như hộ nghèo và thiếu hụt từ 3 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản trở xuống. Các tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở, việc làm.

Nắm bắt thực tế rà soát từ những năm trước, người dân thường có ý kiến về những hộ nghèo phát sinh mới nên ngoài tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, BCĐ xã chủ động nắm dư luận sau khi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được niêm yết công khai. 

Từ đó, chỉ đạo ban điều tra thôn trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc để người dân đồng tình. Nhờ vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn xã không phát sinh đơn thư khiếu nại về công tác rà soát.

Theo kết quả sơ bộ, toàn huyện Lạng Giang có hơn 1,3 nghìn hộ thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo 3,31% (giảm 1,14% so với năm 2021); hộ cận nghèo chiếm 3,12% (giảm 0,2%), vượt mục tiêu theo kế hoạch năm 2022. 

Thực tế ở các xã, thị trấn, có không ít trường hợp gặp khó khăn đột xuất, thu nhập dưới mức chuẩn nhưng xét mức độ thiếu hụt tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản thì lại không đủ điều kiện đưa vào danh sách hộ nghèo. 

Ông Nguyễn Ngọc Phượng, trưởng thôn Trằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), thành viên ban rà soát thôn chia sẻ: “Các hộ dân xung quanh đều nhất trí đưa những trường hợp này vào danh sách hộ nghèo, giúp họ có thêm điều kiện chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải làm đúng quy định, không để phát sinh khiếu kiện sau này”.

Theo kế hoạch của BCĐ tỉnh, trước ngày 14/12 sẽ công bố số liệu rà soát. Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH, Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ tỉnh cho biết, cơ bản các huyện, TP thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra, không phát sinh khiếu kiện. Tuy nhiên, để không bỏ sót cũng như xác định sai đối tượng, BCĐ các huyện, TP tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chỉ đạo, triển khai các bước còn lại, bảo đảm đúng quy trình; thực hiện nghiêm việc phúc tra kết quả rà soát. 

Các địa phương phát huy vai trò của MTTQ trong giám sát, nắm dư luận nhân dân, kịp thời kiến nghị xử lý nếu phát hiện vi phạm. Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngành LĐTBXH chủ động phối hợp với đơn vị liên quan huy động các nguồn xã hội hóa trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trường hợp gặp tai nạn, rủi ro đột xuất nhưng không đủ điều kiện hưởng chính sách hộ nghèo.

Bài, ảnh: Tường Vi

Trao nhà "Nhân ái" cho hộ nghèo huyện Lục Nam
(BGĐT) - Sáng 16/9, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang) tổ chức khánh thành, bàn giao nhà "Nhân ái” cho hộ nghèo huyện Lục Nam.
Agribank chi nhánh Bắc Giang II trao hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
(BDĐT) - Sáng 4/10, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) chi nhánh Bắc Giang II phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Tiên Lục (Lạng Giang) tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho hai hộ nghèo trên địa bàn xã. 
Hiệp Hòa: 2,25 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà “Đại đoàn kết”
(BGĐT)-Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã bàn giao 85 ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ 2,25 tỷ đồng, là một trong những địa phương của tỉnh làm tốt công tác này.
Trao kinh phí hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo huyện Lục Ngạn
(BGĐT) - Ngày 30/8, đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn (Bắc Giang) cùng lãnh đạo Uỷ ban MTTQ huyện đã đến trao số tiền 100 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho bà Vi Thị Nhâm (SN 1972), thôn Chả, xã Phong Vân.
Lục Ngạn: Hơn 17 nghìn lượt hộ nghèo, chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi
(BGĐT) - Chiều 8/8, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ.
Từ 15/8/2022: Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây nhà mới đến 40 triệu đồng/hộ
Từ ngày 15/8/2022, Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với UBND cấp xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương.    
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...