Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làng xuất ngoại xây dựng nông thôn mới ở Lục Nam

Cập nhật: 20:06 ngày 10/12/2022
(BGĐT) - Lục Nam là một trong các địa phương thuộc tốp đầu của tỉnh Bắc Giang về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nguồn ngoại tệ gửi về giúp nhiều gia đình có cuộc sống tốt hơn, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những làng biệt thự

Trở lại thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, chúng tôi ngỡ ngàng khi ngôi làng nhỏ xưa giờ đẹp như phố, những ngôi nhà cao tầng kiến trúc đẹp, kiểu cách nổi bật giữa miền quê. Xe máy, ô tô bon bon chạy trên trục đường bê tông uốn quanh. 

Ông Phạm Quý Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn cho biết: “Cả thôn có 167 hộ thì gần 100 hộ có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhà ít thì một người, nhiều thì hai hoặc ba người cùng làm việc ở nước ngoài theo chương trình hợp tác. Những hộ nghèo, cận nghèo nay đã vươn lên, có đời sống tốt nhờ chăm chỉ lao động. Nông thôn bây giờ khác xưa nhiều lắm, nhờ nguồn tiền nước ngoài gửi về nhiều hộ xây nhà mới, mua ô tô, xe máy đẹp, đồ đạc tiện nghi đắt tiền. Đời sống đổi thay, bà con có điều kiện hưởng ứng các phong trào xây dựng NTM”.

Đến nay 100% đường giao thông trong thôn được cứng hóa (hơn 4,5 km), trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại 70% do nhân dân đóng góp. Từ năm 2013, khi thực hiện chủ trương về làm đường giao thông, Ban Công tác mặt trận thôn tuyên truyền, vận động bà con đóng góp được 760 triệu đồng cứng hóa gần 1 km đường (bình quân mỗi khẩu 760 nghìn đồng). Số tiền không hề nhỏ nhưng chỉ trong hơn một tháng triển khai vận động đã nhận được sự ủng hộ của toàn dân. Các hoạt động như: Xây dựng đường nội đồng, vệ sinh môi trường, thắp sáng đường quê cũng được nhân dân tích cực đóng góp tiền và hiện vật, ngày công. Năm 2020, thôn Đoàn Tùng về đích NTM, sớm hơn kế hoạch 1 năm.

{keywords}

Diện mạo thôn Lương Ban, xã Đông Phú đổi mới nhờ nguồn tài chính từ lao động ở nước ngoài gửi về.

Không riêng ở thôn Đoàn Tùng, về Lục Nam có nhiều làng xuất ngoại trù phú như: Thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị; thôn Lương Ban, xã Đông Phú; tổ dân phố Nhiêu Thị, thị trấn Đồi Ngô. Cùng với sự đổi thay của mỗi gia đình có người đi XKLĐ, tại các địa phương có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bức tranh nông thôn cũng khởi sắc. Toàn huyện có 3 xã là Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng đạt tiêu chí NTM nâng cao đều là địa bàn có phong trào XKLĐ phát triển mạnh. Với 20/23 xã NTM, 14 thôn kiểu mẫu; huyện đang hoàn thiện hồ sơ để về đích huyện NTM vào quý I năm 2023.

Hỗ trợ xuất khẩu lao động, tạo nguồn lực lớn

Năm nay, xã Tam Dị có thêm 51 người đi XKLĐ, nâng tổng số người dân của địa phương sống và làm việc ở nước ngoài lên hơn 1,8 nghìn lao động. Ông Nguyễn Hữu Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Địa phương có nhiều người trong độ tuổi lao động. UBND xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp (DN) XKLĐ tổ chức tuyên truyền giúp lao động hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số hiểu chính sách, xác định rõ đây là “kênh” xóa nghèo hiệu quả bởi số ngoại tệ lao động gửi về cao gấp nhiều lần so với lao động thuần nông tại quê nhà”. 

Cách đây 8 năm, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành, thôn Thanh Giã được bố mẹ cho ở riêng. Lúc này, tài sản trong nhà không có gì đáng giá, anh Thành đăng ký học ngoại ngữ rồi vay vốn, tham gia chương trình XKLĐ tại Hàn Quốc. Do chăm chỉ làm lụng, chấp hành tốt pháp luật, anh về nước đúng hạn. Số tiền tiết kiệm vừa đủ để giúp gia đình trang trải khoản nợ ban đầu khi làm thủ tục xuất cảnh, xây nhà khang trang, mở cửa hàng tạp hóa cho vợ kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, còn anh làm phiên dịch cho chủ DN tại Khu công nghiệp Đình Trám, mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng. Được biết, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nước đều vận dụng kiến thức, kỹ năng, vốn ngôn ngữ phục vụ công việc mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Toàn huyện Lục Nam có 3 xã là Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng đạt tiêu chí NTM nâng cao đều là địa bàn có phong trào XKLĐ phát triển sớm và mạnh.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, mặc dù nửa đầu năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thủ tục pháp lý nên năm 2022, toàn huyện có 5.407 lao động được giải quyết việc làm. Trong đó, XKLĐ là 548 người, đạt 101,5% kế hoạch. Bên cạnh các thị trường truyền thống (Đài Loan, Malaysia), UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung khai thác, giữ vững các thị trường cho thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, Lục Nam có khoảng 7,2 nghìn lao động đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, thu nhập bình quân từ 15 - 35 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Phạm Hùng Sơn, Phó trưởng Phòng LĐTBXH cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ song ước tính số tiền lao động từ nước ngoài gửi về địa phương qua hệ thống ngân hàng và người thân hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Mỗi gia đình có một người đi XKLĐ là có cơ hội thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến hết năm 2022, Lục Nam chỉ còn 2.532 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,17%.

{keywords}

Nhân viên Văn phòng số 1 thuộc Công ty cổ phần nguồn nhân lực Worklink, thị trấn Đồi Ngô tư vấn việc làm cho người dân có nhu cầu đi XKLĐ.

Để kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú trái phép, UBND huyện đã chỉ đạo xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân kêu gọi người thân về nước; yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc với trường hợp lao động xuất cảnh mới. Tại các xã có nhiều lao động đang làm việc tại Hàn Quốc như: Tam Dị, Chu Điện... đã thành lập tổ vận động trực tiếp đến từng hộ vận động, phân tích để các gia đình có con em sắp hết hạn hợp đồng động viên người thân về nước đúng hạn.

Ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, huyện chỉ đạo phòng LĐTBXH tập trung tuyên truyền các chính sách ưu đãi về XKLĐ; khảo sát nhu cầu việc làm của lao động để phối hợp với DN XKLĐ tổ chức tư vấn giúp người dân lựa chọn công việc phù hợp theo lứa tuổi, trình độ. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh để các DN trong lĩnh vực XKLĐ hoạt động đúng quy định. Về phía người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn các DN được cấp phép để tránh những rủi ro về tài chính, cam kết chấp hành nghiêm quy định, về nước đúng hạn để giải quyết việc làm bền vững cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: Hải Vân

Phục hồi xuất khẩu lao động sau đại dịch Covid-19
(BGĐT) - Từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã khởi sắc trở lại. Tín hiệu tích cực này góp phần giải quyết việc làm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Được vay vốn 100 triệu đồng để ký quỹ xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Ngày 8/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về việc ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Xuất khẩu lao động: Từng bước phục hồi
(BGĐT) - Hai năm vừa qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các địa phương, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực khôi phục. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...