(BGĐT)-Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển mới, đây là những tín hiệu tích cực của thị trường lao động.
Khoảng 95% công nhân trở lại làm việc
Hiện nay, trong 6 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có 403 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 175 nghìn lao động, trong đó số công nhân ngoại tỉnh khoảng 56 nghìn người. Sau Tết, theo thống kê của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, đến ngày 30/1 đạt khoảng 95% số lao động trở lại làm việc. Một số DN có lao động đến làm việc sau Tết đạt gần 100% như: Công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam (KCN Đình Trám), Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu), Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng).
 |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. |
Tại Công ty TNHH GU VINA (KCN Đình Trám) từ ngày 27/1, không khí làm việc khẩn trương ở hầu hết các bộ phận, dây chuyền sản xuất. Đại diện bộ phận nhân sự Công ty cho biết, 500 công nhân (đạt gần 100% số lao động ổn định trước Tết) đã trở lại nhà máy ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Để động viên tinh thần người lao động (NLĐ) trong năm mới, ban lãnh đạo công ty đã bố trí cho công nhân nghỉ một giờ làm việc đầu buổi sáng để gặp mặt, lì xì đầu xuân cho từng công nhân. Số ít người vắng mặt vì lý do quê xa, bận việc gia đình đều có thông báo với bộ phận nhân sự.
Qua rà soát của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, dịp Tết năm nay, có 13 DN bố trí cho gần 4,1 nghìn lao động làm việc xuyên Tết. Trong đó, Công ty TNHH JA Solar Việt Nam (KCN Quang Châu) có thêm các đơn hàng mới phải xuất xưởng ngay sau Tết nên DN huy động hơn 1 nghìn công nhân làm việc liên tục trong những ngày nghỉ. Ngoài việc trả lương 300%/người/ngày (ca ngày) và 390%/người/ngày (ca đêm) theo quy định, để khuyến khích NLĐ, mỗi người làm việc thông Tết còn được thưởng thêm 400 nghìn đồng/ngày; nếu làm đủ 2 ngày trở lên được thưởng thêm 300 nghìn đồng/người. Trong ngày đầu tiên làm việc, công nhân đến DN khá đông đủ và bắt tay ngay vào việc. Không xảy ra thiếu hụt lao động sau Tết đã giúp DN có khởi đầu thuận lợi, thực hiện sớm những kế hoạch sản xuất trong năm mới.
Đãi ngộ tốt để giữ chân, tuyển mới lao động
Từ cuối năm 2022 đến tháng 1/2023, tình hình sản xuất của nhiều DN trong KCN gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, nhất là các DN gia công linh kiện điện tử, may mặc.
 |
Năm nay, nhằm kết nối, hỗ trợ DN tuyển dụng, phiên khai xuân sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sớm vào ngày 9/2, kết nối 6 tỉnh, TP lân cận. |
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, thời điểm trước Tết Nguyên đán, có khoảng 45/403 đơn vị phải cắt giảm lao động hoặc giảm thời gian làm việc (không làm việc thứ 7), tổ chức làm việc luân phiên, không tăng ca. Tuy khó khăn nhưng nhờ những chính sách chăm lo phù hợp, thiết thực với NLĐ, tình hình quan hệ lao động tại các DN tương đối ổn định, chưa có DN nào để xảy ra ngừng việc tập thể liên quan đến nợ lương, thưởng Tết.
Điển hình như tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu), trải qua 2 năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, DN và tổ chức công đoàn vẫn luôn đồng hành, bảo đảm việc làm, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng cho gần 6 nghìn lao động. Ngoài mức lương tối thiểu vùng cao hơn so với quy định, trong tháng, mỗi công nhân còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp như: Thâm niên, thưởng năng suất, hỗ trợ con nhỏ, xăng xe, nhà ở, tiền ăn ca… Chị Bế Thị Hợi (SN 1984) chia sẻ: “Hằng tháng trả lương đầy đủ, Công ty còn thưởng Tết 6 triệu đồng, có quà của công đoàn, được liên hoan tất niên. Những năm gần đây, đa số anh chị em công nhân đều yên tâm gắn bó, trở lại làm việc đúng thời gian quy định”.
|
Thông tin từ Phòng Tư vấn, giới thiệu, dự báo việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), trong quý I, toàn tỉnh có 84 DN đăng ký tuyển lao động với tổng nhu cầu gần 28 nghìn người, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, sản xuất nhựa, may mặc. |
|
Thông tin từ Phòng Tư vấn, giới thiệu, dự báo việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh), trong quý I/2023, toàn tỉnh có 84 DN đăng ký với tổng nhu cầu tuyển gần 28 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, sản xuất nhựa, may mặc. Một số DN có nhu cầu tuyển lớn như: Công ty TNHH Newwing Interconect Technology, KCN Vân Trung (10 nghìn người); Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, KCN Quang Châu (8 nghìn người); Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG, TP Bắc Giang (1 nghìn người). Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hầu hết các DN có nhu cầu tuyển mới lao động là do mở rộng quy mô sản xuất. Với sự cạnh tranh lao động hiện nay, bên cạnh việc giữ chân nhân lực hiện có, DN muốn tuyển đủ số công nhân theo nhu cầu thì cần có chính sách đãi ngộ tốt.
Như tại Công ty TNHH Hana Micron Vina, KCN Vân Trung đang có nhu cầu tuyển hơn 2 nghìn công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất của dây chuyền mới. Anh Phan Thanh Long, Phụ trách nhân sự Công ty cho biết, số lao động cần tuyển chủ yếu là trình độ phổ thông, yêu cầu về độ tuổi được mở rộng (từ 18-45 tuổi), có sức khoẻ, nhanh nhẹn. Trước khi ký hợp đồng, công nhân được đào tạo, thử việc ngay trên dây chuyền trong 6 ngày, hưởng 100% lương. Hiện nay, lao động làm việc tại DN có thu nhập bình quân từ 9-11 triệu đồng/người/tháng. “Để tuyển đủ công nhân cho dây chuyền sản xuất mới, ngoài đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trang facebook của Công ty, chúng tôi còn khuyến khích, thưởng 500 nghìn đồng nếu NLĐ của DN kêu gọi được người thân, bạn bè đến ứng tuyển”, anh Long cho biết.
Theo rà soát, dự báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý I, sẽ có 6 DN dự kiến cắt giảm khoảng 3,8 nghìn lao động do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu và cắt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, dù gặp khó khăn song kể cả hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc trả lương, thưởng Tết, hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới… vẫn được DN duy trì. Điều này đã động viên tinh thần NLĐ, giúp họ yên tâm gắn bó.
Hiện ngành Lao động tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Các KCN tỉnh, ngành chức năng bám sát tình hình, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại DN; làm tốt công tác dự báo tình hình sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng kênh kết nối cung - cầu, hỗ trợ DN tuyển nhân lực.
Bài, ảnh: Mỹ Bình - Tường Vi
Bắc Giang: Gần 4,1 nghìn lao động làm việc xuyên Tết(BGĐT) - Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, đến chiều ngày 5 Tết (tức 26/1), trong các KCN: Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Hòa Phú, Việt Hàn có 35 doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại.
Bắc Giang: Nỗ lực duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động(BGĐT) - Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng một “cơn bão” khác là hệ quả của khủng hoảng kinh tế lại khiến hàng nghìn lao động đứng trước tình cảnh giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm khi Tết đã cận kề. Trước những khó khăn đó, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong tỉnh Bắc Giang vẫn đồng lòng, nỗ lực duy trì sản xuất để bảo đảm đời sống.