Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng cao nhận thức về bệnh nghề nghiệp cho công nhân may

Cập nhật: 13:29 ngày 10/04/2023
(BGĐT) - Lao động dệt may thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư, cải tiến thiết bị, công nghệ, cải thiện môi trường làm việc, song nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) đối với công nhân vẫn rất cao.

Chủ quan trước nguy cơ mắc bệnh

Theo báo cáo của Khoa BNN (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), năm 2023, có 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký với trung tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hơn 31 nghìn lao động. Trong số này, có 20 DN tổ chức khám BNN với 2,3 nghìn người nằm trong nhóm có nguy cơ mắc. Kết quả phát hiện hơn 1 nghìn người mắc bệnh về tai do tiếp xúc tiếng ồn; 795 trường hợp bị viêm phế quản mạn tính; 28 người mắc bụi phổi silic nghề nghiệp. Đây đều là những bệnh lý liên quan tới ngành dệt may. Dù mức độ mắc bệnh ở thể nhẹ nhưng trong môi trường làm việc luôn tiềm ẩn nguy cơ, nếu người lao động (NLĐ) không nâng cao ý thức phòng ngừa thì việc bệnh tiến triển nặng là điều khó tránh.

{keywords}

Công nhân Công ty TNHH Smart Shirts Bắc Giang (KCN Vân Trung) sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, phòng tránh BNN.

Như trường hợp chị Tống Thị V (SN 1989), làm công nhân một công ty chuyên gia công hàng may mặc tại Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám. Vào ca từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, có khi tăng ca đến 19 giờ, chị V gần như ngồi ở bàn may không rời, chỉ dừng tay vào giờ ăn ca và nghỉ giữa ca 15 phút để đứng dậy vận động và giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Sau thời gian dài ngồi máy may liên tục, chị có biểu hiện giãn tĩnh mạch chân và thoát vị đĩa đệm nhẹ, chưa kể đến thường xuyên bị những đợt viêm họng, phế quản kéo dài. Chị V chia sẻ: “Vào làm, tôi cũng như nhiều chị em tập trung để đáp ứng năng suất nên ai cũng chủ quan, không chủ động thay đổi tư thế làm việc. Gần 10 năm liên tục nên giờ mới thấy hậu quả của sự thờ ơ với sức khỏe của mình”.

Còn với chị Hoàng Thu T (SN 1986), ở xã Song Khê (TP Bắc Giang)- công nhân bộ phận cắt tại một DN may trong KCN Song Khê - Nội Hoàng, từ nhiều năm nay chị bị chứng khô, mỏi mắt. Đặc thù công việc phải đứng, căng mắt nhìn liên tục khoảng 4 giờ, ảnh hưởng đến đôi mắt song chị không chủ động đi khám. Theo chị T, công ty có khoảng 700 lao động với 90% là nữ. Hầu hết chị em còn trẻ, đang độ tuổi làm việc sung sức nhất, với lại ở đâu cũng vậy, ngành nghề nào cũng có khó khăn riêng nên mọi người ít quan tâm đến BNN, chỉ khi đau bệnh mới đi khám.

Cải thiện điều kiện làm việc

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7,1 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 302 nghìn người, trong số này, có khoảng 50 nghìn lao động làm việc trong ngành may mặc. Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nhiều năm nay, công tác an toàn, vệ sinh lao động cơ bản được các DN trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, số vụ tai nạn lao động giảm rõ rệt; toàn tỉnh cũng chỉ có 6 trường hợp mắc BNN đang hưởng trợ cấp của nhà nước. Tuy vậy, để duy trì ổn định, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế các nguy cơ mắc BNN, bảo vệ sức khoẻ NLĐ thì các DN cần thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường lao động an toàn.

BNN là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Nguyên nhân là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động chưa bảo đảm. Ngoài sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, công nghiệp, y tế thì dệt may cũng là nghề có nguy cơ mắc BNN cao.

Vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho khoảng 7 nghìn công nhân. Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Qua thăm khám, đơn vị chưa phát hiện trường hợp lao động nào có BNN. Cùng đó, Công ty thường xuyên rà soát các khu vực sản xuất trong nhà máy để bố trí kinh phí cải tạo, bảo đảm nhà xưởng cao ráo, thông thoáng; lắp đặt hệ thống giàn lạnh, quạt thông gió. Với NLĐ, Công ty yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình 5S, mỗi 2 giờ sẽ vệ sinh khu vực làm việc một lần; cấp phát khẩu trang y tế theo nhu cầu của công nhân; trang bị mũ lưới cho bộ phận nhà lông". 

Còn tại Công ty cổ phần MJ - Minh Tiến Vina (Tân Yên), từ năm 2019, Công đoàn Công ty phát động và duy trì tập thể dục giữa giờ cho gần 200 đoàn viên. Để phong trào phát huy hiệu quả, Ban chấp hành Công đoàn tham khảo, lựa chọn một số bài tập đơn giản, sau đó giao cho các bộ phận triển khai tại tổ, xưởng của mình. Sau khi nghe tín hiệu nghỉ giải lao, toàn bộ công nhân rời chỗ làm việc, xếp thành từng hàng dài bên cạnh để thực hiện bài tập thể dục. Những động tác đơn giản nhưng có tác dụng tốt đến sức khỏe, giúp NLĐ giảm bớt mỏi mắt, tay chân, phòng tránh các BNN.

Được biết, theo quy định pháp luật, hằng năm DN phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại; đồng thời, khám sức khoẻ định kỳ, khám BNN (với nhóm lao động có nguy cơ cao). Tuy nhiên, bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa BNN (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho rằng, không phải DN nào cũng quan tâm thực hiện hoặc thực hiện theo kiểu đối phó. 

Cụ thể, năm 2022, trong số 295 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được phân cấp quản lý thì chỉ có 39 cơ sở có tổ chức quan trắc môi trường lao động. Số còn lại có thể phối hợp với đơn vị khác ở ngoài tỉnh kiểm tra nhưng không báo cáo về trung tâm hoặc không thực hiện nghĩa vụ này. Về khám sức khoẻ định kỳ, còn tình trạng DN vì tiết kiệm chi phí mà cố tình lách luật, tổ chức khám mang tính hình thức, khám không hết danh mục bệnh theo quy định. 

Để khắc phục tồn tại nêu trên, trước hết, ngành lao động, y tế, đặc biệt là tổ chức công đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN và NLĐ về BNN, thực hiện nghiêm các quy định về quan trắc môi trường lao động, khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các DN, nhất là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, trong đó có ngành dệt may, để vận động, nhắc nhở lãnh đạo DN thực hiện nghiêm quy định, kịp thời phát hiện và xử lý các DN vi phạm. Về phía NLĐ, cần chủ động trang bị cho mình các kiến thức chăm sóc sức khỏe; chấp hành nghiêm việc sử dụng đồ bảo hộ cá nhân; thường xuyên đề xuất, kiến nghị với DN các giải pháp cải thiện môi trường làm việc, bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của chính mình.

Bài, ảnh: Tường Vi

Phòng ngừa lây nhiễm HIV cho công nhân khu công nghiệp
(BGĐT)- Các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh Bắc Giang có nhiều công nhân ở trọ, địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội. Theo báo cáo của ngành Y tế, số ca nhiễm HIV mới trong những năm gần đây chủ yếu ở người trẻ, nhất là nhóm công nhân lao động.
Bắc Giang: Khi công nhân phấn đấu vào Đảng
(BGĐT) - Trở thành đảng viên là kết quả quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của nhiều công nhân lao động (CNLĐ) trong tỉnh Bắc Giang. Từ những nhân tố điển hình ấy, công tác phát triển tổ chức cơ sở Đảng, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp (DN) đã có những chuyển biến tích cực.
Bắc Giang: Giám sát chất lượng bữa ăn ca công nhân
(BGĐT) - Bữa ăn ca có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động (NLĐ). Tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm nâng cao chất lượng suất ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc tại bếp ăn tập thể. 
Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...