Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng hệ thống các bài thực hành môn Hoá học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm

Cập nhật: 15:14 ngày 24/10/2016
(BGĐT) - Trong tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh không chỉ giới hạn là một tờ báo cáo mà có thể là các sản phẩm công nghệ. Từ thực tế dạy và học, thực hành môn Hóa học, thạc sĩ Đặng Thị Minh Thu, giáo viên Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) nêu ý tưởng: "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các bài thực hành môn Hoá học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm".
{keywords}
Ảnh minh hoạ.

1. Giải trình tính cấp thiết của nội dung ý tưởng cần đề xuất:

Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4/11/2013) Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về "Định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" đã nêu rõ về việc chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. 

Theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 5/8/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố dự thảo về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, một trong những mục tiêu của GDĐT hiện nay là “Lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn - Học phải đi đôi với hành” biết vận dụng một cách chính xác khoa học, làm thế nào để người học thực hiện một quá trình tự giác, tích cực, tự lực chiếm lĩnh kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Quá trình này thành công sẽ đạt được 3 mục tiêu dạy học: Trí dục, phát triển tư duy, giáo dục. 

Hóa học là một môn khoa học thực nghiệm và lý thuyết, yếu tố đặc trưng này chính là kim chỉ nam cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Hóa học. Do đó, phương pháp nhận thức đúng đắn về hóa học là phải dựa trên những kết quả nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với các lý thuyết cơ bản như các định luật, học thuyết. Vì vậy việc sử dụng thí nghiệm trong giảng dạy là một phần không thể thiếu trong dạy và học môn Hóa học. Nhưng hiện nay đang tồn tại một thực tế có rất ít số tiết thực hành Hóa học đối ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 đều là: 6 tiết /70 tiết, chiếm 8,6% tổng số tiết thực học. 

Mặt khác, giáo viên thường áp dụng các hình thức tổ chức một giờ thực hành Hóa học theo phương pháp: Nghiên cứu nội dung thí nghiệm trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi; quan sát hình ảnh, tranh vẽ, mô hình, sơ đồ…; quan sát thí nghiệm do giáo viên biểu diễn… Giờ thực hành hóa học bị xem nhẹ, kết quả thu được chỉ là một tờ giấy tường trình đơn giản.

Đối với quá trình dạy học các môn khoa học tự nhiên, khoa học thực nghiệm, quan sát và thí nghiệm cũng là phương pháp làm việc của học sinh. Nhưng những bài thực hành hóa học được thiết kế theo mô hình định hướng sản phẩm, do chính các em tiến hành một cách độc lập theo cách tự thực hành quan sát, tự thí nghiệm, chủ động thời gian thực hành để tạo ra một sản phẩm chung dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên là vấn đề mới. Xã hội ngày nay đang tồn tại thực tế “thừa thầy, thiếu thợ”, trong khi mấu chốt của sự phát triển và tăng trưởng của xã hội đó là tạo ra sản phẩm thực tiễn. 

“Mô hình định hướng sản phẩm” là mô hình dạy học hướng người học đến việc phải tự tạo ra sản phẩm vật chất bằng tất cả vốn kiến thức, kỹ năng và những tiềm lực vốn có của bản thân. Giáo viên sẽ là người cung cấp kiến thức cơ bản, cung cấp nguồn hóa chất và định hướng, giám sát hoạt động để học sinh chủ động làm việc, có thể tạo ra được một sản phẩm cụ thể. Tiêu chí đánh giá kết quả học tập không chỉ giới hạn là một tờ báo cáo trên giấy mà có thể là các sản phẩm công nghệ mô tả quá trình hoạt động nhóm, các sản phẩm hóa học là kết quả làm việc hoặc có thể là các cuốn tập san, album… Tất cả đều là các sản phẩm cụ thể có thể cầm nắm, quan sát và định lượng được. Kết quả của cả quá trình hoạt động học sinh sẽ thấu hiểu được các vấn đề lí thuyết liên quan.

Những kết quả phân tích trên đây không chỉ cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của thí nghiệm thực hành hóa học mà còn nhấn mạnh đến phương pháp sử dụng các thí nghiệm thực hành hóa học đó như thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu dạy học hiện nay của sự nghiệp giáo dục. Nhận thấy tính cấp thiết của xu thế giáo dục mới, tôi quyết định chọn đề tài "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các bài thực hành môn Hoá học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm".

2. Nội dung ý tưởng:

2.1. Khảo sát và đánh giá thực trạng dạy- học các tiết thực hành Hóa học tại các trường.

2.2. Nghiên cứu cấu trúc của các bài thực hành Hóa học ở trường THPT.

2.3. Xây dựng các bài thực hành Hóa học theo mô hình định hướng sản phẩm.

2.4. Tiến hành áp dụng triển khai vào dạy - học ở một số trường trên địa bàn TP Bắc Giang.

2.5. Khảo sát và thẩm định lại chất lượng dạy và học các tiết thực hành theo mô hình.

3. Phương pháp triển khai thực hiện ý tưởng:

3.1. Phương pháp điều tra và phân tích số liệu: Khảo sát chất lượng dạy - học các giờ thực hành. Đánh giá nhu cầu và mong muốn của học sinh về một giờ học thực hành. Khảo sát cách thức và phương pháp dạy - học một giờ dạy.

3.2. Phương pháp nghiên cứu lí thuyết: Nghiên cứu cấu trúc của các bài thực hành hóa học ở trường THPT. Xác định chuẩn mục tiêu, chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng - thái độ.

3.3. Phương pháp khoa học thực nghiệm: Tiến hành xây dựng các bài thực hành hóa học theo mô hình định hướng sản phẩm bao gồm mô tả chi tiết về nguyên vật liệu, cách thức tiến hành, tiêu chí đánh giá sản phẩm. Xây dựng hệ thống bộ học liệu hỗ trợ cho học sinh về các vấn đề liên quan. Tiến hành áp dụng triển khai vào dạy - học ở một số trường trên địa bàn TP Bắc Giang.

3.4. Phương pháp thẩm định: Khảo sát lại chất lượng dạy và học các tiết thực hành theo mô hình định hướng sản phẩm dựa trên các tiêu chí về chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và thái độ.

4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng của ý tưởng:

- Tài liệu được áp dụng trong toàn tỉnh.

- Đề tài có khả năng duy trì lâu dài và có thể nhân rộng phạm vi áp dụng toàn quốc.

5. Dự kiến hiệu quả (về khoa học, kinh tế và hiệu quả xã hội) của ý tưởng khi triển khai: 

Giải pháp có tính thực tiễn cao nên có khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng, hiệu quả kinh tế xã hội cao, nâng cao chất lượng dạy học môn Hóa học ở các trường phổ thông. Góp phẩn đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy và học trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

 Người đề xuất ý tưởng
                  
 Đặng Thị Minh Thu


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...