Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Dũng >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đánh thức làn điệu dân ca

Cập nhật: 10:16 ngày 23/03/2018
(BGĐT) - Vùng đất Phượng Hoàng - Yên Dũng vốn nổi tiếng với những di sản văn hóa phi vật thể quý báu. Nơi đây đã tổ chức khôi phục và phát huy hiệu quả nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Đó là những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
{keywords}

Tiết mục do các thành viên CLB chèo huyện Yên Dũng biểu diễn.

Đã thành thói quen, cứ vào chiều Chủ nhật hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo Người cao tuổi xã Xuân Phú lại hẹn nhau tại nhà Chủ nhiệm để luyện tập. Chỉ với cây sáo trúc, đàn nhị, thêm vào một chiếc trống chèo nhưng ai nấy đều nhiệt tình, say sưa. Những làn điệu như: Lới lơ, Trúc cẩm hồi văn, Đào liễu, luyện năm cung… cứ thế vang lên theo nhịp đàn, tiếng trống. Với gần 20 thành viên, suốt 10 năm qua, CLB thường xuyên tập luyện, biểu diễn góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Riêng năm 2017, CLB đã tổ chức 17 cuộc giao lưu nhân các ngày lễ, kỷ niệm; tham gia và giành giải B hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện.

Trong khi đó, với 24 thành viên ở các lứa tuổi, CLB chèo thôn Bắc Am, xã Tư Mại đặt ra chỉ tiêu như một đơn vị nghệ thuật: Một năm phải học hát hai hoặc ba làn điệu mới; dàn dựng hai tiểu phẩm. Mỗi dịp tham dự hội diễn hay sự kiện quan trọng đều mời nghệ sĩ chuyên nghiệp về hướng dẫn. Vì vậy, ngoài các trích đoạn kinh điển như "Quan âm Thị Kính", "Lưu Bình - Dương Lễ", "Xúy Vân", CLB còn sáng tác được nhiều tiểu phẩm mới, hấp dẫn ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc gia đình, đồng thời phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội.

Không chỉ có chèo, huyện Yên Dũng còn quan tâm khôi phục, xây dựng ở nhiều loại hình nghệ thuật khác. Năm 2010, CLB ca trù của huyện được thành lập, nòng cốt là những người làng Đông Hương, xã Nham Sơn - vùng đất ca trù xưa. Đồng thời quy tụ nhiều nhân tố từng là đào, kép nổi tiếng một thời tham gia như: Ca nương Ong Thị Hoài, Đặng Thị Chấn; nghệ nhân đàn đáy Đặng Văn Lượng, nghệ nhân trống chầu Đào Ngọc Lân… Ngoài luyện tập, biểu diễn vào mỗi dịp cuối tuần, gần đây các thành viên còn tổ chức truyền dạy cho thiếu nhi nhằm góp phần gìn giữ nghệ thuật ca trù truyền thống.

Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, những năm qua huyện Yên Dũng chú trọng lựa chọn và xây dựng những hạt nhân văn nghệ điển hình ở cơ sở. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Phần ở xã Xuân Phú, được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Hà Nội từ những năm 1967 đến 1971. Với niềm đam mê nghệ thuật, ông đã góp phần quan trọng xây dựng phong trào hát chèo phát triển mạnh mẽ trong xã, tổ chức và duy trì tốt hoạt động của CLB chèo người cao tuổi xã Xuân Phú. Hay bà Đặng Thị Chấn, suốt 8 năm “cầm nhịp” CLB hát ca trù huyện Yên Dũng, đưa nghệ thuật ca trù đến với đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện. Bà Trần Thị Đoàn, Chủ nhiệm CLB quan họ hát ru huyện; ông Nguyễn Tiến Tài, thành viên CLB chèo Bắc Am, xã Tư Mại; ông Hoàng Gia Thành, Chủ nhiệm CLB quan họ xã Cảnh Thụy…

Chính nhờ đội ngũ này, phong trào văn nghệ quần chúng nói chung và hát dân ca nói riêng ở Yên Dũng ngày càng phát triển. Toàn huyện thành lập 13 CLB văn nghệ cấp huyện và 181 CLB ở cơ sở, hầu hết đều lấy văn nghệ dân gian, nhất là hát chèo, quan họ làm trọng tâm trong hoạt động. Mỗi năm tổ chức khoảng 1.500 buổi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân và các hội diễn ở tỉnh, huyện, xã.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện cho biết: “Nhằm tạo sức sống cho phong trào, hai năm một lần huyện tổ chức hội thi hát chèo-hát dân ca, xen giữa là liên hoan nghệ thuật quần chúng. Đặc biệt, huyện yêu cầu mỗi xã, thị trấn phải tổ chức được hội diễn ở cấp mình để đánh giá phong trào và lựa chọn nhân tố xuất sắc tham dự các hội thi, liên hoan. Điều đáng mừng là các cuộc thi của huyện đều có chất lượng do các địa phương đầu tư kỹ lưỡng về con người, trang phục và đạo cụ”.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, hằng năm Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện còn phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh; Nhà hát Chèo, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hát dân ca cho hạt nhân văn nghệ. Từ kiến thức tiếp thu, các hạt nhân về truyền dạy tại CLB mình. Năm qua đã có hơn 200 hạt nhân và cán bộ văn hóa ở cơ sở được tham gia bồi dưỡng theo hình thức này.

Tùng Chi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...