(BGĐT)- Chiều 24-12, làm việc với phóng viên Báo Bắc Giang về nội dung bài báo “Yên Dũng -người dân tố cán bộ xã “ngâm” hồ sơ, phải chi tiền mới duyệt làm chế độ khuyết tật” xảy ra tại xã Tiền Phong, ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết: Quan điểm của huyện là điều tra, xác minh vụ việc thận trọng, kỹ lưỡng và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, qua đó cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung.
Trước đó, vào ngày 9 và 10/12/2019, Báo Bắc Giang đăng bài: Yên Dũng “người dân tố cán bộ xã “ngâm” hồ sơ, phải chi tiền mới duyệt làm chế độ khuyết tật” xảy ra tại xã Tiền Phong.
Nội dung bài báo phản ánh nhiều người dân bức xúc khi cán bộ xã không chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để đề nghị xét duyệt hưởng chế độ khuyết tật theo quy định, đồng thời phải đưa cho bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1983), cán bộ văn hóa xã hội UBND xã Tiền Phong một khoản tiền mới được xét hồ sơ.
![]() |
Người khuyết tật rất cần được quan tâm,chăm sóc. |
Trên cơ sở nội dung Báo nêu, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã giao Thanh tra huyện phối hợp với phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện kiểm tra, xác minh. Kết quả như sau:
1. Giao Công an huyện điều tra, xác minh có hay không việc đưa và nhận tiền.
Qua đối chất giữa bà Hậu với ông Nguyễn Xuân Xa và ông Nguyễn Viết Tâm (2 nhân vật nêu trong bài báo), cả hai ông đều khẳng định việc có đưa tiền cho bà Hậu (ông Xa đưa 3.000.000 đồng, ông Tâm đưa 500.000 đồng) để nhờ bà Hậu giúp giải quyết nhanh chóng việc làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Còn bà Nguyễn Thị Hậu khẳng định là không nhận tiền của ông Xa và ông Tâm.
Vì cả 2 bên không đưa ra được bằng chứng chứng minh liên quan đến việc đưa và nhận tiền nên chưa đủ căn cứ để kết luận việc này là có hay không. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện đã giao Công an huyện tiến hành điều tra, xác minh.
2. Xã chậm, muộn trong việc làm hồ sơ
- Ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1956), thôn Thành Công, là chồng đối tượng Từ Thị Đông có ý kiến hồ sơ của vợ ông làm từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2019 bà Đông mới được hưởng trợ cấp khuyết tật.
- Trường hợp cháu Thân Thị Thanh Xuân (SN 2011), thôn Bình An, đại diện gia đình có ý kiến thời gian xác định thương tật cấp xã mất gần 12 tháng, đến tháng 10-2018 được hưởng trợ cấp.
- Trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1981), thôn Liên Sơn có ý kiến nhiều lần gia đình đề nghị cấp xã làm hồ sơ nhưng không được, gia đình phải trực tiếp đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện làm hồ sơ mới được hưởng trợ cấp từ tháng 5-2019.
3. Lưu giữ hồ sơ chưa đúng quy định
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện trực tiếp kiểm tra hồ sơ lưu tại UBND xã Tiền Phong. Qua kiểm tra ngẫu nhiên 11 hồ sơ, đối chiếu với các văn bản hướng dẫn cho thấy: Các hồ sơ lưu còn thiếu các văn bản theo quy định của pháp luật, không đảm bảo tính pháp lý, khó cho việc theo dõi, quản lý.
Hầu hết các văn bản lưu không ghi ngày, tháng, năm, kể cả giấy xác nhận người khuyết tật; không đủ chữ ký của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND xã, dấu của UBND… Đặc biệt, 11/11 hồ sơ lưu không có đơn đề nghị của đối tượng nên việc xác định thời gian từ khi đối tượng đề nghị đến khi Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã họp xác định dị dạng, dị tật và mức độ khuyết tật nên không xác định được thời gian chậm, muộn là bao nhiêu ngày.
4. Chậm cấp Giấy xác nhận khuyết tật, hồ sơ bị chỉnh sửa
Căn cứ vào ngày, tháng, năm trong phiếu xác định mức độ, dạng khuyết tật, thời gian Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã họp để xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật còn chậm, cụ thể:
+ Trường hợp bà Từ Thị Đông, thôn Thành Công trong phiếu xác định khuyết tật của bà Lê Hải Mỹ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tiền Phong (thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã) ghi ngày 17/01/2019 đến ngày 15/4/2019, Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho đối tượng, chậm so với quy định 37 ngày.
+ Trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Liên Sơn, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Tiền Phong cấp Giấy xác nhận khuyết tật ngày 24/8/2017 đến ngày 16/12/2018 đối tượng làm tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp, chậm khoảng 12 tháng.
+ Trường hợp ông Nguyễn Văn Trụ, thôn Quyết Tiến hồ sơ lưu tại xã Giấy xác nhận khuyết tật ghi ngày 16/5/2018, biên bản Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã họp ngày 23/5/2018, nhưng Giấy xác nhận khuyết tật nộp tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện ghi ngày 14/7/2018, biên bản Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã họp ngày 19/7/2018. Như vậy hồ sơ của đối tượng đã bị chỉnh sửa, chậm thời gian gần 30 ngày.
+ Trường hợp bà Thân Thị Lý, thôn Thành Công cũng bị điều chỉnh từ tháng 2/2019 lên tháng 5/2019, chậm khoảng 45 ngày.
5. Làm quy trình kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Hậu
Căn cứ những xác minh ban đầu cho thấy: Bà Nguyễn Thị Hậu chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho Chủ tịch UBND - Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Tiền Phong làm hồ sơ giải quyết chế độ bảo trợ xã hội cho một số đối tượng trên địa bàn được kịp thời; chưa hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục làm hồ sơ đối với các đối tượng; lưu giữ hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định... Từ đó dẫn đến việc gây bức xúc và có dư luận trong nhân dân về việc cán bộ chính sách xã hội xã “ngâm” hồ sơ của dân để vòi vĩnh tiền “bôi trơn”.
Với những khuyết điểm vi phạm của bà Nguyễn Thị Hậu như trên, Chủ tịch UBND huyện đã giao cho phòng Nội vụ huyện làm quy trình kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Hậu.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhóm PV Nội chính