(BGĐT) - Phong trào văn nghệ quần chúng ở Yên Dũng được ví như vườn hoa đa hương sắc, phong phú ở các thể loại với nhiều lứa tuổi tham gia. Đây là sân chơi lành mạnh làm tăng sự gắn kết, tạo sức mạnh tập thể trong nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Thôn làng nào cũng có đội văn nghệ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) hiện có 353 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ với khoảng 5 nghìn thành viên, trong đó có 11 CLB do Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập. Mới đây, tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn huyện, chúng tôi gặp bà Trần Thị Đoàn, Chủ nhiệm CLB hát quan họ, hát ru huyện dẫn “đội quân” gồm những người cao tuổi tham dự.
![]() |
Bà Vũ Thị Thoa ở xã Tiền Phong, Chủ nhiệm CLB Rồng Vàng truyền dạy quan họ miễn phí cho thiếu nhi. |
Được biết, CLB thành lập năm 2011 với 28 thành viên, người cao tuổi nhất là 80, thấp nhất cũng đã 63 tuổi nhưng vẫn hăng say, tự tin biểu diễn và giành giải B toàn đoàn. Bà cho biết: “Các tiết mục hoàn toàn do các thành viên tự biên, tự diễn, thậm chí cải biên cho gần gũi, phù hợp với đời sống thôn quê. Tham gia CLB, các cụ mong muốn góp phần giữ gìn và bảo tồn các làn điệu chèo, hát ru; cũng là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần để sống vui, sống khỏe, có ích”.
Là hạt nhân văn nghệ chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1983) ở Tổ dân phố 3, thị trấn Nham Biền, mặc dù bận công tác ở cơ quan nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ ở địa phương. Có năng khiếu lại đam mê, bất kể cuộc thi hay hội diễn nào chị đều tham gia nhiệt tình. Không chỉ hát, múa, khiêu vũ, chị còn tư vấn trang phục sao cho phù hợp với chủ đề, thông điệp của bài hát; tự tay trang điểm cho các thành viên trong đội văn nghệ.
Huyện Yên Dũng hiện có 353 CLB văn nghệ với số lượng khoảng 5 nghìn thành viên, trong đó có 11 CLB do Chủ tịch UBND huyện ra quyết định thành lập. Mỗi thôn, tổ dân phố đều có ít nhất một CLB hoặc đội văn nghệ hoạt động khá sôi nổi và bài bản. |
Theo ông Tạ Hải Năm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Yên Dũng, mỗi thôn, tổ dân phố đều có ít nhất một CLB hoặc đội văn nghệ với nhiều lứa tuổi, thành phần. Thanh niên thể hiện tình yêu ca hát qua nhạc trẻ kết hợp vũ đạo. Người trung niên thiên về dòng nhạc truyền thống, ca khúc cách mạng. Người cao tuổi đắm say với hát chèo, ca trù, quan họ...
Nhiều người, nhiều CLB dàn dựng, biểu diễn những tiết mục rất chuyên nghiệp, gắn với tình hình thực tế ở nơi mình sinh sống. Họ vừa được thưởng thức các tiết mục “cây nhà lá vườn”, vừa được tham gia biểu diễn, dàn dựng và sáng tạo nghệ thuật sau những giờ lao động vất vả.
Nuôi dưỡng "lửa" phong trào
Yên Dũng là địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển tương đối mạnh, 10 năm liền luôn đứng ở tốp đầu toàn tỉnh. Đơn cử như năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các Hội thi, đoàn Yên Dũng đều giành giải A tập thể (Hội thi ca múa nhạc những tác phẩm viết về Bắc Giang; Hội thi các CLB văn nghệ tiêu biểu; Liên hoan quan họ).
![]() |
Huyện Yên Dũng thường xuyên tổ chức các hội diễn nhằm tạo sân chơi, thúc đẩy phong trào văn nghệ phát triển. |
Trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là chương trình vui chơi giải trí, ca nhạc trên sóng truyền hình, Internet, điện thoại thông minh… để duy trì được “lửa” nhiệt tình của phong trào văn nghệ quần chúng, huyện đã có nhiều cách làm hiệu quả.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các cuộc giao lưu đầu xuân tại các lễ hội với phương châm “CLB nào, địa phương ấy, hằng năm huyện còn tổ chức luân phiên thông qua các hội diễn, hội thi, liên hoan, tập hợp các CLB, các đội văn nghệ ở cơ sở.
Đáng chú ý là để được tham gia các hội diễn cấp huyện, tất cả 18 xã, thị trấn đều phải tổ chức hội diễn ở cấp xã. Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao, Phòng Văn hóa cử cán bộ về tận cơ sở, các CLB hướng dẫn chuyên môn, có báo cáo kết quả thực tế.
Đặc biệt, Yên Dũng có cơ chế khuyến khích các CLB do UBND huyện ra quyết định thành lập kinh phí hoạt động. Hằng năm tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên, hạt nhân văn nghệ ở các xã, thị trấn. Cùng với việc tập luyện, biểu diễn những tiết mục văn nghệ hiện đại, Yên Dũng còn tổ chức các lớp truyền dạy dân ca.
Điển hình như phối hợp với Nhà hát chèo Bắc Giang khôi phục các hoạt cảnh, làn điệu chèo cổ như: Hội làng Tấm Cám, Tìm lại bài thơ, Lòng mẹ, Đôi ngọc lưu ly, Đào liễu… Đây là những tiết mục mà các CLB coi là cẩm nang mang đi biểu diễn. Huyện cũng tạo điều kiện để các “hạt nhân” văn nghệ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Đơn cử như bà Vũ Thị Thoa (SN 1952) ở xã Tiền Phong đã thành lập CLB Quan họ Rồng Vàng với gần 30 thành viên, sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa quan họ truyền thống khu vực Bắc Giang (trực thuộc Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa Việt Nam).
Kể từ khi thành lập (năm 2014), gia đình bà đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng phòng hát tại nhà, mua sắm đàn, tăng âm loa đài, trang phục để các thành viên tham gia biểu diễn, đồng thời có thêm điều kiện truyền dạy quan họ miễn phí cho hàng trăm thiếu nhi ở địa phương. Bà được đánh giá là người làm tốt công tác bảo tồn văn hóa quan họ bên bờ bắc Sông Cầu.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường cơ sở vật chất cũng được quan tâm. Nhiều nhà văn hóa được xây mới, có hội trường, sân khấu trang bị ánh sáng, hệ thống âm thanh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Qua đó khơi dậy mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa bàn dân cư, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: Tuấn Minh