Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Dũng >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Yên Dũng: Xác định nguồn gốc đất, xóa điểm nghẽn về mặt bằng

Cập nhật: 09:42 ngày 06/06/2023
(BGĐT) - Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chậm tiến độ, thi công dang dở vì chưa giải phóng xong mặt bằng. Nguyên nhân một phần do nguồn gốc đất chưa rõ ràng khiến một số hộ từ chối nhận tiền bồi thường. Để tháo gỡ "điểm nghẽn" này, huyện đã thành lập các đoàn công tác tập trung xử lý.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Dũng, trên địa bàn đang triển khai 12 dự án giao thông với tổng diện tích đất cần thu hồi 91,68 ha. Đơn cử như các dự án: Mở rộng đường Trần Nhân Tông từ ngã ba huyện đi cầu Bến Đám; xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; mở rộng đường tỉnh 398 đoạn thị trấn Nham Biền đi bến phà Đồng Việt; nâng cấp, cải tạo quốc lộ (QL) 17 đoạn từ cống Kem (thị trấn Nham Biền) đi xã Tiền Phong… 

{keywords}

Có mặt bằng sạch, QL 17 đoạn qua xã Yên Lư tiếp tục được thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, huyện xác định cần có sự tập trung rất cao, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thường trực Huyện uỷ thành lập các đoàn công tác, phân công lãnh đạo phụ trách, chỉ đạo trực tiếp; tuyên truyền, giải thích, thường xuyên đối thoại để lắng nghe và kịp thời giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cùng đó, UBND huyện chỉ đạo rà soát tổng thể, tập trung xác định nguồn gốc đất để có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đúng quy định của pháp luật. Vận động nhân dân tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Dũng thông tin: “Các hộ chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB liên quan đến nguồn gốc đất rơi vào ba trường hợp sau. Thứ nhất, hộ dân nhận thuê thầu quỹ đất công ích của UBND xã để sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản nhưng khi thu hồi đất lại đòi hỏi bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp khai hoang sử dụng ổn định. 

Thứ hai, hộ xây dựng công trình vi phạm hành lang giao thông, xây dựng công trình ngoài phạm vi đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng đòi bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Trong trường hợp này Nhà nước đã kiểm tra, xác định rõ ranh giới diện tích đất đã được cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình; ranh giới, diện tích đất đã thu hồi, bồi thường những năm trước đây (những năm trước đây đã có quyết định thu hồi đất, đã bồi thường cho các hộ dân nhưng người dân vẫn sử dụng cho mục đích cá nhân và tự cho đó là hợp pháp). 

Thứ ba, một số tài sản tạo lập sau ngày 1/7/2014 trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng vẫn đòi hỏi yêu cầu được bồi thường tài sản gắn liền với đất”. Đơn cử như khi GPMB làm đường ĐH.5B có liên quan đến diện tích đất của hộ ông Lê Văn Hát, tổ dân phố 1, thị trấn Nham Biền. Theo hồ sơ đất đai, ông Hát nhận thuê khoán 6.300 m2 đất nông nghiệp công ích để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi đất, ông Hát lại đòi hỏi bồi thường theo đơn giá của đất nông nghiệp khai hoang sử dụng ổn định. Sau nhiều lần tổ công tác huyện, xã gặp gỡ phân tích, giải thích, nhưng ông Hát vẫn chưa đồng thuận. Tháng 5 vừa qua, sau khi huyện thành lập tổ công tác, giải thích các quy định của pháp luật, gia đình ông mới nhận tiền bồi thường hơn 311 triệu đồng.

Thường trực Huyện uỷ thành lập các đoàn công tác, phân công lãnh đạo phụ trách, chỉ đạo trực tiếp; tuyên truyền, giải thích, thường xuyên đối thoại để lắng nghe và kịp thời giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cùng đó, UBND huyện chỉ đạo rà soát tổng thể, tập trung xác định nguồn gốc đất để có phương án bồi thường, GPMB đúng quy định của pháp luật.

Tìm hiểu tại dự án nâng cấp, cải tạo QL 17, đoạn từ cống Kem (thị trấn Nham Biền) đi xã Tiền Phong được biết, tuyến đường này có 55 hộ, đa số đòi bồi thường phần diện tích đất và tài sản, công trình kiến trúc trên đất đã có quyết định thu hồi từ năm 1997 và 2012. Để giải quyết, Tổ công tác đã đo đạc lại thực địa, ranh giới diện tích đã có quyết định thu hồi. Qua đó cho thấy có nhiều trường hợp là chân mái đường đã được xác định rõ (đất công) nhưng người dân vẫn cố tình sử dụng và đòi bồi thường. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Thuyết, thôn Long Trường Vân, xã Yên Lư là ví dụ. Sau hơn 1 năm kiên trì phân tích các quy định của pháp luật, ngày 1/6 vừa qua, bà ký nhận số tiền bồi thường hơn 652 triệu đồng cho diện tích thu hồi 71,9 m2. Bà nói: “Biết thế này tôi nhận tiền từ năm ngoái, gửi ngân hàng hơn một năm còn được lãi thêm mấy chục triệu đồng”.

Xung quanh kiến nghị của người dân về xác định nguồn gốc đất và giấy tờ liên quan làm cơ sở xác định loại đất, nguồn gốc sử dụng đất để áp giá, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất. Do công tác quản lý nhà nước về đất đai trước kia còn khiếm khuyết. 

Việc cập nhật biến động sử dụng đất thiếu bài bản. Không ít hộ đất trên giấy tờ, hồ sơ cũ và thực tế mới không đồng nhất, có sai lệch… khiến công tác GPMB khó khăn. Để khắc phục, huyện Yên Dũng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm, kịp thời giải tỏa các vi phạm. Có thể khẳng định nguồn gốc đất không rõ ràng là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý khi thực hiện GPMB, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp. Do đó, lãnh đạo huyện thường xuyên giao ban, làm việc với các địa phương nơi có các tuyến đường đi qua để đôn đốc tiến độ, chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn nhằm sớm đưa các tuyến đường vào sử dụng, phục vụ cho phát triển KT-XH địa phương” .

Bài, ảnh: Thu Phong

Thực hiện Quyết định số 10 của UBND tỉnh: Gỡ nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
(BGĐT) - Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND (Quyết định số 10) của UBND tỉnh Bắc Giang, quy định về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh, nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh đã được tháo gỡ.
Cà Mau chỉ đạo làm rõ nghi vấn lãnh đạo huyện “mặc cả” với đối tác giải phóng mặt bằng
Chiều 29/5, đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đã chủ trì họp báo cung cấp thông tin liên quan đến clip với nội dung được cho là của một Phó Chủ tịch huyện đang “mặc cả” phần trăm phí “lại quả” công trình với một nhà thầu trên địa bàn huyện Phú Tân (Cà Mau).
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư
(BGĐT) - Ngày 23/5, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì buổi làm việc về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Yên Lư. 
Hội thi tuyên truyền giải phóng mặt bằng và các dự án tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên)
(BGĐT) - UBND thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN thị trấn vừa tổ chức hội thi “Tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện các dự án trên địa bàn thị trấn năm 2023”. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...