Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >> Hỗ trợ chăn nuôi
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ có đối ứng - cách giảm nghèo hiệu quả ở Yên Thế

Cập nhật: 16:29 ngày 20/12/2017
(BGĐT) - Khi tham gia dự án, hộ nghèo phải đối ứng một phần kinh phí hoặc bỏ công sức lao động nên không còn ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp trên. Nhờ đó đa số các hộ tích cực tăng gia sản xuất tạo nguồn thu nhập ổn định, nhanh chóng thoát nghèo. Cách làm này đang được nhân rộng ở huyện Yên Thế.
{keywords}

Anh Nguyễn Ngọc Kiên chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn gà gần 2 tháng tuổi.

Đã hơn một tháng nay, hằng ngày cứ gần 5 giờ sáng là anh Nguyễn Ngọc Kiên, thôn Trại Hạ, xã Đồng Tiến thức dậy. Sau khi tập thể dục, anh xách từng xô nước lên đồi cho gà uống. Cùng đó, lấy ngô trộn cám để vào máng cho chúng ăn. "Do khu vườn rộng, lại đầy đủ thức ăn, nước uống nên gà lớn nhanh. Mới nuôi gần 2 tháng nhưng con nào cũng đạt trọng lượng 6-7 lạng. Với hơn 1 nghìn con gà này sau 4 tháng xuất bán ước thu lãi gần 40 triệu đồng" - anh Kiên chia sẻ.

Gia đình anh Kiên bắt đầu nuôi gà vào cuối năm 2015 theo đề án hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước. Lứa đầu nuôi 200 con, trong đó gia đình đầu tư 25% vốn. Do được hỗ trợ con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật nên gà sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 5 tháng, gà được xuất bán, gia đình anh thu gần 30 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, lứa sau, anh Kiên tiếp tục nuôi hơn 1 nghìn con. Cứ như vậy, đến nay đã là lứa thứ sáu, tổng số tiền thu lãi từ gà hơn 100 triệu đồng.

{keywords}

Đàn gà mới gần 2 tháng tuổi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Kiên.

Tương tự, gia đình chị Hà Thị Quỳnh, thôn Trại Hạ cũng được hỗ trợ 7 triệu đồng nên đầu tư thêm 5 triệu đồng mua cả cặp bò mẹ con về nuôi. Ngày nhận bò, chị được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Vốn chịu khó lại áp dụng đúng quy trình nên bò của gia đình phát triển nhanh và hiện đã đẻ lứa thứ hai. Dù mới hơn 4 tháng, nhưng đã có người đến đặt mua với giá gần chục triệu đồng (lứa đầu chị cũng thu 11 triệu đồng từ bán bê). Từ chăn nuôi bò, gia đình chị có điều kiện cải thiện cuộc sống.

{keywords}

Từ khi triển khai việc hỗ trợ có đối ứng, ý chí phấn đấu thoát nghèo của người dân thể hiện rất rõ. Nhờ đó số hộ nghèo trong huyện giảm nhanh, luôn cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh".


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế.

Theo bà Trần Thị Nhị, cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xã Đồng Tiến, thực hiện chương trình hỗ trợ có đối ứng, từ năm 2015 đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 39,5% (2015) còn 32% hiện nay.

Ba năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thế tích cực triển khai dự án hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.Theo đó, cùng với ngân sách địa phương, huyện còn huy động nhiều nguồn lực khác giúp đỡ hộ nghèo. Nổi bật trong đó là vận động những nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ; hỗ trợ từ dự án giảm nghèo, Chương trình 135 của Chính phủ hay chương trình "Lục lạc vàng" trao bò kết nối những miền quê do Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Laste hỗ trợ...

Báo cáo của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn lực, huyện Yên Thế đã giúp gần 2 nghìn hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Việc hỗ trợ đúng đối tượng và cách làm phù hợp như hỗ trợ gà, bò và đầu tư giống cây trồng nên hiệu quả đạt cao. Qua đó đã có tới 1,4 nghìn hộ thoát nghèo (chiếm 70%). Các địa phương tiêu biểu trong triển khai hình thức này ngoài Đồng Tiến còn có Đồng Vương, Xuân Lương, Canh Nậu, Tiến Thắng và Đồng Hưu. Với cách làm trên, số hộ nghèo của huyện giảm nhanh và bền vững. Năm 2015, toàn huyện có 20,82% hộ nghèo, năm 2016, giảm còn 17,5% và hiện nay số hộ nghèo chỉ còn 14,28%.

Thanh Hải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...