Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

Cập nhật: 08:42 ngày 03/04/2017
(BGĐT) - Thời gian gần đây, nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) đưa trò chơi dân gian vào giờ ra chơi, giúp học sinh bồi đắp kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa truyền thống.  

{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học Tam Hiệp chơi chuyền.

Trong giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Tam Hiệp (Yên Thế), từng tốp học sinh đồng thanh đọc những câu đồng dao “Rồng rắn lên mây/Có cây xúc xắc/Có nhà hiển minh/Hỏi thăm thầy thuốc/Có nhà hay không?”. Ở mỗi khối lớp lại có một trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi: Thả đỉa ba ba, chơi chuyền, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co… 

Xã Tam Hiệp hiện không có khu vui chơi, giải trí dành riêng cho thiếu niên, nhi đồng. Để hướng các em vào những hoạt động lành mạnh, từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Đội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Tổng phụ trách đội Bùi Thị Hà đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Khi triển khai mô hình này, cô Hà gặp không ít khó khăn, hầu hết các em đều lạ lẫm, tỏ ra không mấy hứng thú. Một phần do trò chơi dân gian đã mai một, học sinh chưa biết cách chơi. 

Để thu hút các em, cô Hà vận động các thầy, cô giáo trong trường cùng tìm hiểu tài liệu trên mạng Internet và sách báo; sưu tầm các bài hò, vè, đồng dao sau đó lồng ghép vào các tiết sinh hoạt. Nhà trường tích cực thông tin trên hệ thống loa truyền thanh, bản tin măng non về ý nghĩa, tích truyện của các trò chơi. Có khi các thầy, cô cũng cùng chơi, làm mẫu cho học sinh.

Trải qua thời gian đầu bỡ ngỡ, hàng trăm học sinh trong trường đã hào hứng tham gia.  Em Lưu Khánh Linh, lớp 4A nói: “Mỗi giờ ra chơi, em và các bạn thường chia nhóm để chơi ô ăn quan hay rồng rắn lên mây… Em rất thích những trò chơi này”.

Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 30 liên đội các trường đưa trò chơi dân gian vào sinh hoạt hoặc lồng ghép trong các giờ hoạt động ngoại khóa. Điển hình như: Trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ, Tiểu học Đồng Tâm, Đồng Lạc. Mỗi nhóm trò chơi mang một ý nghĩa giáo dục khác nhau giúp tăng cường thể chất, phát huy sáng kiến, năng khiếu, thẩm mỹ; học cách ứng xử và hình thành nhân cách...

“Nhận thấy hiệu quả mà mô hình mang lại tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, Hội đồng Đội huyện đã chỉ đạo nhân rộng tới tất cả các liên đội trường tiểu học, THCS trên toàn huyện giúp học sinh tích cực hơn trong học tập và tham gia các hoạt động thể chất ở trường. Qua đó thúc đẩy phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chị Nguyễn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Yên Thế cho biết.

Thu Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...