Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân rộng diện tích bạch đàn giống mới

Cập nhật: 09:28 ngày 18/04/2017
(BGĐT) - Với mục tiêu đưa bạch đàn giống mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống cũ đã bị thoái hóa, sinh trưởng phát triển kém, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) đã thành công trong việc nhân giống bạch đàn với những ưu điểm vượt trội.

{keywords}

Vườn ươm bạch đàn giống mới của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.

Chủ động sản xuất giống

Bắc Giang có hơn 166 nghìn ha đất quy hoạch trồng cây lâm nghiệp, trong đó khoảng 40 nghìn ha là bạch đàn. Trước đây, nông dân trồng chủ yếu  giống U6, PN14. Tuy nhiên, do trồng trong nhiều chu kỳ không được thay nên cây bị thoái hóa, nhiễm bệnh trên diện rộng, năng suất rừng trồng kém. 

Nhằm chủ động nguồn giống tốt để cung cấp cho bà con, cuối năm 2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng tại Bắc Giang”. Mục tiêu quan trọng của dự án là xây dựng thành công vườn cây đầu dòng các giống bạch đàn UP mới (UP72, UP75, UP95, UP99) và PNCT3. Các giống này do doanh nghiệp tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu Giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Từ đó, thâm canh mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. 

3 vườn cây đầu dòng quy mô 0,6 ha được đơn vị chủ trì dự án xây dựng tại huyện Yên Thế và Lục Nam. Kỹ thuật áp dụng là nhân giống vô tính (giâm hom và nuôi cấy mô). Kết quả, trong các giống mới lấy hom lần đầu của năm thứ nhất tỷ lệ đạt 60%; từ năm thứ hai trở đi, tỷ lệ bình quân là 85%. Những vườn giống cây đầu dòng của dự án đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là vườn giống quốc gia. 

Toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 40 nghìn ha rừng trồng bạch đàn, đến nay có 3 nghìn ha chuyển sang trồng bạch đàn dòng UP và PNCT3. Việc mở rộng diện tích bạch đàn cao sản sẽ hạn chế tình trạng nhập và sử dụng giống trôi nổi, chưa được kiểm soát chất lượng.

Để đánh giá hiệu quả kinh tế của cây đầu dòng, cùng với việc nhân giống tại vườn, đơn vị triển khai trồng thâm canh 16 ha tại 3 huyện Yên Thế, Lục Nam và Lục Ngạn. Dự án lựa chọn 120 hộ dân tham gia tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng chăm sóc. Qua theo dõi cho thấy, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%; cây ít bị sâu bệnh, gãy đổ. Năng suất bình quân đạt 20-25m3/ha, sinh khối gỗ của giống bạch đàn dòng UP cho năng suất cao hơn từ 15-20% so với giống bạch đàn cũ đang được trồng phổ biến tại tỉnh, riêng với giống PNCT3 sinh khối gỗ cao hơn 23%. 

Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế - Chủ nhiệm dự án cho biết: Kết quả quan trọng nhất khi triển khai dự án là đơn vị đã tiếp nhận, làm chủ được công nghệ nhân giống. Đồng thời chuyển giao quy trình này cho các công ty lâm nghiệp và doanh nghiệp sản xuất giống, đáp ứng  đủ nhu cầu nguồn giống cho bà con trồng rừng.

Tăng năng suất rừng trồng

Gia đình anh Hà Thanh Việt, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp (Yên Thế) là một trong những hộ đi đầu tham gia dự án. Năm 2014, sau khi quan sát mô hình tại các vườn giống và nhận thấy khả năng sinh trưởng vượt trội của các giống mới, anh đã nhận khoán trồng 1,4 ha rừng và được hỗ trợ toàn bộ giống (chủ yếu là dòng UP 99). Giống UP99 sinh trưởng phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, ít bệnh. Theo nhiều hộ dân, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 5 năm, chi phí gần 30 triệu đồng/ha, tổng thu đạt khoảng 120 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, mỗi 1 ha rừng cho thu lãi khoảng 90 triệu đồng, cao hơn 20% so với giống cũ. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết: Dự án được triển khai nhằm thay thế các giống cũ đã thoái hóa. Chỉ sau một năm được tuyên truyền, nhiều người trồng rừng đã tiếp cận và mua giống mới trồng thay thế. 

Để khuyến khích nhiều hộ nhân rộng diện tích bạch đàn cao sản, ngoài chương trình trợ giá giống của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, nhiều chính sách hỗ trợ ở các huyện cũng được triển khai. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thực hiện mô hình hỗ trợ nông dân trồng rừng kinh tế với diện tích 38 ha tại huyện Yên Thế và Lạng Giang. Các chương trình này được triển khai rộng rãi là tiền đề để bà con mở rộng diện tích trồng giống mới, nâng cao giá trị kinh tế từ bạch đàn, hướng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Hoàng Thoa - Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...