Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lan tỏa phong trào xây dựng làng văn hóa

Cập nhật: 09:14 ngày 02/12/2016
(BGĐT) - Tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), phong trào xây dựng làng, khu phố văn hoá được nhân dân đồng lòng hưởng ứng với nhiều việc làm thiết thực, góp phần hình thành nếp sống văn minh, ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
{keywords}

Người dân thôn Liên Cơ, xã Đồng Tâm sôi nổi tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ.               Ảnh: Đỗ Quyên

Ở bản Đồng Khách, xã Tam Hiệp đường làng, ngõ xóm phong quang, công trình phúc lợi được xây dựng khang trang. Có kết quả này là do cấp ủy và ban lãnh đạo của bản cùng người dân quan tâm xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bản đăng ký danh hiệu làng văn hóa (LVH); xây dựng và triển khai quy ước. Bên cạnh các tiêu chí của huyện và xã, bản bổ sung một số nội dung phù hợp như: Quy định mức đóng góp làm đường giao thông thôn; duy trì công trình vệ sinh môi trường; trích quỹ tặng thưởng các hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH). Xác định gia đình là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người nên bản quan tâm siết chặt các tiêu chí xây dựng GĐVH để nâng cao chất lượng đời sống, giảm tệ nạn xã hội. 

Năm 2017, huyện phấn đấu có 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 66,5% làng, bản, phố đạt danh hiệu văn hóa; 85,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 1 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Tiến, người dân trong bản chia sẻ: “Phong trào xây dựng LVH đã làm chuyển biến về nhận thức của mọi người. Công tác bình xét GĐVH được thực hiện dân chủ, công khai, chặt chẽ. Qua đây, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm phấn đấu phát triển kinh tế, tạo sự hòa thuận, yên vui trong gia đình, làm gương cho con cháu”. Năm nay, bản có 93% GĐVH, 86% số hộ khá và giàu, 10% hộ nghèo. Các thiết chế văn hóa được nhân dân đồng lòng xây dựng và duy trì. Bản không còn hủ tục lạc hậu trong các đám hiếu, hỷ, ngày lễ, Tết. Các CLB bóng chuyền hơi, CLB nông dân hạnh phúc hoạt động hiệu quả. 5 năm trở lại đây, bản không có người sinh con thứ ba trở lên. 16 năm liên tục, bản đạt danh hiệu LVH; năm 2014 nhận Bằng khen của tỉnh. 

Được biết, xã Tam Hiệp là điểm sáng của huyện trong phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa. 7/11 thôn, bản nhiều năm đạt danh hiệu LVH. Theo ông Hoàng Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, từ năm 2014, UBND xã tích cực chỉ đạo các thôn, bản xây dựng các khu dân cư sáng xanh, sạch, đẹp;  đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho thôn, bản đạt danh hiệu LVH.

Không chỉ riêng xã Tam Hiệp, nhiều xã trên địa bàn huyện cũng quan tâm thực hiện. Năm 2016, huyện có 24 nghìn hộ đạt danh hiệu GĐVH, 134 thôn, bản, phố đạt danh hiệu LVH, 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (NTM) gồm: An Thượng, Đồng Tâm. Có được kết quả này là do UBND huyện ban hành chính sách, quy định phù hợp. Huyện nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, khu phố. Theo đó, toàn huyện xây mới 3 nhà văn hóa xã ở các địa phương: Tiến Thắng, Canh Nậu, Hồng Kỳ; xây mới và nâng cấp hơn 30 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố trị giá 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ kinh phí hỏa táng, điện táng với mức 3 triệu đồng/trường hợp. 

Theo ông Triệu Văn Phượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, xây dựng NTM, giữ gìn an ninh trật tự. Để nhân rộng, Ban chỉ đạo huyện quan tâm hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai mô hình điểm “LVH xanh-sạch-đẹp”, “LVH thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không có tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”... 

Từ đây, mỗi xã tổng kết, rút kinh nghiệm, lựa chọn mô hình điểm để nhân rộng. Ví như thị trấn Bố Hạ vận động bà con đóng góp hơn 250 triệu đồng và nhiều ngày công xây dựng nhà văn hóa. Ở xã Hương Vỹ,  các thôn, bản xây dựng quy ước để người dân thực hiện; tổ chức biểu dương các khu dân cư văn hóa. Xã Tam Hiệp trích kinh phí hỗ trợ xây dựng 11 nhà văn hóa với mức từ 20-50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ 20% vốn cho các dự án cứng hóa đường nội đồng, nội thôn. 

Cũng theo ông Triệu Văn Phượng, kinh nghiệm thực hiện phong trào hiệu quả là các đơn vị, địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân, phát hiện những bất cập để điều chỉnh. Bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, phát huy vai trò của các CLB, tổ, đội văn nghệ, thể thao giúp người dân cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Như Hoa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...