Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nét ngời Yên Thế

Cập nhật: 09:51 ngày 29/01/2018
(BGĐT) - Tên huyện Yên Thế có từ thế kỷ XIII thời nhà Trần, sau lại đổi thành Thanh Yên thuộc Châu Lạng Giang - Phủ Lạng Giang. Thời Lê lại đổi tên là huyện Yên Thế. Cách mạng Tháng Tám thành công, phủ Yên Thế được đổi thành huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Ngày 6-11-1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 532 chia huyện Yên Thế thành hai huyện Tân Yên và Yên Thế.
{keywords}

Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế).

Thời kỳ diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), nơi đây còn là những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp đầy hoang sơ, bí ẩn và thưa vắng dấu chân người. Những thung lũng mịt mù cây cối uốn lượn tiếp theo các triền đồi nhấp nhô kéo dài từ bên dãy núi Cai Kinh trùng điệp đổ mãi về mạn hạ du Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa... Càng về xuôi, những cánh rừng càng nhỏ dần theo dáng núi. Dãy Cai Kinh trước đây gọi là núi Nãi. Sau này nhân dân lấy tên thủ lĩnh Cai Kinh - tức Hoàng Đình Kinh, người anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của các dân tộc anh em trong vùng chống thực dân Pháp đặt tên cho dãy núi  hùng vĩ này.

Từ thủa xưa, Yên Thế đã nổi danh là vùng đất thượng võ. Thời Lê, trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi đã ca ngợi nỏ Yên Thế rất hiệu quả. Loại nỏ này có tên tẩm thuốc độc bắn trúng đối phương tử vong rất lớn. Cũng từ thời Lê trở đi, Yên Thế là nơi tụ hội các anh hùng hào kiệt. Vùng Yên Thế (cũ) nổi danh với câu ca "Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim". Các anh hùng hào kiệt thời Lê lưu truyền với các tên tuổi: Dương Quốc Nghĩa, Dương Quốc Minh, Dương Hùng Lương, Phan Thú, Giáp Bình Liên, Giáp Đặng Lâm, Nguyễn Vĩ Trinh...

{keywords}

Phát triển kinh tế rừng và du lịch tâm linh, sinh thái- thế mạnh của Yên Thế.

Đáng chú ý hơn cả là đến thời Nguyễn (từ thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX), Yên Thế nổi danh với các ông Đề, ông Lãnh, ông Đốc, ông Cai, mà tiêu biểu là Cai Kinh, Đề Nắm và Đề Thám. Các ông Đề, ông Cai đã làm nên những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại cường quyền, chống lại thực dân phong kiến. Đó là khởi nghĩa Quận Tường, của Đại Trận (Giáp Trận), của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh), của Đề Nắm (Dương Văn Nắm), Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) lãnh đạo.

Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế kéo dài suốt gần 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bàn chân của nghĩa quân và thủ lĩnh Đề Thám từng tung hoành ngang dọc trên khắp các nẻo đường: Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa và các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây... Cuộc khởi nghĩa đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thất lớn, làm cho thực dân Pháp và bè lũ tay sai vô cùng khiếp sợ.

Với những cánh rừng bạt ngàn tươi tốt bên công trình thủy lợi, hồ đập mênh mông ôm ấp đồi núi điệp trùng; những núi đá với vô số hang động kỳ bí ở Na Lương, Đá Mài... và nhiều đền, đình, chùa cổ kính, di tích lịch sử văn hóa cùng nguồn đặc sản quê hương như trà Xoan, bưởi Diễn, vải thiều, gà đồi..., Yên Thế sẽ mãi là nét ngời trong điểm hẹn tìm đến của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Để phát triển phong trào, ngoài quy tụ nghĩa quân xây dựng các cơ sở mới, nghĩa quân còn mở rộng mối quan hệ với nhiều xu hướng yêu nước và các lực lượng sĩ phu, binh lính bản xứ. Nhiều sĩ phu nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huấn, Nguyễn Đình Kiên đều về Yên Thế. Đặc biệt, Hoàng Hoa Thám đã gặp gỡ và thỏa thuận với nhà ái quốc Phan Bội Châu trong cuộc phối hợp hành động theo hướng vũ trang đánh Pháp khi Phan Bội Châu lên Yên Thế (1906). Bên cạnh các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao, Hoàng Hoa Thám còn cùng nghĩa quân Yên Thế duy trì các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong vùng và các vùng lân cận theo quan điểm mà ông đã từng nói "Chúng tôi gắn bó với phong tục đất nước tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù phải hy sinh cả tính mạng".

Tại khu vực Đài tưởng niệm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, lễ hội hằng năm được tổ chức trong ba ngày 16, 17, 18 - 3 dương lịch. Lễ hội Yên Thế có sự kế thừa trên cơ sở Lễ hội Phồn Xương trước đây. Theo năm tháng, lễ hội đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tất yếu về văn hóa tinh thần. Văn hóa ấy mãi tỏa sáng trong tâm thức các thế hệ hôm nay và mai sau. Lễ hội là một trong những hoạt động thiết thực bảo tồn, lưu giữ và phát huy tinh thần thượng võ vốn có trong lịch sử vùng đất này, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ trân trọng, tiếp thu, kế thừa tinh hoa văn hóa của cha ông thông qua các hoạt động: Đấu vật, võ, bắn cung, nỏ, ẩm thực dân gian...

"Tiểu loạn cư Hà Đông, đại loạn cư Yên Thế". Yên Thế - vùng đất địa linh nhân kiệt, những lớp người luôn mang trong mình truyền thống thượng võ với khí phách quật cường từng in đậm dấu son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Yên Thế với khu di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Thế, một bảo tàng sống sinh động minh chứng một thời oanh liệt hào hùng của nghĩa quân và nhân dân các dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Yên Thế với những cánh rừng kinh tế bạt ngàn tươi tốt bên những công trình thủy lợi, những hồ đập mênh mông với diện tích mặt nước tới hàng trăm ha (hồ Suối Cấy, hồ Diễn, hồ La Lanh, hồ Quỳnh...) ôm ấp những đồi núi điệp trùng, những núi đá với vô số hang động kỳ bí ở Na Lương, Đá Mài... cùng nhiều đền, đình, chùa cổ kính, di tích lịch sử văn hóa nằm rải rác ở hầu khắp các xã trong huyện. Cùng với nguồn đặc sản quê hương như trà Xoan, bưởi Diễn, vải thiều, gà đồi... Yên Thế sẽ mãi là nét ngời trong điểm hẹn tìm đến của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Anh Thân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...