Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng hình ảnh Lễ hội Yên Thế văn minh, thân thiện

Cập nhật: 08:49 ngày 15/03/2018
(BGĐT) - Ngày 16-3, Lễ hội kỷ niệm 134 năm khởi nghĩa Yên Thế sẽ chính thức khai mạc với phần lễ và phần hội phong phú. Đây là sự kiện văn hóa có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn trong vùng, là dịp quảng bá tinh thần yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí chống giặc ngoại xâm cũng như hình ảnh vùng đất, con người Yên Thế đến với du khách.
{keywords}

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Yên Thế.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Về thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) những ngày giữa tháng Ba, khắp nơi rợp cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Lễ hội Yên Thế. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện, cả phần lễ và hội được duy trì theo nghi thức truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Nét mới là huyện đăng cai tổ chức giải vô địch kéo co tỉnh Bắc Giang và có thêm phần trình diễn, chế biến, giới thiệu các món ẩm thực từ sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất trong lịch sử chống thực dân xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. 134 năm trôi qua nhưng âm hưởng, dấu tích hào hùng về cuộc chiến đấu đầy gian khổ, oanh liệt ấy vẫn còn vang vọng và in đậm trên vùng đất Bắc Giang. Theo một số tài liệu, trong lần hòa hoãn thứ hai với thực dân Pháp (1897), Hoàng Hoa Thám đặc biệt quan tâm đời sống văn hóa tinh thần của nghĩa quân cũng như nhân dân trong vùng.

Ngoài xây dựng các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa, hằng năm ông còn cho tổ chức lễ hội cầu may vào dịp đầu xuân, hội cầu siêu vào rằm tháng Bảy. Cũng từ đây, ngày hội trở thành lệ chung của nhân dân trong vùng: “Đầu năm làm hội, cuối năm làm chay”. Năm nào được mùa hay nghĩa quân giành thắng lợi thì năm ấy sẽ mở hội to và Đề Thám thường mời thân nhân nghĩa quân đã hy sinh đến gặp mặt. Vào ngày hội, ngoài các trò chơi còn thi bắn cung, bắn súng, săn thú, đua ngựa, vật, đánh cờ, thổi cơm, làm cỗ chay...

Lễ hội năm nay tiếp tục có nhiều hoạt động phong phú như: Lễ tế cờ, dâng hương, lễ phóng ngư, đốt lửa trại, chương trình nghệ thuật, chiếu phim “Thủ lĩnh áo nâu”, hát quan họ trên thuyền, múa rối nước, chọi dê, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ, kéo co, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp, các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, hội chợ thương mại, giới thiệu ẩm thực, sản vật địa phương, triển lãm sinh vật cảnh... Ban tổ chức mở cửa đón khách tham quan, bố trí thuyết minh viên tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế và di tích liên quan chùa Thông, đền Cầu Khoai, đình Dĩnh Thép, chùa Lèo…

Chủ động các phương án

Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động như: Lễ tế cờ, dâng hương, lễ phóng ngư, đốt lửa trại, chương trình nghệ thuật, chiếu phim “Thủ lĩnh áo nâu”, hát quan họ trên thuyền, múa rối nước, chọi dê, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá nữ, kéo co, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp cùng nhiều trò chơi dân gian, thể thao dân tộc...

Năm 1984, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Lễ hội Yên Thế. Từ đó đến nay, lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, đặc trưng vừa mang tính lịch sử, văn hóa vừa mang đậm dấu ấn truyền thống thượng võ. Qua đó giáo dục, tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ, lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc và phát triển du lịch. Với mục tiêu xây dựng hình ảnh lễ hội văn minh, thân thiện, năm nay huyện Yên Thế đề ra mục tiêu tổ chức lễ hội trang nghiêm, thiết thực, đúng nghi thức truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội: Để hạn chế tình trạng phản cảm, UBND huyện thành lập tổ công tác an sinh xã hội có nhiệm vụ rà soát, nắm bắt tình hình và di chuyển các đối tượng ăn xin, ăn mày ra khỏi khu vực lễ hội, đồng thời có phương án quản lý các đối tượng này trong suốt thời gian diễn ra. UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đội vệ sinh môi trường thường xuyên thu gom rác thải, bố trí các nhà vệ sinh lưu động đặt ở những vị trí thích hợp, vận động người kinh doanh, du khách nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh, quy định của Ban tổ chức.

Bên cạnh đó, huyện rà soát, thay thế, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ lễ hội, xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Ngoài ra thành lập các tổ kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hiện tượng mất an ninh trật tự, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, những biểu hiện tiêu cực, phản cảm, nhất là nạn cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan, ăn xin... Năm nay huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin giới thiệu, quảng bá lễ hội trên điện thoại di động. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, được sự quan tâm của các cấp, ngành, những năm qua cơ sở vật chất, cảnh quan khu vực tổ chức lễ hội được nâng cấp, các di tích được bảo tồn, trùng tu đã phần nào đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Để xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt, T.Ư và tỉnh cần đầu tư quy mô hơn nữa nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, quảng bá gắn với phát triển du lịch.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...