Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >> Yên Thế xưa và nay
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Về Yên Thế thăm di tích cụ Đề

Cập nhật: 09:23 ngày 12/11/2016
(BGĐT) - Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có tiềm năng du lịch lịch sử, tâm linh, nổi bật là Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám cùng nhiều điểm du lịch sinh thái thu hút du khách gần xa. "Ai về Yên Thế chớ quên/ Thăm khu di tích cụ Đề năm xưa/ Cùng em cấy lúa trồng chè/ Nuôi gà Yên Thế, sao chè Xuân Lương".
{keywords}

Tác giả Dương Thị Lan hướng dẫn đoàn Hội Nhà báo Thái Lan tham quan Nhà trưng bày cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: Việt Hưng

Vùng đất Yên Thế đã ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám kéo dài ngót 30 năm (1884- 1913). Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Trong tổng số 23 điểm di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, huyện Yên Thế có 9 điểm gồm: Đồn Phồn Xương, đền Thề, đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai. Trong đó đền Thề là điểm nhấn nổi bật nhất. Đây cũng là trung tâm của Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách vãn cảnh, hành lễ.

Đền Thề tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền vốn được xây dựng đơn sơ bằng tranh tre nứa lá. Năm 1897, tranh thủ thời gian hòa hoãn lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp, Đề Thám cho tu sửa lại đền. Chính tay ông chọn từng khúc gỗ và cho nghĩa quân dựng lên theo kiến trúc chữ đinh bằng gỗ lim, lợp ngói, gồm tiền đường 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian. Ngoài là nơi thờ cúng, nơi nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của nghĩa quân đã anh dũng hy sinh cũng như điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, đền Thề còn là địa điểm Đề Thám quy nạp nghĩa quân, chiêu mộ nhân tài. Trước mỗi trận đánh, ông thường cho nghĩa quân tập trung trước đền làm lễ cắt máu, uống rượu ăn thề đã ra quân là phải chiến thắng kẻ thù. Sau mỗi trận thắng trở về, ông lại cho tổ chức lễ khao quân rất linh đình tại đây. Chính vì những lý do đặc biệt như vậy, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế kết thúc, người dân đã đưa tượng Đề Thám vào thờ tại đây và từ đó quen gọi là đền Thề của nghĩa quân. 

Ngày nay ngôi đền được coi là nơi linh thiêng nhất của huyện Yên Thế, là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trong vùng và du khách trong, ngoài tỉnh. Phía sau đền Thề là tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám với câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng…”. Tại đây còn có nhà trưng bày hình ảnh và hiện vật khởi nghĩa Yên Thế. Bên phải là đồn Phồn Xương, được cho là thủ phủ, là đại bản doanh của nghĩa quân năm xưa. Đây không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi gặp gỡ, đàm đạo của Đề Thám với các sĩ phu yêu nước đương thời. Ngày nay, đồn tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn giữ được một bức tường bằng đất chạy dài, có các lỗ châu mai và cổng vững chắc. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà Ba Cẩn, vợ ba của Đề Thám, nhân dân đã xây ngôi đền thờ bà trong đồn Phồn Xương. 

Cùng với các điểm du lịch lịch sử tâm linh, về Yên Thế, du khách có thể đến thăm những điểm du lịch sinh thái khác. Sau khi thắp hương vãn cảnh khu di tích lịch sử Hoàng Hoàng Hoa Thám và một số đền, chùa, du khách ngược lên vùng cao vào thác Ngà tắm mát, hay đến bản Ven, xã Xuân Lương thăm, thưởng thức hương vị chè xanh của người Cao Lan được sản xuất theo quy trình khép kín kết hợp với những phương thức bí truyền từ bao đời nay. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những đặc sản quý hiếm như: Mật ong rừng, bánh khảo, kẹo lạc và đặc biệt là sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” được cả nước biết đến.

Dương Thị Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...