Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >> Yên Thế xưa và nay
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đánh thức tiềm năng du lịch

Cập nhật: 09:15 ngày 02/02/2018
(BGĐT) - Với bề dày lịch sử, văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã giúp huyện Yên Thế trở thành điểm đến hấp dẫn. Trước lợi thế này, cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều giải pháp giúp du lịch nơi đây ngày càng phát triển. Phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Trí Hải, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế.       
{keywords}

Thắng cảnh Thác Ngà, bản Xoan, xã Xuân Lương.   Ảnh: Như Hoa

Đề nghị đồng chí cho biết những tiềm năng thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, cộng đồng?

Yên Thế có nền tảng hệ thống di tích lịch sử, đền, chùa phong phú, đa dạng, là quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân do Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống lại thực dân Pháp xâm lược. Lễ hội Yên Thế (là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) được tổ chức hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách.

Là quê hương của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế oanh liệt do Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Yên Thế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, nơi đây có 120 di tích (trong đó 43 di tích được xếp hạng).

Không chỉ có thế mạnh về du lịch lịch sử, tâm linh, Yên Thế đang khơi dậy tiềm năng về loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng. Trên địa bàn huyện có những khu rừng xanh bạt ngàn, khí hậu mát mẻ, trong lành; có hồ Thác Ngà, hồ Ngạc Hai và nhiều dòng suối mang vẻ đẹp nguyên sơ. Yên Thế còn là miền quê của nhiều sản vật, ẩm thực đặc sắc: Gà đồi, chè xanh bản Ven, mật ong rừng… làm nức lòng du khách. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây như Cao Lan, Sán Chí vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống trong đời sống, sinh hoạt. 

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, xu hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng đang được ưa chuộng. Đó là lý do Yên Thế trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong những năm gần đây.

Mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch của huyện những năm tới như thế nào, thưa đồng chí?

Để phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp. Khi xây dựng các chỉ tiêu phát triển KT - XH hằng năm, huyện đặt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch năm sau cao hơn năm trước. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 101-NQ/HU, ngày 15-11-2016 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” gắn với phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. 

{keywords}

Biểu diễn võ sáo tại Lễ hội  Yên Thế.

Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng các đề án về phát triển du lịch như: Đề án tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Đề án quy hoạch phát triển khu du lịch tâm linh, sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà. UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, Yên Thế chọn năm 2017 là năm du lịch. Huyện đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế, khai trương khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà và đón Bằng công nhận cây di sản Việt Nam (cây lim xanh một nghìn năm tuổi)... 

Huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu di tích, điểm du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đưa khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà, khu sản xuất chè sạch bản Ven, xã Xuân Lương... vào quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, phát triển du lịch tại địa phương, đặc biệt là các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh...

{keywords}

Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại bản Ven, xã Xuân Lương.

Theo đồng chí, đâu là những khó khăn Yên Thế đang gặp phải khi phát triển du lịch?

Dù có tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng đến nay, Yên Thế vẫn chưa được biết đến nhiều trên hệ thống bản đồ du lịch của cả nước, chưa xây dựng, kết nối được các tour, tuyến du lịch về với Yên Thế.

Các ngành, lĩnh vực hỗ trợ cho du lịch như: Hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… chưa được đầu tư, phát triển tương xứng trong khi đây là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Ngân sách huyện còn hạn chế khiến nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thời gian tới, huyện đề ra giải pháp nào để phát triển du lịch trên địa bàn?

Để du lịch phát triển trong những năm tới, huyện tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, mục tiêu phát triển du lịch. Tích cực trang bị kiến thức, nâng chất lượng phục vụ du khách cho người dân và các đơn vị kinh doanh, nhất là dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng.

{keywords}

Hồ Cầu Cài, xã Đông Sơn. Ảnh Việt Hưng

Tiếp tục quán triệt, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ huyện đến xã và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện tốt, có hiệu quả các nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, các đề án, chương trình của UBND huyện về phát triển du lịch.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu về phát triển du lịch theo đúng lộ trình đặt ra. Cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành phối hợp kết nối, mở các tour, tuyến du lịch về Yên Thế, giúp đông đảo du khách biết đến và lựa chọn nơi đây là nơi nghỉ dưỡng.

Cảm ơn đồng chí! 

Văn Thương (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...