emagazine
{keywords}

Bằng nhiều cơ chế hỗ trợ, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Bắc Giang thay đổi tích cực. Tại nhiều địa phương, người dân mạnh dạn chuyển đổi nghề, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

{keywords}

Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 45 thành phần DTTS với hơn 257 nghìn người, trong đó có 6 thành phần DTTS đông, sinh sống thành cộng đồng. Toàn tỉnh có 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 36 xã khu vực I, 9 xã khu vực II và 28 xã khu vực III với tổng số 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Để thu hẹp khoảng cách vùng miền, từ các nguồn vốn, thời gian qua, UBND tỉnh, các huyện, TP ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người dân tại các địa bàn khó khăn. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai công tác GDNN và giải quyết việc làm năm 2023. 

Thực hiện chính sách GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND các huyện, TP lựa chọn cơ sở GDNN để đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các đối tượng. Kết quả, năm 2023, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đào tạo nghề cho 29 nghìn người. Trong đó trình độ cao đẳng là 1.665 người (đạt 191,4% kế hoạch), trung cấp 4.859 người (đạt 170,5% kế hoạch), còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo đạt 33%.

{keywords}

Để tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, DN dịch vụ việc làm chủ động phối hợp với các DN sử dụng lao động đánh giá, phân tích thông tin về nhu cầu và chủ động thực hiện tư vấn, giới thiệu nguồn nhân lực cho DN. Trong năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 82 phiên, trong đó có 48 phiên định kỳ, 10 phiên online, 14 phiên lưu động và 10 phiên chuyên đề. Tổ chức 6 ngày hội việc làm cho người lao động, cơ sở GDNN và DN tại các huyện, qua đó hơn 20 nghìn lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm. 

Một điểm sáng là sự kiện ngày hội việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn phối hợp với UBND huyện Sơn Động tổ chức. Đây là lần đầu tiên ngày hội đến với đồng bào vùng cao, thu hút gần 1 nghìn đoàn viên, thanh niên và người lao động tham dự. Tại huyện Lục Nam, UBND huyện cũng tổ chức hai buổi tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn. Thông qua ngày hội, học sinh có thêm thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó sớm định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

{keywords}

Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều hộ đồng bào DTTS có điều kiện cải tạo nhà ở và vốn phát triển kinh tế.

Nhờ chủ động kết nối, năm 2023, toàn tỉnh có 33,2 nghìn lao động có việc làm mới, trong đó có 2,2 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại các huyện miền núi, số lao động đi làm việc tại nước ngoài tăng cao, nhiều gia đình thoát nghèo. Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Các phiên giao dịch việc làm được tăng cường tổ chức tại các huyện miền núi, mở ra cơ hội tìm việc cho người dân vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là dịp để các đơn vị chức năng nắm rõ nhu cầu sử dụng lao động của các DN, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội”.

{keywords}

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, toàn tỉnh hỗ trợ cải tạo nhà ở cho 884 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.108 hộ; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển vùng cây dược liệu quý tại huyện Sơn Động. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. 

Cụ thể, năm nay, UBND huyện Yên Thế triển khai 16 dự án hỗ phát triển sản xuất cộng đồng (chăn nuôi bò sinh sản) tại các xã, thị trấn trên địa bàn; UBND huyện Lục Nam phê duyệt 7 dự án nuôi bò, gà và 17 dự án phát triển sản xuất cộng đồng. Tại huyện Sơn Động, ngoài nguồn vốn hỗ trợ, trong năm, các ngành, đoàn thể đã đứng ra nhận ủy thác giúp 142 hộ vay vốn chuyển đổi nghề, 332 hộ vay vốn giải quyết việc làm.

{keywords}

Từ chính sách hỗ trợ, nhiều xã đặc biệt khó khăn của tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung; có nơi xuất khẩu lao động là một trong những hướng giảm nghèo hiệu quả. Ví như tại xã Lệ Viễn (Sơn Động), trung bình mỗi năm người dân đi lao động tại các nước gửi về hơn 32,4 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân của xã năm 2023 lên 28 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025. 

Tương tự, một số xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn như: Phú Nhuận, Hộ Đáp, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý… cũng có sức sống mới. Điều dễ nhận thấy ở các xã này là sự thay đổi không chỉ là những ngôi nhà mới cho người nghèo, những công trình giao thông, trường học, trạm y tế… mà còn đổi mới trong nhận thức, tổ chức sản xuất của người dân. Nếu như trước kia, bà con chỉ quẩn quanh với ngô, sắn thì nay phát huy thế mạnh đồi rừng, người dân tập trung trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa) và trồng cây ăn quả. 

{keywords}

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Lục Ngạn cho biết: “Với phương châm “trao cần câu cho hộ nghèo”, Huyện uỷ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp cụ thể, sáng tạo, thiết thực để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ. Đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện quan tâm kết nối người lao động địa phương vào làm việc tại DN, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp điều kiện thực tế. Nhờ vậy, đời sống của người dân được nâng lên, khoảng cách vùng miền được rút ngắn”.

{keywords}

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 12.749 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,7%, giảm 1,01% so với năm 2022 (mục tiêu đề ra là giảm 1%/năm). Tại các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đều vượt so với mục tiêu đề ra, hiện chiếm 23%.

{keywords}

Thời gian tới, tỉnh xác định cần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập. Đến cuối năm 2025, huyện Sơn Động đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo. 

Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu vực miền núi, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh kế của người dân như: Giao thông, thuỷ lợi, chợ..., cơ quan chuyên môn tỉnh, các huyện, TP xác định, việc triển khai có hiệu quả các chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế, cải tạo nhà ở cho hộ đồng bào DTTS, tạo động lực giúp các hộ thoát nghèo. 

Điển hình, giai đoạn 2024-2025, UBND huyện Sơn Động sẽ huy động các nguồn lực, hỗ trợ 500 hộ nghèo, cận nghèo xoá nhà tạm; bố trí kinh phí hỗ trợ, thưởng các chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP. Hay tại huyện Yên Thế, khi triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất, các thôn, bản đều lựa chọn 1-2 cá nhân làm kinh tế giỏi, có kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực tương đồng tham gia mô hình, vừa hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc giúp hộ nghèo, vừa kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm…

{keywords}

Cùng với hỗ trợ sản xuất, các huyện miền núi triển khai nhiều dự án cải tạo, mở rộng đường giao thông tại thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Với vai trò hỗ trợ vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, phòng giao dịch các huyện tuyên truyền, giúp hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi; hướng dẫn hộ đồng bào DTTS sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề; yêu cầu các cơ sở GDNN triển khai chương trình đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng, tập trung đào tạo những ngành, nghề phù hợp. Tăng cường gắn kết, hợp tác với DN trong đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học theo chương trình 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm nhằm hỗ trợ các DN trong công tác tuyển dụng lao động; thường xuyên tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, thông tin để người lao động nắm được nhằm kết nối cung - cầu. Phối hợp xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả giữa khâu đào tạo với giải quyết việc làm. Cùng đó, thực hiện tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài.

mo-nhieu-huong-thoat-ngheo.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...