Chủ nhật, 19/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động

Cập nhật: 14:41 ngày 11/04/2024

BẮC GIANG - Ngày 11/4, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thị xã, chủ đầu tư hạ tầng CCN.

Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị.

Toàn tỉnh có 55 CCN, trong đó tỉnh đưa vào theo dõi kiểm điểm tiến độ 33 dự án do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư. Trong số này, đến nay có 8/22 CCN được thành lập trước năm 2020 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 6/11 CCN mới được thành lập năm 2022 đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (Đông Sơn, Tân Sỏi, Khám Lạng, Danh Thắng - Đoan Bái, Nếnh, Ngọc Vân) và đang lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, các công việc tiếp theo sau thành lập CCN.

Nhìn chung việc triển khai thực hiện cơ bản không bảo đảm kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác bồi thường GPMB chậm. Việc lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa ở một số CCN kéo dài như: Tiên Hưng (Lục Nam), Trung Sơn - Ninh Sơn (thị xã Việt Yên), Đại Lâm, Nghĩa Hòa (Lạng Giang).

Ngoài ra, nhiều CCN phải điều chỉnh tiến độ đầu tư do công tác kiểm đếm, quy chủ đất; đất không rõ nguồn gốc, phân chia tài sản thừa kế, đất cho, tặng, bán qua nhiều chủ; một số hộ dân chưa đồng thuận, đòi hỏi giá bồi thường cao hơn giá Nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gặp khó khăn do người dân không hợp tác, không giao trả giấy GCNQSDĐ (các CCN: Hà Thịnh, Hợp Thịnh, Đoan Bái, Đoan Bái - Lương Phong 1, Đoan Bái - Lương Phong 2, huyện Hiệp Hòa; Lăng Cao, huyện Tân Yên…). Một số CCN phần diện tích GPMB còn rất ít nhưng cũng gặp trở ngại trong GPMB vì khu đất có nhiều ngôi mộ hoặc đang có tranh chấp về sử dụng đất (các CCN: Thanh Vân, Việt Nhật, huyện Hiệp Hòa; Nội Hoàng, Yên Lư, huyện Yên Dũng; Tăng Tiến, thị xã Việt Yên…).

Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến.

Các CCN mới thành lập từ năm 2022 đến nay, quá trình thực hiện lại vướng về quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung cấp xã, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, lập quy hoạch chi tiết 1/500; vướng mắc về điểm đấu nối giao thông, thủ tục xin đấu nối giao thông gặp nhiều khó khăn…

Đại diện một số chủ đầu tư hạ tầng CCN đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng để DN hoàn thiện hạ tầng. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư các CCN mới được thành lập, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; hỗ trợ chủ đầu tư thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN đã có đủ điều kiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, TP đặc biệt là huyện Hiệp Hòa có giải pháp tháo gỡ trong việc chỉnh lý hồ sơ đất đai, chỉnh lý GCNQSDĐ khi lập hồ sơ thuê đất. Thời gian hoàn thành trong tháng 4/2024; hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư các CCN thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với CCN chưa có ĐTM. Cơ quan chức năng tháo gỡ việc đấu nối giao thông từ CCN vào tuyến quốc lộ.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, việc thành lập, đưa các CCN vào hoạt động nhằm tạo thêm quỹ đất đầu tư phát triển công nghiệp. Thời gian qua, các địa phương, sở, ngành đã nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.

Dù vậy tiến độ thực hiện chậm do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một số dự án khó triển khai là bởi ngay từ đầu lập quy hoạch đã có những sơ suất, cơ quan đề xuất, cơ quan thẩm định làm chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa vào cuộc tích cực, phối hợp giải quyết dứt điểm những vướng mắc.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hoà thông tin về kết quả GPMB thực hiện đầu tư hạ tầng CCN.

Đồng chí yêu cầu, các dự án CCN thành lập mới cần khắc phục ngay những hạn chế nêu trên, lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN do DN làm chủ đầu tư, đồng chí yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, TP, chủ đầu tư, các ngành liên quan tập trung hoàn thành các công việc theo tiến độ đề ra. Các sở, ngành căn cứ tiến độ thực hiện các CCN phối hợp giải quyết từng phần việc.

Các huyện, thị xã, TP tập trung GPMB, xây dựng cụ thể kế hoạch, lộ trình thời gian, phân công trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong giao đất, cho thuê đất, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, người dân có đất thu hồi trong quá trình thực hiện các CCN. Tổ chức thiết lập, quản lý chặt chẽ hồ sơ trong GPMB, kịp thời giải quyết khiếu, nại tố cáo theo thẩm quyền.

Đại diện chủ đầu tư hạ tầng CCN Lăng Cao (Tân Yên) nêu những khó khăn trong thực hiện dự án.

Chủ đầu tư CCN cần đẩy nhanh tiến độ thưc hiện thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng, xúc tiến thu hút đầu tư theo tiến độ đề ra. Triển khai thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính; tiếp cận mặt bằng, xây dựng hoàn thiện hạ tầng đối với diện tích đất được giao, nhất là trạm xử lý nước thải; tổ chức thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng chí lưu ý, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Về đấu nối đường giao thông các CCN với tuyến quốc lộ, đồng chí Phan Thế Tuấn chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải phối hợp rà soát các quy định, tham mưu, gỡ vướng cho chủ đầu tư.

Tin, ảnh Trường Sơn

Chia sẻ:
day-nhanh-tien-do-som-dua-cac-ccn-vao-hoat-dong-133225.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...