Thứ năm, 09/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Đầu tư hạ tầng, tích cực chuyển đổi số

Cập nhật: 08:20 ngày 23/04/2024

BẮC GIANG - Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về chuyển đổi số, Sở GD&ĐT đã triển khai học bạ điện tử ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Giải pháp này giúp cán bộ, giáo viên tiết kiệm thời gian trong quá trình làm hồ sơ, sổ sách; quản lý dữ liệu đánh giá học sinh thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành trường học.

Hạn chế sai sót

Theo Sở GD&ĐT, hiện nay, 100% thông tin học sinh phổ thông của tỉnh đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục -đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư. Tất cả các trường học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối Internet, bố trí nhân viên vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm, sẵn sàng phục vụ triển khai học bạ điện tử.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Cảnh Thụy (Yên Dũng).

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Học bạ điện tử lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về kết quả học tập của học sinh bảo đảm nhất quán, không thể thay đổi thông tin khi học bạ đã được phát hành, thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép trích xuất ra bản mềm hoặc bản PDF để in trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể”.

Từ năm học 2023-2024, Trường THPT Lạng Giang số 1 lưu kết quả học tập của học sinh bằng học bạ điện tử. Cô giáo Huỳnh Thị Hoà Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sử dụng học bạ điện tử, giáo viên tránh được sai sót trong việc nhập điểm, tính điểm trung bình. Mỗi học kỳ, nhà trường mở hệ thống học bạ điện tử 2 lần trong khoảng thời gian nhất định cho giáo viên nhập điểm, ghi nhận xét. Khi hệ thống đã khóa trở lại, giáo viên muốn thay đổi điểm số, lời nhận xét về học sinh đều phải báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường bằng văn bản. Khi được sửa chữa, hệ thống đều lưu lịch sử sửa chữa và cảnh báo”. Sau gần 1 năm học thực hiện học bạ điện tử, học sinh Trường THPT Lạng Giang số 1 yên tâm khi kết thúc năm học lớp 12, các em lấy kết quả học tập phục vụ làm hồ sơ xét tuyển đại học thuận tiện.

Sử dụng học bạ điện tử, ban giám hiệu theo dõi, quản lý sát sao quá trình đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên không mất nhiều thời gian ghi chép, làm hồ sơ, sổ sách. Khi kiểm tra hoặc lấy thông tin học sinh, thầy cô chỉ cần vào hệ thống là có đầy đủ mà không phải tìm lại trên hồ sơ giấy. Phụ huynh và học sinh tự theo dõi, giám sát kết quả học tập không chỉ của con em mình mà còn của các học sinh khác trên hệ thống; từ đó phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để quản lý, giáo dục con em kịp thời, hiệu quả.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang) cho biết: “Trước đây, giáo viên mất nhiều thời gian cho việc nhập điểm thủ công trên học bạ giấy. Hiện nay, sau khi nhập đầy đủ điểm theo kiểm tra miệng, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ vào học bạ điện tử, hệ thống sẽ tự động tính ra kết quả điểm trung bình học kỳ, năm học. Thuận lợi hơn đối với học sinh chuyển trường, chuyển cấp đó là học bạ của các em sẽ được kích hoạt ngay trên hệ thống điện tử của trường học nơi các em chuyển đến”.

Công bằng trong đánh giá, xếp loại học sinh

Bộ GD&ĐT đánh giá ngành Giáo dục Bắc Giang là nhóm tỉnh, TP đi đầu trong việc triển khai học bạ điện tử. Thời điểm này, Sở GD&ĐT các tỉnh, TP trên cả nước bắt đầu thí điểm thực hiện học bạ điện tử ở bậc tiểu học. Riêng Bắc Giang, học bạ điện tử đã được triển khai ở bậc THCS và THPT từ năm học 2022-2023 và hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở bậc tiểu học, dự kiến hoàn thành ở cả 3 cấp học vào cuối năm học 2023-2024. Từ kinh nghiệm áp dụng ở bậc THCS, THPT, với bậc tiểu học, Sở GD&ĐT chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Thời điểm này, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu thí điểm học bạ điện tử ở bậc tiểu học. Riêng Bắc Giang, học bạ điện tử đã được triển khai ở bậc THCS và THPT từ năm học 2022-2023. Hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở bậc tiểu học, dự kiến hoàn thành ở cả 3 cấp học vào cuối năm học 2023-2024.

Các trường chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin, nhất là cho cán bộ, giáo viên cao tuổi, thầy, cô giáo giảng dạy ở vùng khó khăn. Trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Mới đây, Trường Tiểu học Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã trang bị máy tính xách tay cho toàn bộ cán bộ, giáo viên nhà trường để phục vụ giảng dạy.

Thúc đẩy đội ngũ giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh toàn ngành đang tập trung nâng cao nguồn nhân lực, nhà trường đã thành lập nhóm giáo viên cốt cán về chuyển đổi số. Nhóm gồm các thầy, cô giáo có năng lực tin học thường xuyên phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sử dụng, khai thác bộ nhớ dùng chung của nhà trường hiệu quả, khoa học. Từ đó giúp các giáo viên khác trong trường nâng cao kỹ năng, trình độ công nghệ thông tin, nắm rõ quy trình sử dụng học bạ điện tử. Với hơn 800 học sinh, trước đây nhà trường luôn phải bố trí phòng lưu trữ hồ sơ học bạ, nay thực hiện thí điểm đã giảm tải nhiều công đoạn trong ghi chép, bảo quản hồ sơ, tiết kiệm chi phí.

Theo rà soát của Sở GD&ĐT, hiện nay, cơ sở vật chất trường học còn thiếu, kết nối internet chưa đồng bộ, nhiều gói đường truyền internet tốc độ chậm, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện học bạ điện tử, nhất là vào thời điểm giáo viên tập trung cao vào điểm, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đặc biệt, mỗi tỉnh, TP áp dụng học bạ điện tử theo phần mềm khác nhau dẫn đến tình trạng học bạ đã liên thông được từ cấp trường lên cấp phòng, cấp sở, cấp bộ nhưng chưa liên thông giữa các tỉnh, TP. Tỉnh Bắc Giang đã đồng loạt triển khai thực hiện học bạ điện tử ở tất cả các trường phổ thông nhưng mới chỉ có cán bộ quản lý được cấp chữ ký số, còn giáo viên chưa có chữ ký số, gây khó khăn trong việc xác nhận kết quả học tập của học sinh.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc, Sở GD&ĐT đang đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho giáo viên để hoàn thiện quy trình học bạ số, tạo thuận lợi cho học sinh trong việc xét tuyển đại học, chuyển trường, chuyển cấp. Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số bảo đảm đồng bộ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là an toàn, bảo mật thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê hệ thống các phòng tin học, máy tính, tốc độ đường truyền, đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thị xã, TP tập trung mọi nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, xây dựng trường học thông minh, tạo đà nâng chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT cũng đề nghị với Bộ GD&ĐT thống nhất xây dựng nền tảng học bạ điện tử dùng chung cho tất cả các trường học trên toàn quốc, bảo đảm đồng bộ, liên thông dữ liệu, thuận tiện, hiệu quả trong việc đánh giá, phân loại học sinh.

Bài, ảnh: Minh Thu

Chia sẻ:
bac-giang-dau-tu-ha-tang-tich-cuc-chuyen-doi-so-082017.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...