Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh

Cập nhật: 07:00 ngày 03/02/2019
(BGĐT) - Năm 2019, chúng ta kỷ niệm nửa thế kỷ Bác mất, cũng là nửa thế kỷ thực hiện những điều căn dặn cuối cùng của Bác trong bản Di chúc linh thiêng mà Người để lại. Vĩnh biệt Bác, Đảng ta và toàn dân tộc đã có 5 lời thề trước anh linh của Người tại lễ truy điệu trọng thể sáng 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử 50 năm về trước, ta không thể nào quên.

Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch

Trong những điều căn dặn, Bác nhấn mạnh trước hết là xây dựng Đảng. Đoạn nói về Đảng cầm quyền, trong Di chúc, bốn lần Bác nhắc đến chữ “THẬT”. Người viết: … “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Có thể nói, đoạn văn ngắn trên đây đã chắt lọc những điều cốt yếu, hệ trọng nhất về lý luận, mà cũng có thể gọi là chủ thuyết Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản cầm quyền. Hơn nữa, trong điều “trước hết” ấy, Bác lại dặn đầu tiên là vấn đề đoàn kết. Người còn chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

{keywords}

Các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao trao Bằng khen của Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ II - 2017, trong đó có Báo Bắc Giang.

Những đoạn trên lấy từ bản Di chúc công bố năm 1969. Bác viết, sửa chữa, bổ sung vào “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này và khiêm nhường gọi là “một bức thư”, là “mấy lời để lại” cho đồng bào, đồng chí liên tục từ năm 1965, lúc Bác 75 tuổi đến năm 1969, sau 79 mùa xuân, Bác thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Do đó, nghiên cứu Di chúc của Người, chúng ta cần nghiền ngẫm thấu đáo toàn bộ các bản viết từng năm, nhất là bản viết và chữa rất kỹ năm 1968, năm có sự kiện Tổng tiến công Mậu Thân, lúc Bác 78 tuổi. Trong bản viết năm 1968, Bác nêu ra những trù tính công việc phải làm ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi. Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Đây là những chỉ dẫn sâu sắc, rất cụ thể, thiết thực về Đảng Cộng sản cầm quyền, về cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền trong quan hệ mật thiết giữa Đảng với Dân của Bác Hồ kính yêu. Những chỉ dẫn này không chỉ được thể hiện tập trung và kết tinh trong Di chúc mà còn được đề cập trong toàn bộ Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách của Người.

Rất nhiều luận đề tư tưởng của Bác về Đảng đã trở thành danh ngôn, từ lâu đã “làm tổ” trong tâm hồn chúng ta, như: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng (Điều 1, “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng”)”. Rồi: “Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân (Điều 5)... Đó là một số điều trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng Người viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” từ năm 1947.

Những luận đề tư tưởng đó còn đồng thời thể hiện phương pháp và phong cách cũng như đạo đức của Người, của Đảng lãnh đạo và cầm quyền. Khi Đảng ta đang tập trung mọi nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì những chỉ dẫn ấy vẫn còn nguyên tính thời sự.

Về đạo đức, Hồ Chí Minh suốt đời nêu gương thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đức là gốc trong nhân cách của người cách mạng, người không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Để có đủ bốn đức làm người, thiếu một đức cũng không thành người thì phải kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm”, thứ giặc nguy hiểm nhất, ẩn nấp trong lòng mỗi người. Người thường xuyên căn dặn chúng ta, phải đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, của Đảng lên trên hết, trước hết, khi cần thiết phải hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mạng cũng không nề hà.

Năm cuối cùng của cuộc đời, Người sửa chữa một lần nữa bản Di chúc mà một trong những điểm nổi bật là ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng. Người còn viết tác phẩm cuối cùng, lại cho công bố trên báo Đảng đúng ngày sinh nhật Đảng (3-2-1969) “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nói về đạo đức, nhất là đạo đức trong Đảng, Người cũng có những lời bất hủ: “Lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”, “một tấm gương sống có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền”...

Về phong cách, trí tuệ khoa học và đạo đức cách mạng là nền tảng tạo nên giá trị, ý nghĩa và sức hấp dẫn đặc biệt, hiệu ứng rộng lớn và sâu xa của phong cách Hồ Chí Minh. Đó là phong cách giản dị và thiết thực, gần dân và trọng dân, tin dân để thương dân, vì quyền và lợi ích của dân, kết tinh thành dân chủ. Đó còn là phong cách khiêm tốn và thành thực, cái sức hút làm nên sự cảm hóa thuyết phục con người, thu phục nhân tâm, thúc đẩy đoàn kết.

Phong cách Hồ Chí Minh còn là khoa học và sáng tạo, từ tư duy đến hành động, là tinh tế trong ứng xử, nêu cao đức khoan dung và lòng nhân ái, vị tha. Tất cả những đặc trưng ấy trong phong cách Hồ Chí Minh tạo nên văn hóa Hồ Chí Minh, thống nhất hài hòa nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, hướng tới thực hành, “làm điều lợi cho dân”, “tránh điều hại tới dân”.

Tài sản tinh thần vô giá

Mức độ hài lòng của dân là minh chứng rõ nhất, đúng nhất về uy tín và ảnh hưởng của Đảng. Đó là những việc chúng ta đang làm và sẽ làm tốt hơn. Đó là cách tốt nhất làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và để cho Bác yên lòng, để mỗi chúng ta không phụ lòng tin yêu của Bác.

Để viết nên bản Di chúc như một đại tổng kết lý luận - thực tiễn về sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Bác Hồ đã trải nghiệm trực tiếp cuộc sống, lao động, đấu tranh và tình thương suốt cuộc đời mình, vượt qua bao khó khăn, thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác. Trong Di chúc, Bác tràn đầy niềm tin và lạc quan, tin rằng, cách mạng Việt Nam, cuộc chống Mỹ cứu nước nhất định thắng, đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua. Đó là một điều chắc chắn. Và trong cuộc sống hằng ngày, nhận trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân, Người đã ngày đêm suy nghĩ lo toan cùng Đảng, cùng Dân giải quyết bao việc lớn lao, hệ trọng. Người dâng hiến và hy sinh trọn vẹn, toàn vẹn cho cuộc đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân. Ta không thể nào quên những ngày tháng cuối cùng, những giây phút cuối cùng trong cuộc đời, Người vẫn chỉ canh cánh bên lòng lo nước thương dân. Với miền Nam, Người đặt tay lên ngực mà nói: “Miền Nam trong trái tim tôi". Với dân tộc Việt Nam, Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Hai tháng trước khi mất, ngày 14-7-1969, Người đã nói câu này khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Cu Ba Mác Ta Rôbát, báo GranMa.

Phút lâm chung, trên giường bệnh, Người vẫn minh mẫn, thông tuệ lạ thường hỏi tin chiến thắng ở miền Nam, hỏi đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không? Người còn hỏi chuẩn bị cho các cháu trong ngày khai giảng năm học mới đến đâu rồi… “Bác không thể bỏ dân mà đi được”. Đó là một trong những câu nói cuối cùng của Người mang tình thương bao la và trách nhiệm đến tận cùng đối với dân.

Người ra đi thanh thản, duy chỉ có một nuối tiếc là “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” bởi năm 1969, sức khỏe của Người đã yếu đi từng ngày. Mách bảo của tâm linh sâu thẳm cho Người rõ: “Ai mà đoán biết được tôi còn sống, còn phục vụ Tổ quốc và nhân dân được bao lâu nữa”. Bản văn Di chúc của Người có những câu như thế, nặng lòng thương nước yêu dân. Vậy nên, từ Di chúc ta thấy một cuộc đời gian lao và anh dũng, cũng là một cuộc đời, một con người, một sự nghiệp vô cùng trong sáng, cao thượng và đẹp đẽ “tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến cho dân tộc và nhân loại”.

Là một con người hành động, Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh được chứng thực qua 5 thực hành lớn, tiêu biểu, mẫu mực của Người: Thực hành lý luận trong thực tiễn, thống nhất lý luận với thực tiễn; Thực hành dân chủ; Thực hành dân vận; Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết; Thực hành đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, vô ngã vị tha, đấu tranh không mệt mỏi chống chủ nghĩa cá nhân để bền bỉ suốt đời trau dồi đạo đức cách mạng… Đó là những điều cao cả, thiêng liêng, vĩ đại mà vô cùng giản dị trong Tư tưởng - Đạo đức- Phong cách của Người, cô đúc trong Di chúc, để lại cho muôn đời sau một tài sản tinh thần vô giá, là Bảo vật Quốc gia. Đó không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo chỉ dẫn, cổ vũ, thúc đẩy chúng ta đi trên con đường lớn của lịch sử do Người đã vạch ra: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, làm cho nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, như điều mong muốn cuối cùng của Người.

Để xứng đáng với Bác nhiều hơn nữa

Mừng xuân, mừng Đảng, thương nhớ, kính yêu và biết ơn Bác vô hạn, không gì tốt hơn là mỗi người chúng ta hết mình phấn đấu để xứng đáng với Bác nhiều hơn nữa, bằng cách quyết tâm thực hiện Di chúc, quyết tâm xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh. Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đều tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong Đảng, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đại hội XII ra Nghị quyết hành động trong cả nhiệm kỳ mà xây dựng gắn liền với chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ, giữ vai trò then chốt.

Trong những năm qua, với quyết tâm và trách nhiệm chính trị, Đảng ta đã đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, đưa các đại án tham nhũng ra ánh sáng, tuyệt đối không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Hàng loạt cán bộ, đảng viên cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị kỷ luật nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đó là dũng khí của Đảng chân chính cách mạng. Đó là học tập, làm theo Bác để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng của mình.

Nội dung xây dựng Đảng đã đặc biệt nhấn mạnh giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức trong Đảng. Việc lựa chọn cán bộ, tạo nguồn cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đã đặc biệt coi trọng sự trong sạch về đạo đức, phải mẫu mực trong cần, kiệm đồng thời phải thực Liêm, thực Chính, thực Đức, thực Tài, kiên quyết không để những kẻ cơ hội, bất minh, bất chính ở trong các cơ quan lãnh đạo. Dựa vào dân để xây dựng Đảng, dân giám sát, kiểm soát cán bộ… Lòng tin của dân là thước đo về sự chuyển động tích cực trong Đảng. Mức độ hài lòng của dân là minh chứng rõ nhất, đúng nhất về uy tín và ảnh hưởng của Đảng. Đó là những việc chúng ta đang làm và sẽ làm tốt hơn, nhất là thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết ở cấp cao. Đó là cách tốt nhất làm cho Đảng trong sạch vững mạnh và để Bác yên lòng, để mỗi chúng ta không phụ lòng tin yêu của Bác.

Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang nhân rộng các điển hình tiên tiến
(BGĐT) - Nhân rộng việc tốt từ những điển hình tiên tiến là định hướng xuyên suốt của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Bắc Giang trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Từ chủ trương đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa.
 
Giới thiệu cán bộ trẻ giữ chức vụ chủ chốt ở cơ sở: Cơ hội rèn luyện, trưởng thành
(BGĐT) - Để có nguồn kế cận đủ năng lực lãnh đạo, một số cấp ủy trong tỉnh Bắc Giang đã quan tâm giới thiệu cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) đảm nhận chức vụ chủ chốt ở cơ sở. Đáp lại sự tin tưởng đó, nhiều đồng chí đã khẳng định năng lực chuyên môn và phát huy tốt vai trò "đầu tàu".
 
"Lời hứa với Đảng theo tôi cả cuộc đời"
(BGĐT) - Bước sang năm 2019, ông Nông Văn Chu (SN 1923) thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng (Lạng Giang-Bắc Giang) vừa tròn 70 năm tuổi Đảng. Với những cống hiến cho cộng đồng, ông là một đảng viên uy tín cao ở địa phương.
 

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...