Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quy định rõ và thống nhất về tổ chức bộ máy giữa các địa phương

(BGĐT) - Sáng 10-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã phát biểu tham luận đóng góp ý kiến vào Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Báo Bắc Giang Điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

...Về cơ bản, tôi đồng tình với các vấn đề đưa ra xem xét sửa đổi ở các luật lần này. Nhưng đi vào cụ thể mỗi vấn đề, tôi thấy còn một số điểm cần cân nhắc, thảo luận làm rõ thật sự có tính thuyết phục như sau:

Thứ nhất, về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tại Điều 23, Luật Tổ chức Chính phủ dự định giao cho Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tôi đồng ý rằng có thể phân cấp cho Chính phủ quy định bộ máy cấp dưới, nhưng không phải là chỉ quy định khung số lượng, còn để các địa phương tùy ý xác định có các cơ quan nào nằm trong bộ máy UBND cấp tỉnh, huyện của mình. 

{keywords}

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận tại hội trường.

Làm như vậy, sẽ mỗi nơi một khác giữa các địa phương; mỗi kỳ một khác trong cùng địa phương; sẽ rất khó khăn phức tạp trong quản lý theo ngành dọc. Ở đây Chính phủ quy định, nhưng phải rõ ràng và tương đối thống nhất về tổ chức bộ máy UBND tỉnh, huyện giữa các địa phương; sự khác có chăng là một chút do điều kiện đặc thù, điều kiện vùng miền, đô thị, nông thôn và sự khác nhau này cũng phải được Chính phủ quy định rõ, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, mỗi nơi một cách như vừa qua thí điểm nhập các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các địa phương, mà sau đó Chính phủ yêu cầu phải tạm dừng, chờ hướng dẫn, khi mỗi nơi một phách.

Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, tôi đề nghị xem xét cấp phó này trong tổng thể chức danh và tổ chức bộ máy HĐND mỗi cấp, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Theo tôi, cũng như đối với Quốc hội; Luật cần quy định rõ về tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu. Đây là tỷ lệ để bảo đảm mỗi cơ quan HĐND cần có để tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Tại sao với Quốc hội thì yêu cầu tới đây phải nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách còn địa phương thì lại đặt nặng vấn đề giảm biên chế, để quy định chiều hướng giảm đi?

Nhiệm kỳ này, theo đánh giá của nhiều người am hiểu cho rằng, hiệu quả hoạt động của HĐND ở cấp tỉnh đã có nâng lên rõ rệt; một trong những nguyên nhân tạo nên tiến bộ chính là tăng số lượng đại biểu chuyên trách làm việc ở các Ban HĐND.

Khi xác định rõ số đại biểu HĐND chuyên trách (theo tỷ lệ quy định) thì mới có căn cứ để xác định số lượng Phó Chủ tịch, Phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, câu chuyện biên chế không nằm ở việc có bao nhiêu Phó Chủ tịch, bao nhiêu Phó ban HĐND vì các chức danh này nằm trong tổng biên chế đại biểu HĐND chuyên trách.

Vấn đề là bố trí chức danh trong bộ máy HĐND thế nào thì phải cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình từng nhóm địa phương khác nhau như nông thôn/ miền núi/ hải đảo/ tỉnh, thành phố/ thành phố đặc biệt và bố trí phải liên quan từ việc bố trí cấp trưởng thế nào?

Từ thực tiễn địa phương, chúng tôi thấy rằng, HĐND khi được bố trí các trưởng ban là chuyên trách thì hoạt động hiệu quả hơn. Và Trung ương có lẽ cũng nên tổng kết xem ở những địa phương bố trí Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chuyên trách thì có hiệu quả thế nào để cân nhắc định hướng với các địa phương khác. Nếu khi bộ máy có cấp trưởng chuyên trách thì cũng chỉ cần tới 1 cấp phó chuyên trách hỗ trợ là đủ.

Câu chuyện giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện theo tôi không nên cứng nhắc. Chỉ cứng về quản lý về quản lý biên chế chuyên trách HĐND. Từng điều kiện tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch cho phù hợp. Số lượng cấp phó ở đây sẽ nằm trong tổng khung số lượng phó ở từng cấp đã quy định.

Về Phó Chủ tịch cấp xã loại II cần tăng thêm 1 người. Tôi đồng tình việc tăng thêm để đáp ứng yêu cầu hiện nay; nhưng cũng cần đặt vấn đề cho trúng để hướng tới các bước tiếp theo, bởi vì chúng ta đặt trong bối cảnh cải cách hành chính. Khi cải cách hành chính thì thì cải cách bộ máy hành chính giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm cấp phó, phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới (kể cả tới cấp phòng, cấp chuyên viên để chịu trách nhiệm); phải đổi mới phương pháp làm việc, chế độ công tác, giảm họp hành, thực hiện làm việc trên môi trường mạng, thực hiện chính quyền điện tử. Nhưng thời gian qua việc gắn kết này đã không thực sự diễn ra. Do vậy, chẳng phải chỉ ở xã loại II mới thiếu Phó Chủ tịch đi họp; mà nhiều xã loại khác; chính quyền huyện cũng thiếu phó chủ tịch đi họp.

Vậy, vấn đề ở đây cần xem xét không chỉ là tăng cấp phó mà phải gắn với việc xem xét, đổi mới cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề này.

Thứ ba, việc bổ sung thẩm quyền của HĐND cấp xã trong việc thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của cấp xã trước khi trình UBND cấp huyện phê duyệt, sau đó làm căn cứ cho chính quyền địa phương thực hiện. Vấn đề tôi băn khoăn là tại sao UBND cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội do HĐND cấp xã xây dựng, UBND cấp huyện phải thông qua rồi cấp xã mới được thực hiện. Đặt trong bối cảnh tại sao đối với cấp tỉnh, cấp huyện không yêu cầu cấp trên phê duyệt mà đến cấp xã đặt ra vấn đề này. Làm như vậy liệu có thêm thủ tục không cần thiết, hình thức, phiền hà cho chính quyền cấp xã hay không?

Đề nghị tiếp tục đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia
(BGĐT)- Sáng 3-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã phát biểu tham luận xung quanh việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) còn lại và 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. 
Báo Bắc Giang điện tử giới thiệu nội dung tham luận.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng: Cần có lộ trình khi tăng tuổi nghỉ hưu
(BGĐT) - Đó là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng khi thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ngoài lộ trình, theo bà, cũng cần tính đến cả việc làm của lao động trẻ khi tăng tuổi nghỉ hưu.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...