Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu - Cách làm của Bắc Giang: Kỳ III - Kinh nghiệm và đề xuất

Cập nhật: 09:52 ngày 01/11/2017
(BGĐT) - Từ chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn đó là cấp ủy, người đứng đầu cân nhắc, lựa chọn đăng ký những việc có tính khả thi cao. Quá trình thực hiện nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm hay vấn đề mới phát sinh.
{keywords}

Thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày vệ sinh môi trường, huyện Hiệp Hòa tập trung chỉnh trang nhiều tuyến đường nông thôn. Ảnh: Đường hoa tại xã Mai Trung.

Rõ việc, rõ chủ trương

Qua tổng hợp, đánh giá, hầu hết nhiệm vụ BTV cấp ủy cấp huyện đăng ký chỉ đạo, thực hiện hằng năm đều được triển khai tích cực và nhìn chung đạt kết quả tốt. Đến thời điểm này, nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh nghiệm rút ra đó là các nhiệm vụ đăng ký phải bảo đảm rõ việc, rõ chủ trương, đúng với tính chất là nhiệm vụ trọng tâm.

Đơn cử như ở Tân Yên, việc khắc phục hạn chế, yếu kém năm 2016 là một trong những nội dung của nhiệm vụ thứ hai BTV Huyện ủy đăng ký với BTV Tỉnh ủy. Xác định đây là nhiệm vụ có tính tổng hợp cao nên ngay sau kiểm điểm, Huyện ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục cụ thể gắn với xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh năm 2017. Trực tiếp Thường trực Huyện ủy gợi ý 17 đảng bộ cơ sở hơn 30 nội dung còn yếu kém. Phân công các đồng chí Ủy viên BTV phụ trách xã thường xuyên chỉ đạo, định kỳ báo cáo tiến độ khắc phục, là cơ sở để xem xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên dịp cuối năm.

Hay như huyện Việt Yên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thứ 9 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cao đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công, chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” theo cơ chế liên thông, từng bước liên thông điện tử”, giải pháp Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo là thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, mỗi tuần kiểm tra đột xuất tại 5-6 xã. Với phương châm “phê bình rõ địa chỉ”, 100% vi phạm liên quan đến văn hóa công sở được chỉ rõ tên tuổi, danh tính, chức vụ. Ngoài thẳng thắn phê bình nhắc nhở, tổ kiểm tra đề nghị Chủ tịch UBND các xã có biện pháp xử lý nghiêm. Theo đồng chí Lê Ô Pích, Chủ tịch UBND huyện: “Công việc huyện tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có thực sự đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc phần nhiều vào cán bộ ở cơ sở. Do vậy, qua kiểm tra, ngoài chấn chỉnh lề lối, tác phong còn góp phần giáo dục, nâng cao trách nhiệm phục vụ của đội ngũ này”.

Đặc biệt, hầu hết các địa phương đều thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu thi đua hoặc yêu cầu các bộ phận trực thuộc (phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan) cụ thể hoá thành các phần việc cụ thể trong nhiệm vụ trọng tâm đó và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Mục đích là để việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, đồng bộ, góp phần tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực từ huyện đến cơ sở theo phương châm: Cấp xã căn cứ nhiệm vụ của cấp huyện, cấp thôn căn cứ nhiệm vụ của cấp xã để kịp thời cụ thể hóa. Như vậy, ngoài 10 nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy xác nhận, hằng năm mỗi địa phương còn có hàng trăm nhiệm vụ trọng tâm khác do cấp cơ sở đăng ký triển khai thực hiện. Việc lựa chọn, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã trở thành nhiệm vụ của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy, để nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả cao, nhiệm vụ được lựa chọn phải thực sự là những vấn đề nổi cộm đang đặt ra trên thực tế, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, người đứng đầu. Ngay như việc BTV Huyện ủy Hiệp Hòa đưa mục tiêu nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên vào nội dung đăng ký là bởi đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2015- 2020), tỷ lệ này đạt thấp gần nhất tỉnh (47,4%). Tại Yên Dũng, vấn đề “nóng” nhất là những tồn tại kéo dài khiến Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ huyện chưa thể hoàn thành. Để giải quyết dứt điểm, BTV Huyện ủy và trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đăng ký nội dung này là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Qua thực hiện, tháng 8 vừa qua, sân golf chính thức đưa vào sử dụng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết của Huyện ủy.

{keywords}

Lãnh đạo Đảng ủy xã Việt Lập (Tân Yên) hướng dẫn cán bộ ký cam kết trong thực thi nhiệm vụ.

Khó khăn và đề xuất

Sau 4 năm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh kết quả và thuận lợi rõ nét vẫn còn không ít vấn đề liên quan đặt ra từ thực tiễn. Điển hình là không ít nhiệm vụ dù được xác nhận song chủ yếu mang tính định tính. Đơn cử như các nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; “Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng”; “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII)”, “Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát”... Với những nhiệm vụ như vậy thì việc đánh giá đúng mức được kết quả thực hiện là rất... khó khả thi. Đó còn chưa nói, về thực chất, những nhiệm vụ trên là  nhiệm vụ thường xuyên, đương nhiên cấp ủy phải chỉ đạo, thực hiện.

Cũng qua tìm hiểu ở nhiều địa phương, do chưa đánh giá đúng bức tranh tổng thể tình hình địa phương nên có những nhiệm vụ cấp ủy xác định khá dàn trải, thậm chí rập khuôn, đăng ký cho xong. Ví như chỉ nhìn vào nhiệm vụ của một cấp ủy là: “Tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của BTV Huyện ủy về thực hiện nghị quyết, chỉ thị, đề án, kết luận của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy” cũng có thể hình dung để triển khai được cần rất nhiều đầu mục khác nhau. Ngoài ra đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Do đó, trước khi đăng ký, tập thể cấp ủy quan tâm khu biệt, thảo luận kỹ lưỡng, lựa chọn rõ vấn đề đang cần tập trung ở địa phương để xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm thì hiệu quả sẽ rõ nét hơn.

Một đề xuất khác, cũng là kinh nghiệm từ thực tế đó là trong quá trình triển khai nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ, các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá kết quả, tiến độ trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp giải quyết phù hợp giúp cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình. Thậm chí nếu có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn có thể điều chỉnh chỉ tiêu hoặc bổ sung nhiệm vụ mới. Cùng đó, chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những địa phương, đơn vị có cách làm sáng tạo, hiệu quả, kịp thời phê bình những đơn vị làm chiếu lệ, xong lần, hiệu quả đạt thấp.

Từ kết quả và kinh nghiệm trên cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và bám sát yêu cầu thực tiễn của địa phương. Nhờ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhiều hạn chế, tồn tại kéo dài ở cơ sở đã được khắc phục, giải quyết. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng cũng từ đó nâng lên. Với định hướng của BTV Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo và đổi mới việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo, có thể tin tưởng đó sẽ là động lực mạnh mẽ để các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...