Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bệnh sởi diễn tiến trái mùa, lan rộng

Cập nhật: 13:37 ngày 02/08/2019
(BGĐT) - Bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường ghi nhận nhiều ca mắc vào mùa đông xuân. Thế nhưng năm nay, sởi diễn tiến trái mùa, số ca mắc có xu hướng tăng vào thời điểm này, trong đó có nhiều ổ dịch được phát hiện trong tháng 6, 7. Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh.

Phát hiện 3 ổ dịch

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, hiện nay bệnh sởi đang lan rộng ở 44 tỉnh, TP trên cả nước, trong đó có Bắc Giang. Bệnh nhân mắc sởi đã xuất hiện ở tất cả các huyện, TP của tỉnh.

{keywords}

Điều trị sởi cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Qua nắm bắt tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) trong ngày 31-7 có 5 bệnh nhân mắc sởi đang điều trị, trong đó có 2 trẻ em. Bệnh nhân Lại Văn Huy (SN 1987), xã Tân Tiến (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) kể: “Tôi bị sốt li bì và phát ban đã 2 ngày nhưng do làm nghề tàu bè trên sông nên chưa nhập viện kịp thời. Bản thân cũng không nghĩ mắc sởi vì đã ở tuổi trưởng thành. Đến khi có thêm triệu chứng đau họng, không hạ sốt tôi mới đi khám và được chẩn đoán bị bệnh sởi”. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Loan đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Trong tháng 7-2019, Khoa tiếp nhận điều trị 26 ca. Nhiều người được chuyển lên từ trung tâm y tế tuyến huyện, trong đó một số bệnh nhi có biến chứng viêm phổi phải điều trị tích cực, có vài ca nặng được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ngoài trẻ em, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân là người lớn được điều trị tại đây chiếm 50%. Để phòng tránh lây nhiễm chéo, Khoa đã bố trí bệnh nhân sởi ở các phòng điều trị cách biệt.

Qua theo dõi dịch tễ, ngày 15-7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phát hiện ổ dịch sởi tại Công ty TNHH May mặc Smart Shirt (Khu công nghiệp Vân Trung). Khởi phát từ bệnh nhân Nguyễn Thị Đăng, 35 tuổi, sau vài ngày đồng nghiệp làm cùng dây chuyền sản xuất là chị Hoàng Thị Thu cũng mắc theo. Khai thác bệnh sử, cả 2 bệnh nhân đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. 

Như vậy, trong tháng 6 và 7-2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện 3 ổ dịch quy mô nhỏ ở tổ dân phố Thanh Lương, phường Dĩnh Kế; thôn Trước, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) và ở Công ty TNHH May mặc Smart Shirt với 8 người mắc, trong đó có cả người lớn và trẻ sơ sinh.

Tính đến hết tháng 7-2019, toàn tỉnh ghi nhận 163 bệnh nhân mắc sởi, không có trường hợp tử vong, tăng 96 ca so với năm 2018. Các trường hợp mắc thường tập trung ở những nơi đông dân cư như: TP Bắc Giang có số người nhiễm cao nhất (44), tiếp đến huyện Việt Yên (26), Yên Dũng (19), Tân Yên (19). Các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế có số người mắc thấp, rải rác ở các xã.

Khống chế tốc độ lây nhiễm

Sởi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan qua tiếp xúc. Bệnh do virut gây phát ban da toàn thân và kèm theo các triệu chứng hô hấp giống cúm; không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ, giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, thường khỏi trong 7-10 ngày.

Theo đánh giá của Khoa Kiểm soát truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang), sau 4 năm (2015-2018), các ca bệnh sởi lắng xuống thì từ những tháng đầu năm 2019, số bệnh nhân mắc sởi bắt đầu tăng cao. Trong 28 tỉnh, TP phía Bắc, Bắc Giang có số người nhiễm cao thứ 12. 

Ca bệnh có độ tuổi thấp nhất là 2 tháng tuổi, cao nhất là 59 tuổi. Tỷ lệ mắc cao ở trẻ dưới 5 tuổi (51,8%) và tăng mạnh ở nhóm từ 25-40 tuổi. Điều bất thường là có đến 26% trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh (đối tượng chưa đến tuổi tiêm phòng). 

Mẹ của bé Nguyễn Ngọc Gia Hân, 8 tháng tuổi, ở xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) đang điều trị sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: “Do bé còn non nớt, sức đề kháng kém dễ biến chứng nên việc chăm sóc rất khó khăn. Không phòng bệnh được cho con là do trước khi mang thai, tôi chưa tiêm vắc-xin sởi-rubella”.

Các bác sĩ điều trị cho biết, biến chứng thường gặp của bệnh sởi là viêm phổi, viêm thanh quản, viêm kết mạc, mù lòa, viêm não, hôn mê, co giật, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm. Nguy hiểm hơn khi thai phụ mắc sởi có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.

Tỷ lệ mắc sởi trong cộng đồng tăng cao do nhiều cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng, người mẹ trước khi mang thai không tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella nên phần lớn đối tượng mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm (trẻ dưới 9 tháng tuổi), chưa tiêm và tiêm chưa đủ mũi, quên mũi nhắc lại khi 18 tháng tuổi. 

Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu lan rộng, trong tháng 6-2019, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hằng tháng, các trạm y tế thực hiện tiêm vắc-xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại khi 18 tháng tuổi.

Chủ động phòng bệnh sởi, Sở Y tế chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân kịp thời. Trong đó tăng cường theo dõi các khu vực nguy cơ cao tiềm ẩn bùng phát dịch. 

Bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố dự trù thuốc, sinh phẩm, tăng cường nhân lực phục vụ kịp thời, hiệu quả khi có đông bệnh nhân và nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.

Hơn hết, mỗi người dân thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đến chỗ đông người, khu vực ổ dịch. Nhất thiết mọi người cần tiêm vắc-xin sởi đủ mũi, đúng lịch. 

Đặc biệt, trẻ em nên chủng ngừa khi được 9 tháng tuổi; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vắc-xin sởi-rubella để trong thời gian mang thai có miễn dịch và kháng thể miễn dịch được truyền cho con, trong 9 tháng đầu đời.

WHO: Bệnh sởi bùng phát ở quy mô mạnh nhất trong lịch sử nhân loại
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng đầu năm nay, số ca mắc sởi trên toàn thế giới đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2018 và đây được xem là một thảm họa mang tính lịch sử kể từ khi một bác sĩ người Ba Tư định danh được căn bệnh này vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Gia tăng bệnh sởi mùa đông xuân
(BGĐT) - Dịch sởi đang gia tăng, đặc biệt trong những tháng mùa đông xuân. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi tháng có 10 trường hợp nhập viện vì sởi.
Bệnh sởi miền Bắc có xu hướng tăng nhanh
Trong 2 tháng qua, số ca mắc sởi vào Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư điều trị liên tục tăng, hầu hết chưa được tiêm phòng.
Bắc Giang: Bệnh nhi nhiễm bệnh sởi chủ yếu do chưa tiêm vắc-xin
(BGĐT) - Hiện nay, tại một số tỉnh phía Nam đang gia tăng bệnh nhi mắc sởi, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học.
Cung ứng thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi
Ngày 29-8, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue và bệnh sởi có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương.
Bắc Giang chủ động ngăn ngừa bệnh sởi lây lan trên diện rộng
(BGĐT) - Hiện nay, một số tỉnh lân cận đang gia tăng bệnh nhi mắc sởi, trong đó bùng phát mạnh nhất tại Hà Nội với 240 trẻ. 
Bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại khu vực miền Bắc
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, các ca mắc sởi trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng. 
Những biến chứng cực nguy hiểm của bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...