Bắc Giang: 19/03/2024 10:42:13 (GMT+7)
Trang chủ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH BẮC GIANG TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Sơn Động huy động người dân làm du lịch

15:42 | 07/09/2016

(BGĐT) - Là địa phương được lựa chọn triển khai dự án lớn về du lịch, Sơn Động (Bắc Giang) đang có những bước đột phá để trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình trải nghiệm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng tại Tây Yên Tử. Nắm bắt thời cơ, ngành chức năng huyện quan tâm khuyến khích, thu hút nhân dân sở tại tích cực làm du lịch, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập.

Sơn Động,  huy động, người dân, làm du lịch

Người cao tuổi dân tộc Dao xã Tuấn Mậu truyền dạy nghề thêu tay cho thế hệ trẻ.

Bước đầu hình thành các dịch vụ 

Trước đây, nhiều nông dân ở vùng cao Sơn Động chỉ làm nương rẫy, trồng rừng thì nay du lịch đang mở ra cơ hội mới cho họ. Từ nguồn kinh phí ngân sách 100 triệu đồng, huyện Sơn Động mời nghệ nhân truyền dạy nghề thêu tay thổ cẩm trang phục dân tộc Dao cho 30 học viên tại xã Tuấn Mậu. Ngoài ý nghĩa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngành chức năng còn tính đến sẽ thành lập tổ dịch vụ thêu tay thổ cẩm, cung cấp đồ lưu niệm cho du khách đến Khu du lịch sinh thái, tâm sinh Tây Yên Tử. Học viên Bàn Thị Thương, 20 tuổi cho biết: "Được nhà nước quan tâm, chúng tôi sẽ cố gắng tập thêu cho đẹp để có sản phẩm chất lượng tốt, đúng với bản sắc và tạo được ấn tượng khi du khách đến Tây Yên Tử". Bà Bàn Thị Nhất, thôn Tân Lập, xã Tuấn Mậu chia sẻ, hiện nay trang phục của đồng bào thường được sử dụng nhiều trong dịp ngày hội văn hóa, các nghi lễ vòng đời như: Cưới, tang, cấp sắc, sinh nhật, mừng thọ. Trong xã nhiều người biết thêu tay nhưng thường chỉ dành cho gia đình dùng, mong rằng khi du lịch phát triển, bà con sẽ thêu nhiều hơn, cung cấp cho khách, cải thiện thu nhập. 

Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu Bàn Văn Minh cho biết: Không chỉ được học nghề thêu, đồng bào Dao trong xã còn được huyện hỗ trợ đi thực tế tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, tham khảo mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa (Lào Cai). Được một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ, xã đang triển khai dự án trồng cây dược liệu như ba kích, đinh lăng, hỗ trợ tổ chức nhóm nuôi ong lấy mật từ hoa rừng. Đây sẽ là cơ sở tốt tiến tới thành lập các tổ dịch vụ về du lịch. Tại thôn Đồng Thông có gia đình nhiều năm qua là điểm lưu trú quen thuộc của du khách nước ngoài đến Tây Yên Tử. Mỗi lần đón khách đã đem lại nguồn thu nhập hàng triệu đồng cho chủ nhà. Được biết, thời gian tới, xã tiếp tục đề nghị tập huấn kỹ năng nấu ăn, hướng dẫn viên; khuyến khích bà con chế biến các món ăn truyền thống mà khách du lịch rất thích như: Xôi ngũ sắc, các loại bánh, rau rừng. 

Xóa đói giảm nghèo 

Tại Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, xã An Lạc đã thành lập các tổ phục vụ lên tới hàng chục người như: Hướng dẫn viên, nấu ăn, văn nghệ, thảo dược, nuôi ong, trông giữ xe, lưu trí… Gần chục hộ trong xã đã hăng hái cải tạo nhà cửa, đầu tư phòng ốc, mua sắm vật dụng để khách lưu trú. Khi có khách nghỉ lại, các gia đình tại đây thường hái những loại lá thuốc trên rừng đun làm nước tắm, xông hơi và du khách rất hài lòng với dịch vụ này. Cùng đó, bà con trồng cây thuốc nam, khai thác mật ong cung cấp cho du khách. Những công việc gần gũi, bình dị như trồng khoai, gặt lúa, đánh cá, nhổ cỏ thu hút khá đông khách du lịch trải nghiệm. Tại thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn, nhiều hộ dân cũng có thu nhập thường xuyên từ dịch vụ du lịch. Tới đây, UBND xã sẽ thành lập các tổ dịch vụ, tổ chức sản xuất một số sản vật đặc trưng, thêu may thổ cẩm. 

Huyện Sơn Động có hơn 7 vạn người, 14 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Địa phương còn bảo tồn được nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt truyền thống của dân tộc thiểu số. Trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện được biết: Tuy tại một số khu du lịch, người dân đã tổ chức cung cấp dịch vụ nhưng đa phần còn tự phát, nhỏ lẻ và mạnh ai nấy làm, thiếu chuyên nghiệp. 

Với mục đích đưa du lịch trở thành ngành trọng điểm, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, UBND huyện Sơn Động đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó đề ra mục tiêu mùa xuân năm 2018 sẽ khai hội Tây Yên Tử. Hiện ngành chức năng và huyện đang tham mưu xây dựng Đề án tổ chức lễ hội Tây Yên Tử, với nhiều phần việc có sự tham gia tích cực của nhân dân sở tại. Lãnh đạo tỉnh đã giao cho huyện quy hoạch các khu dịch vụ là cơ sở để nhân dân có thể tham gia vào quá trình này. Cùng đó tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức giữ nét đặc trưng và xây dựng những quy định, quy ước chung. Các nhiệm vụ quan trọng được tập trung là bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đối tượng chính được hưởng lợi và trực tiếp tham gia phát triển du lịch là nhân dân sở tại. 

Thời gian tới, huyện tổ chức lớp đào tạo tiếng Anh giao tiếp cho thanh, thiếu niên một số xã. Hỗ trợ đồng bào trồng, chế biến cây thuốc nam, phát triển vùng thảo dược theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến ẩm thực nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, thu hút khách du lịch đến với du lịch Tây Yên Tử.

Nguyễn Hưởng

Sơn Động, huy động, người dân, làm du lịch
 
Bình luận mới vừa được thêm vào. Click để xem
Mới nhấtHay nhấtXếp theo:
 
 
 
 
 
     
 
Thông tin liên hệ

© Bản quyền thuộc Báo Bắc Giang. Địa chỉ: Số 49 Nguyễn Văn Cừ - TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang.
@ Tổng Biên tập: Trịnh Văn Ánh - Tòa soạn ĐT:84.0204.3856624
Email: toasoanbbg@gmail.com
Giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử số 605/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/12/2022.
® Đề nghị ghi rõ nguồn "Báo Bắc Giang điện tử" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Mạng xã hội